Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Cảm ứng»Bài 27: Cảm ứng ở động vật (tiếp theo)

Bài 27: Cảm ứng ở động vật (tiếp theo)

Lý thuyết bài Cảm ứng ở động vật (tiếp theo) môn sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Lý thuyết: Nội dung 2. Mức độ tiến hóa của hệ thần kinh

Cảm ứng ở động vật chưa có tổ chức thần kinh

Động vật đơn bào chưa có hệ thần kinh ví dụ: Động vật nguyên sinh.

Hình thức cảm ứng là hướng động: chuyển động đến các kích thích (hướng động dương) hoặc tránh xa kích thích (hướng động âm).

Cơ thể phản ứng lại bằng cách chuyển động của cơ thể hoặc co rút chất nguyên sinh.

cam-ung-o-dong-vat-sinh-tt-11

Hình 4: Trùng đế giày bơi tới chỗ có nhiều oxi để trao đổi chất với môi trường.

Hình 5: Trùng biến hình thành chân giả để bắt mồi.Hình 4: Trùng đế giày bơi tới chỗ có nhiều oxi để trao đổi chất với môi trường.

Cảm ứng ở động vật có tổ chức thần kinh

Động vật đa bào đã có hệ thần kinh.

Hình thức cảm ứng là các phản xạ: phản ứng trả lời các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh.

Cung phản xạ bao gồm các bộ phận:

  • Bộ phận tiếp nhận kích thích (thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm: xúc giác, vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác).
  • Bộ phận dẫn truyền xung thần kinh đi vào ( đường cảm giác).
  • Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin để quyết định hình thức và mức độ phản ứng (hệ thần kinh).
  • Bộ phận dẫn truyền xung thần kinh đi ra ( đường vận động).
  • Bộ phận thực hiện phản ứng (cơ, tuyến: tuyến nước bọt, tuyến bài tiết......).

Cấu tạo của hệ thần kinh càng phức tạp thì số lượng phản xạ càng nhiều, phản xạ càng chính xác.

Có các loại phản xạ:

  • Phản xạ không điều kiện (số lượng hạn chế).
  • +hản xạ có điều kiện (số lượng ngày càng nhiều trong quá trình sống).

cam-ung-o-dong-vat-sinh-tt-11-1

Hình 6: Khi cơ quan thụ cảm nhận được tác nhân kích thích, xuất hiện phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường dưới sự điều khiển của hệ thần kinh biểu hiện là cẳng chân đá lên. Đây là phản xạ.

Hình 7: Đùi ếch đã cắt rời khỏi cơ thể co chân lại khi bị kích thích không phải là phản xạ mà chỉ là sự co của cơ vì không được điều khiển bởi hệ thần kinh.

Vậy đối với động vật có tổ chức cơ thể phức tạp thì các phản ứng cũng sẽ khác nhau. Tùy theo mức độ tiến hóa của hệ thần kinh mà phản ứng sẽ nhanh, hoàn thiện, chính xác hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Chúng ta sẽ tìm hiểu mức độ tiến hóa của hệ thần kinh.

Hệ thần kinh

Đại diện

Đặc điểm cấu tạo hệ thần kinh

Đặc điểm cảm ứng

Hệ thần kinh dạng lưới

Ngành ruột khoang.

Các tế bào thần kinh nằm rải rác trong cơ thể và liên hệ với nhau bằng các sợi thần kinh.

Phản ứng với kích thích bằng cách co toàn bộ cơ thể, do vậy tiêu tốn nhiều năng lượng.

Hệ thần kinh dạng chuỗi hạch

Giun dẹp, đỉa, côn trùng.

Các tế bào thần kinh tập hợp lại thành các hạch thần kinh nằm dọc theo chiều dài của cơ thể.

Phản ứng mang tính chất định khu, chính xác hơn, tiết kiệm năng lượng hơn so với hệ thần kinh dạng lưới.

Hệ thần kinh dạng ống

Động vật có xương sống.

Hình thành nhờ số lượng lớn các tế bào thần kinh tập hợp lại ống thần kinh nằm dọc theo vùng lưng của cơ thể. Não bộ phát triển.

Phản ứng mau lẹ, chính xác và tinh tế hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn.

Có thể thực hiện các phản xạ đơn giản (phản xạ không điều kiện) và phản xạ phức tạp (phản xạ có điều kiện).

 bai-27-cam-ung-o-dong-vat-tt-3

Hình 8: Mức độ tiến hóa của hệ thần kinh động vật 

 Khi nói về các phản ứng của các động vật có hệ thần kinh tiến hóa, xuất hiện rất nhiều phản xạ, các nhà khoa học chia làm 2 loại: Phản xạ đơn giản ( phản xạ không điều kiện) và phản xạ phức tạp ( phản xạ có điều kiện)

Phản xạ không điều kiện

Phản xạ có điều kiện

Bẩm sinh có tính chất bền vững

Hình thành trong quá trình sống, không bền vững, dễ mất.

