Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 50: Làng (trích)

Bài 50: Làng (trích)

Nội dung bài Làng (trích) - Kim Lân môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân được biết đến qua những truyện ngắn viết về hình ảnh người nông dân trong không khí những ngày đầu chống Pháp. Hình ảnh ông Hai trong đoạn trích “Làng” là những người nông dân đi tản cư kháng chiến có tình yêu làng gắn bó với tình yêu cách mạng, đất nước.


I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả

Kim Lân (1920 – 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo từ trước CMT8 1945.

Gắn bó với cuộc sống nông thôn, Kim Lân chỉ viết về làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

Kim Lân theo cách mạng từ năm 1944 trong Hội văn hóa cứu quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông trở thành phóng viên các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc - và từ năm 1948 làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam.

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Làng, Vợ Nhặt, Ông Cản Ngũ, Đội Chim Thành,…

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ - hoàn cảnh sáng tác

Truyện ngắn Làng được viết năm 1948 – thời kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc, câu chuyện và nhân vật có liên quan nhiều đến làng quê và con người tác giả. Truyện được in trên tạp chí Văn nghệ số 1.

Truyện khai thác tình cảm quê hương, đất nước, một tình cảm bao trùm và phổ biến trong mỗi con người Việt Nam thời kì kháng chiến.

Văn bản trong SGK có lược bỏ phần đầu (phần giới thiệu về hoàn cảnh phải rời làng lên nơi tản cư của ông Hai và cái tính thích khoe làng của ông).

b. Thể loại: Truyện ngắn

c. Tóm tắt truyện:

Ông Hai là người nông dân sinh ra và lớn lên ở làng Chợ Dầu. Ông có một tinh thần yêu làng hết sức đặc biệt. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào ông cũng có thể khoe về làng mình. Vì tuổi cao sức yếu, ông phải cùng vợ con đi tản cư không được ở lại làng tham gia kháng chiến. Ngày nào ông cũng ra phòng thông tin vờ xem tranh ảnh chờ người khác đọc tin rồi nghe lỏm chẳng sót một câu nào về tin tức của làng. Bỗng hay tin làng Chợ Dầu theo giặc khiến ông đau đớn, xót xa, nhục nhã. Ông không dám đi đâu không dám nhìn ai và thương cho những đứa con mình. Ông càng bế tắc tuyệt vọng khi bà chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi với lý do không chứa người làng Việt gian. Khi tin làng theo giặc được cải chính, ông sung sướng hạnh phúc, chạy sang khoe nhà bác Thư dù nhà ông bị giặc đốt cháy.

d. Bố cục

Đoạn trích có thể chia làm 3 phần:

  • Từ đầu đến “không nhúc nhích”: Diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai khi nghe tin cả làng Dầu theo Pháp.
  • “Đã ba bốn hôm nay” đến “đôi phần”: Tâm trạng đau khổ, dằn xé của ông Hai những ngày sau khi biết tin làng mình theo giặc.
  • Đoạn còn lại: Tâm trạng vui sướng của ông hai khi nghe tin cải chính.

e. Chủ đề

Truyện ngắn Làng, Kim Lân phần nào phản ánh được bức tranh đời sống của người nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó, còn ca ngợi tình yêu làng – yêu đất nước chân thành, giản dị của họ.

 II. Đọc hiểu văn bản

1. Diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc

Ông Hai là người rất yêu làng của mình, thường khoe làng để khoả lấp nỗi nhớ về những tháng ngày hoạt động kháng chiến cùng anh em, đồng đội. Ông không chỉ là một dân làng mà còn là một phụ lão, một chiến sĩ đã từng tham gia đánh giặc giữ làng mà nay vì nhiệm vụ phải rời làng đi tản cư. Ấy vậy mà cái tin làng Chợ Dầu theo giặc lại truyền đến tai ông; cái tin ấy truyền đến quá đột ngột trong lúc tâm trạng của ông đang phấn chấn vì những tin tức kháng chiến vừa nghe được ở phòng thông tin. Vậy nên, cái tin ấy khiến cho “cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt tên rân rân, lặng đi, tưởng như không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ,…”. Tội nghiệp ông già vui tính, hay chuyện, mong ngóng tin tức của làng mình mà lúc này phải “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác” rồi “cúi gằm mặt đi thẳng”. Chỉ với một vài câu văn ngắn, tác giả đã cụ thế hoá sự sững sờ, ngạc nhiên đến mức hốt hoảng của ông Hai khi nghe tin dữ - một cái tin động trời mà trước đó ông không thể tin, không thể ngờ lại có thể xảy ra như thế. Vì ông vốn yêu làng, tự hào về làng Chợ Dầu cái gì cũng đẹp, cũng hay, cũng nhất. Những câu nói mỉa mai, căm ghét của người đàn bà cho con bú về làng Chợ Dầu vẫn đeo đẳng ông Hai, khiến ông thật ê chề, đau khổ như chính mình đang bị mắng vì ông là người làng Chợ Dầu – người của cái làng đốn mạt ấy!

