Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Cảm ứng» Bài 28: Điện thế nghỉ

Bài 28: Điện thế nghỉ

Lý thuyết bài Điện thế nghỉ môn sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Mọi tế bào trong cơ thể đều có khả năng hưng phấn. Hưng phấn là sự biến đổi lí hóa trong tế bào khi bị kích thích. Một chỉ số quan trọng để đánh giá tế bào, mô hưng phấn hay không đó chính là điện tế bào ( điện sinh học).

I. Lý thuyết

Khái niệm điện sinh học

Điện sinh học là khả năng tích điện của tế bào, cơ thể.

Điện sinh học bao gồm điện thế nghỉ (điện tĩnh) và điện thế hoạt động.

bai-28-dien-the-nghi-1
Hình 1: Tế bào thần kinh ( nơron)
bai-28-dien-the-nghi-2
Hình 2: Điện não đồ

Não là một cơ quan vô cùng phức tạp. Ví dụ, não người có khoảng 86 - 100 tỉ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh liên kết với nhau hình thành nên mạng lưới thần kinh. Các tín hiệu di chuyển qua mạng lưới thần kinh tạo nên cơ sở của trí nhớ, tư duy, và cảm xúc.

Khái niệm điện thế nghỉ

Điện thế nghỉ là sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào nghỉ ngơi (không bị kích thích), phía trong màng tế bào tích điện âm so với phía ngoài màng tích điện dương.

Ví dụ: điện thế nghỉ của tế bào thần kinh khổng lồ của mực ống là -70 mV(milivon), của tế bào nón trong mắt ong mật là - 50 mV(milivon).

Nguyên nhân là do sự chênh lệch nồng độ Na+, K+ hai bên màng; tính thấm của màng đối với ion K+ (cổng kali mở để ion kali đi từ trong ra ngoài); lực hút tĩnh điện giữa các ion trái dấu; hoạt động của bơm Na - K.

dien-the-nghi-2
Hình 3: Sơ đồ điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh động vật có vú
bai-28-dien-the-nghi-3
Hình 4: Sự chênh lệch nồng độ Na+, K+ hai bên màng.

Hình 3: Để đo điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh mực ống ta sử dụng máy đo điện thế cực nhạy gồm có 2 điện cực. Đặt điện cực thứ nhất của máy đo điện thế lên mặt ngoài của màng tế bào, còn điện cực thứ hai thì đâm xuyên qua màng tế bào, đến tiếp xúc với tế bào chất.

bai-28-dien-the-nghi-4
Hình 5: Mực ống

Sợi trục khổng lồ của loài mực ống Châu Âu (Loligo vulgaris) là nguyên liệu quan trọng để cho các nhà khoa học thần kinh có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về quá trình điện thế hoạt động.

II. Bài tập luyện tập điện thế nghỉ của hệ thống trường NK - LTT

Câu 1: Điện thế nghỉ xuất hiện khi

  1. Tế bào ở trạng thái nghỉ ngơi. 
  2. Tế bào bị kích thích.
  3. Tế bào ngừng phân chia. 
  4. Tế bào phân chia.

Câu 2: Khi tế bào thần kinh bị kích thích, điện thế nghỉ biến đổi thành điện thế hoạt động gồm các giai đoạn

  1. Tái phân cực - đảo cực - mất phân cực.
  2. Mất phân cực - đảo cực - tái phân cực.
  3. Mất phân cực - tái phân cực - đảo cực.
  4. Đảo cực - tái phân cực - mất phân cực.

Câu 3: Phát biểu nào sau đây sai?

  1. Điện thế hoạt động xuất hiện khi tế bào thần kinh bị kích thích.
  2. Điện thế nghỉ xuất hiện khi tế bào cơ đang nghỉ hoặc ở tế bào thần kinh không bị kích thích.
  3. Bơm Na - K có vai trò trong cơ chế hình thành điện thế nghỉ và điện thế hoạt động.
  4. Lúc tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi, không bị kích thích thì không có sự chệnh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1:

Đáp án A.

Hướng dẫn giải:

Điện thế nghỉ xuất hiện khi tế bào ở trạng thái nghỉ ngơi.

Câu 2:

Đáp án B.

Hướng dẫn giải:

Điện thế nghỉ bị kích thích trở thành điện thế hoạt động trải qua 3 giai đoạn theo trình tự sau: mất phân cực - đảo cực - tái phân cực.

Câu 3:

Đáp án D.

Hướng dẫn giải:

A, B, C đúng.

D sai vì lúc tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi, thì vẫn có sự chệnh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào phía trong màng mang điện âm và ngoài màng mang điện dương.


Giáo viên biên soạn: Trần Ngọc Thủy

Đơn vị: Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 27: Cảm ứng ở động vật (tiếp theo)
Bài 29: Điện thế hoạt động và sự lan truyền xung thần kinh