Di truyền mang tính chủng loại

Không di truyền, mang tính cá thể.

Số lượng hạn chế

Số lượng không hạn chế.

Chỉ trả lời những kích thích tương ứng

Trả lời các kích thích bất kì được kết hợp với kích thích không điều kiện.

Trung ương: Trụ não, tuỷ sống

Có sự tham gia của vỏ não.

Một số ví dụ phản xạ không điều kiện

bai-27-cam-ung-o-dong-vat-tt-4

Giải thích hiện tượng: Vì khi trời lạnh nhiệt độ của cơ thể con động vật cao hơn nhiệt độ của môi trường bên ngoài nên cơ thể của động vật sẽ truyền nhiệt năng ra môi trường. Động vật thường xù lông lên vì khi đó giữa các sợi lông sẽ có không khí truyền vào, mà không khí là chất dẫn nhiệt kém nên hạn chế được sự truyền nhiệt năng của cơ thể động vật ra bên ngoài và giúp động vật giữ ấm lâu hơn.

Một số ví dụ phản xạ có điều kiện

cam-ung-o-dong-vat-sinh-tt-11-4

Giải thích hiện tượng: là những phản xạ được hình thành trong đời sống qua một số quá trình học tập, rèn luyện...

II. Bài tập luyện tập cảm ứng ở động vật của hệ thống trường NK - LTT

Câu 1: Xu hướng tiến hoá chung của hệ thần kinh là

  1. số lượng tế bào thần kinh ngày càng tăng, kích thước ngày càng nhỏ, số lượng phản xạ ngày càng giảm và giúp động vật hoạt động phức tạp và chính xác hơn.
  2. số lượng tế bào thần kinh ngày càng tăng, kích thước ngày càng lớn, số lượng phản xạ ngày càng nhiều và giúp động vật hoạt động phức tạp và chính xác hơn.
  3. số lượng tế bào thần kinh ngày càng tăng, kích thước ngày càng nhỏ, số lượng phản xạ có điều kiện ngày càng nhiều và giúp động vật hoạt động phức tạp và chính xác hơn.
  4. số lượng tế bào thần kinh ngày càng tăng, kích thước ngày càng nhỏ, số lượng phản xạ không điều kiện ngày càng nhiều và giúp động vật hoạt động phức tạp và chính xác hơn.

Câu 2: Phản ứng bằng cách co toàn thân khi bị kích thích thuộc nhóm động vật

  1. động vật nguyên sinh
  2. có hệ thần kinh dạng lưới.
  3. có hệ thần kinh dạng ống.
  4. có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

Câu 3: Khi kích thích tại một điểm bất kì trên cơ thể giun đất thì

  1. không phản ứng. 
  2. toàn thân phản ứng.
  3. phần đuôi phản ứng.
  4. chỉ có điểm bị kích thích phản ứng.

Câu 4: Đặc điểm khác nhau giữa cảm ứng động vật với cảm ứng thực vật là

  1. cảm ứng ở động vật nhanh hơn và khó nhận thấy hơn.
  2. hình thức phản ứng ở động vật đa dạng hơn, nhưng kém chính xác hơn.
  3. cảm ứng ở động vật nhanh hơn, dễ nhận thấy hơn còn cảm ứng ở thực vật chậm hơn, khó nhận thấy hơn.
  4. hình thức phản ứng ở thực vật nhanh hơn, chính xác hơn.

Câu 5: Đại diện nào sau đây có tổ chức hệ thần kinh khác các đại diện còn lại?

  1. Tôm.
  2. Cá.     
  3. Chó   
  4. Khỉ.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1:

Đáp án C

Hướng dẫn giải:

Xu hướng tiến hóa là số lượng tế bào thần kinh ngày càng tăng, kích thước ngày càng nhỏ, số lượng phản xạ có điều kiện ngày càng nhiều và giúp động vật hoạt động phức tạp và chính xác hơn.

Câu 2:

Đáp án B

Hướng dẫn giải:

Phản ứng bằng cách co toàn thân khi bị kích thích thuộc nhóm động vật có hệ thần kinh dạng lưới.

Câu 3:

 Đáp án C

Hướng dẫn giải:

Giun đất có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch nên khi bị kích thích thì phần đuôi phản ứng.

Câu 4:

Đáp án C

Hướng dẫn giải:

Cảm ứng ở động vật nhanh hơn, dễ nhận thấy hơn còn cảm ứng ở thực vật chậm hơn, khó nhận thấy hơn.

Câu 5:

Đáp án A

Hướng dẫn giải:

Cá, chó và khỉ là đại diện hệ thần kinh dạng ống còn tôm là đại diện hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.


Giáo viên biên soạn: Trần Ngọc Thủy

Đơn vị: Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 26: Cảm ứng ở động vật
Bài 28: Điện thế nghỉ