Vừa về đến nhà, ông hai “nằm vật ra giường”; trong đau khổ, nhục nhã, ông nhìn đàn con chơi đùa thật đáng thương ở sau nhà. Bất giác ông nghĩ đến sự hắt hủi của mọi người dành cho những đứa trẻ của cái làng Việt gian này. Thương con, ông càng căm ghét bọn dân trong làng đã chạy hùa theo giặc, đã làm nên những chuyện đớn hèn, nhục nhã tổn hại đến danh dự của làng. Đó chính là tội phản bội, tội bán nước thật không thể dung thứ! Có lúc, ông cảm thấy chuyện tày đình này thật khó tin vì có biết bao tấm gương đã từng sống mái với kẻ thù, liều chết để hoàn thành sứ mệnh chung của cả dân tộc. “Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!...”Làm sao họ có thể sa đọa, biến chất nhanh như thế được?! Ông kiểm điểm lại từng người torng óc. “Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà.” Nhưng rồi những chứng cứ môt lần nữa tái hiện lại khiến ông phải cay đắng chấp nhận sự thật nhục nhã này. Ông Hai không ngừng dày vò tâm trí : “ Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!”. Ông nghĩ tới sự xua đuổi, tẩy chay của tất cả mọi người, nghĩ đến tương lai chưa biết phải làm ăn, sinh sống như thế nào và phải đối diện ra sao trước miệng lưỡi cạnh khoé, nanh nọc của mụ chủ nhà.. Những kẻ mà ông suốt đời thù ghét, khinh bỉ trớ trêu thay lại rơi vào chính ngôi làng của ông, bôi nhọ danh dự của cả làng Chợ Dầu.

Tối đó, ông Hai “vẫn trằn trọc không sao ngủ được”, “ hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài”, “chân tay nhủn ra, tưởng chừng như không cất lên được”. Đến khi bà Hai cất lời hỏi thăm thì ông bỗng gắt gỏng, bực tức như đang cố kìm nén nỗi lo lắng, hoang mang và không muốn nhớ lại sự thật kinh hoàng ấy. Điều này cho thấy ông Hai bị tổn thương tinh thần sâu sắc trước tin làng Chợ Dầu theo Tây; chính ông cũng không ngờ điều đó lại xảy ra với ngôi làng trù phú, kiên cường của mình.

Cơ sự ấy về làng ông có lẽ ông chưa bao giờ tưởng tượng, cũng như nỗi nhục đang đến trong ông có lẽ ông chưa từng biết. Phải chăng đến lúc này, lần đầu tiên ông mới thực sự dùng lí trí nghĩ về cái làng của ông, mới phải trăn trở, dằn vặt về tình yêu làng trong ông. Cái làng bây giờ không phải chỉ là đường thôn ngõ xóm, những hào, những ụ giao thông, những ao làng giếng làng đá ong, đường gạch đi không chút lấm chân… những cái hơn người mà ông từng khoe nữa. Làng bây giờ là một cái gì lớn lao hơn, là danh dự, là chỗ đứng, là cái lẽ để làm người. Làng bây giờ trong ý thức của ông Hai, gắn liền với nước, với kháng chiến.

2. Tâm trạng đau khổ, dằn xé của ông Hai những ngày sau khi biết tin làng Chợ Dầu theo giặc

Ba bốn hôm sau đó, ông Hai “không dám bước chân ra đến ngoài”, “chỉ quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng”, “một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ, .. lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta để ý, người ta bàn tán đến “cái chuyện ấyrồi lủi ra một góc nhà, nín thít”. Đó là cử chỉ của một người đang cam cố chịu đựng, trốn tránh như một tội phạm vì sợ người ta phát hiện mình là người làng Việt gian, sợ người ta xa lánh, xua đuổi, mắng nhiếc.

Đến khi mụ chủ nhà nanh nọc, khó tính có ý định đuổi cả nhà ông, tâm trạng ông Hai càng u ám, bế tắc. Những câu hỏi cứ liên tiếp cuộc trào trong tâm trí một ông già khốn khổ đáng thương: “Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi? Thật là tuyệt đường sinh sống!” Trong giây phút tuyệt vọng ấy, ông đã chớm nở ý định quay về làng cũ: “Hay là quay về làng?...” nhưng ý nghĩ ấy được gạt phăng ngay sau đó: “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.Về là tức là từ bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ; về làng là chịu đầu hàng thằng Tây, là lại cam chịu kiếp sống nô lệ, tôi đòi,…về là chịu mất hết ư?” Đến đây, tình yêu làng, yêu nước, ủng hộ cách mạng đã thực sự hoà quyện trong lòng ông lão nông dân tản cư. Trong đau khổ, dằn vặt, ông Hai đã đưa ra quyết định dứt khoát: phải thù cái làng theo giặc ấy dù trước đây cả đời ông đã gắn bó máu thịt với nó, đã vô cùng thương yêu, tự hào về nó.

Mâu thuẫn nội tâm đã được tháo gỡ nhưng lòng ông Hai đau đới biết bao. Ông chỉ biết san sẻ phần nào nỗi đau ấy với thằng con Út thơ ngây. Đoạn văn rất chân tình, cảm động bởi nó không chỉ diễn tả thể hiện tình cảm phu tử của cha con ông Hai mà qua đó, bộc lộ tâm trạng buồn bã, đau khổ và lòng quyết tâm trung thành của người cha già với cách mạng, với Cụ Hồ. Những giọt nước mắt của ông lại “giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Ông nói thủ thỉ: Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.” Những lời thủ thỉ, tâm tình với đứa con thơ ấy chính là tiếng lòng sâu thẳng của ông, vàng lên thành những lời quyết tâm với kháng chiến, với vị lãnh tụ của toàn dân. Đó là sự giãn bày lòng mình và cũng chính là sự minh oan cho chính mình. Đó là tình yêu sâu nặng với ngôi làng đang tạm phải xa, phải thù. Đó là tấm lòng thuỷ chung với cách mạng, với kháng chiến, tấm lòng biết ơn chân thành, bền vững và thiêng liêng cho đến chết. Đoạn văn: “Anh em đồng chí biết bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Đây là những suy nghĩ, lời lẽ chân thành rất mực, mộc mạc rất mực của ngừơi nông dân nghèo Bắc bộ. Ông Hai một lòng trung thành với cách mạng. Với ông, điều này to lớn hơn tất cả. Dù yêu làng da diết nhưng không thể phản bội Tổ quốc. Thông qua việc xây dựng một tình huống chân thật, mang tính xung đột nội tâm cao, Kim Lân đã đặt tình yêu làng của ông Hai vào một hoàn cảnh trớ trêu, từ đó bộc lộ rõ tính cách chân chất, mộc mạc và lòng yêu nước, ủng hộ kháng chiến sôi nổi của ông Hai.

3. Tâm trạng vui sướng của ông Hai khi nghe tin cải chính

Đến khi ông chủ tịch dưới quê lên cải chính tin đồn, ông Hai như mở cờ trong bụng. Thì ra cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, đó chỉ là tin đồn nhảm do địch mượn gió bẻ măng tung ra để gây hoang mang dân chúng, còn sự thật là làng ông đã chiến đấu rất anh dũng. Ông mua quà chia cho các con, lật đật báo tin với mọi người, cải chính cho mọi người xung quanh. Bây giờ, chính ông rất vui, rất tự hào khi nghe tin nhà mình bị giặc đốt: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa lên trên này cải chính…cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả!”. Một lần nữa tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện một cách thành thực và cảm động. Ông thanh đổi hoàn toàn: “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, “mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy”. Ông hồ hởi khoe với bác Thứ cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là “sai sự mục đích” cả và tỏ ra rất hào hứng, hạnh phúc khi nhà mình bị Tây đốt nhẵn. Nét tâm trạng này không bình thường nhưng lại rất chân thực. Dường như ông Hai không tiếc ngôi nhà, cái nhà không quý bằng cái tiếng trong sạch được khôi phục trở lại. Đối với ông, cái tin ấy ấy chính là một chứng cớ hùng hồn như muốn nói với mọi người rằng làng xóm quê hương ông đã dũng cảm chiến đấu chống quân thù. Căn nhà ông bị thiêu cháy như một chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp chung. Niềm vui hoàn toàn trở lại trong tâm hồn người nông dân già tản cư. Và ông lại tiếp tục hãnh diện khoe làng mình là ngôi làng kháng chiến. Cái nhà ông bị Tây nó đốt nhẵn cũng rất đáng khoe, đáng tự hào vì nó chứng tỏ rằng gia đình ông Hai và cả làng ông không hề đứng cùng chiến tuyến với quân thù. Ngôi nhà bị đốt hay cũng chính là sự hi sinh, đóng góp của gia đình ông Hai vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhà nhà, người người.

Chỉ một vài lời của ông chủ tịch mà như có phép hồi sinh, ông Hai trở lại là ông Hai xưa kia. Có lẽ chưa có ai trên đời khoe cái sự “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn” một cách hả hê, sung sướng như ông. Trong sự cháy rụi của nhà ông, của làng ông là sự hồi sinh của một ngôi làng Chợ Dầu khác, vẫn là cái làng ông từng yêu, vẫn là cái làng xứng đáng với tình yêu ấy: làng Chợ Dầu kháng chiến… Ai cũng mừng cho ông lão, kể cả mụ chủ nhà tinh quái. Không những ông Hai mà có lẽ cả người đọc cũng bất ngờ trước thái độ vui mừng của mụ. Nhưng ngẫm lại, người đàn bà ấy cũng là người dân Việt Nam, cũng sống trong không khí của cách mạng. Kim Lân thật sự tài ba khi chỉ bằng vài nét chấm phá đã giúp ta hiểu được thế nào là cuộc kháng chiến toàn dân.

Sau đó, cứ mỗi tối, ông Hai lại khoe về làng. Ông kể hôm thằng Tây khủng bố làng ông, chúng nó có bao nhiêu thằng, đi những lối nào, dân quân tự vệ làng ông chiến đấu ra sao… Ông kể rành rọt, tỉ mỉ như chính ông vừa đánh trận xong.

Khép lại tác phẩm, ông Hai trở lại là một ông già vui tính, yêu quê hương, yêu nước; hai tình cảm ấy giờ lại thống nhất trong ông. Thiết nghĩ, với những người nông dân hồn hậu, nhiệt tình, sôi nổi như ông Hai thì cuộc kháng chiến chống Pháp giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, giữ làng, giữ nước thắng lợi là điều tất yếu. Ông Hai là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình dị nhưng giàu lòng yêu nước - một mẫu người rất đáng quý của dân tộc ta trong những năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Truyện ngắn đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp như chân thật, mộc mạc nhưng có tình yêu làng quê sâu sắc, đầy nhiệt tình với kháng chiến, hăng hái với cách mạng. Vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam, tuy trình độ văn hoá thấp nhưng đã có tinh thần giác ngộ cao, tha thiết với quê hương, Tổ quốc.

Đồng thời, giúp ta thấy được tình yêu làng quê, tình yêu đất nước luôn hoà quyện, thống nhất với nhau và sự trung thành với sứ mệnh giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu.

2. Nghệ thuật

Nhà văn Kim Lân đặc biệt thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện; đã đặt nhân vật ông hai vào một tình thế đấu tranh gay gắt giữa tình yêu làng và lòng trung thành với Cụ Hồ, với sự nghiệp cách mạng. Đây là môt tình huống bất ngờ mà hợp lí, không chỉ tạo thành nút thắt, tạo sự hấp dẫn cho truyện mà còn là cơ hội để có thể hiện những tính cách, phẩm chất đáng quý của ông Hai: lòng yêu nước, tinh thần khẳng khái, trung thành với cách mạng.

Ngoài ra, tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật rất sinh động và sắc nét. Kim Lân không chỉ miêu tả chính xác, tinh tế các trạng thái tâm lí mà còn miêu tả thành công quá trình vận động, chuyển biến của tâm trạng nhân vật. Ông đã thấu hiểu, diễn tả rất cảm động nét tâm lí này của người nông dân hiếm có cây bút nào đạt được, dù đã không ít tác phẩm viết về đề tài người nông dân, sự gắn bó giữa họ với làng quê, đất nước. Chỉ qua một vài chi tiết miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ, hành động mà ta thấy rõ tính cách của mụ chủ nhà: “Người thì gầy đét như nhánh củi khô. Cái miệng mỏng lèo lèo, nói cứ liến đi mà chúa thần là gian. Không vào thì thôi. Động vào là nhòm. Mụ nhòm xó này một tí, xó kia một tí, rồi lục,...”

Ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật rất sinh động, gần gũi với lời ăn tiếng nói và cách nghĩ của người nông dân.

→ Truyện ngắn đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp như chân thật, mộc mạc nhưng có tình yêu làng quê sâu sắc, đầy nhiệt tình với kháng chiến, hăng hái với cách mạng. Vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam, tuy trình độ văn hoá thấp nhưng đã có tinh thần giác ngộ cao, tha thiết với quê hương, Tổ quốc. Đồng thời, truyện giúp ta thấy được tình yêu làng quê, tình yêu đất nước luôn hoà quyện, thống nhất với nhau... Qua “Làng”, ta hiểu hơn rằng ai cũng cần có quê hương và luôn thể hiện tình yêu với mảnh đất quê mình:

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”.


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 48: Tổng Kết Về Từ Vựng (luyện tập tổng hợp)
Bài 52: Đối Thoại, Độc Thoại Và Độc Thoại Nội Tâm Trong Văn Bản Tự Sự