Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 12»Bằng Chứng Và Cơ Chế Tiến Hóa»Bài 28: Loài

Bài 28: Loài

Lý thuyết Loài Sinh học 12 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa các loài và quá trình hình thành loài, nhà khoa học Ernst Mayr đã đưa ra khái niệm loài sinh học.

I. Nội dung 1. Khái niệm loài sinh học

Khái niệm: Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con có sức sống và có khả năng sinh sản, cách li sinh sản với các nhóm quần thể khác.

Cơ sở phân biệt các loài: Để phân biệt loài này với loài kia, người ta có thể sử dụng các tiêu chuẩn về hình thái, hoá sinh, cách li sinh sản... hoặc kết hợp rất nhiều các tiêu chuẩn khác nhau.

  • Tiêu chuẩn hình thái: thường dùng đối với động, thực vật.
  • Tiêu chuẩn hoá sinh: thường dùng đối với vi khuẩn.
  • Tiêu chuẩn cách li sinh sản: là tiêu chuẩn chính xác nhất và khách quan nhất đối để xác định chính xác hai cá thể có thuộc cùng một loài hay không, đặc biệt trong trường hợp các loài thân thuộc có đặc điểm hình thái rất giống nhau (loài đồng hình). Đôi khi cần phải thụ tinh nhân tạo để xác định sự cách li sinh sản. Tiêu chuẩn cách li sinh sản chỉ dùng được với loài sinh sản hữu tính.

II. Nội dung 2. Các cơ chế cách li sinh sản giữa các loài

Khái niệm: Cách li sinh sản là các trở ngại trên cơ thể sinh vật ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau tạo ra con lai hữu thụ.

Vai trò: Đánh dấu hình thành loài: Các nhân tố tiến hoá làm phân hoá vốn gen của quần thể đến mức làm xuất hiện các cơ chế cách li sinh sản thì loài mới sẽ hình thành.

Phân loại: Gồm cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử.

 

Cách li trước hợp tử

Cách li sau hợp tử

Khái niệm

Là những trở ngại khiến các sinh vật không giao phối với nhau, ngăn cản sự thụ tinh tạo ra hợp tử.

Là những trở ngại ngăn cản việc tạo con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ.

Phân loại

  • Cách li nơi ở (sinh cảnh).
  • Cách li thời gian (mùa vụ).
  • Cách li tập tính.
  • Cách li cơ học.

loai-sinh-12

  • Có thụ tinh nhưng hợp tử không phát triển: Trứng nhái + tinh trùng cóc → hợp tử không phát triển. Cừu giao phối với dê → hợp tử chết ngay.
  • Hợp tử được tạo thành và phát triển nhưng con lai giảm sức sống: Kì giông thuộc chi Ensantina thỉnh thoảng giao phối với nhau nhưng phân lớn con lai rất yếu, không phát triển hoàn chỉnh.
  • Con lai sống được đến trưởng thành bị giảm khả năng sinh sản, bất thụ: Lừa giao phối với ngựa → con la không có khả năng sinh sản.

loai-sinh-12-1

Bài tập và hướng dẫn giải của hệ thống trường NK – LTT

Phần I. Câu hỏi tự luận

Câu 1: Thế nào là cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử?

Hướng dẫn trả lời:

Cách li trước hợp tử là những trở ngại khiến các sinh vật không giao phối với nhau, ngăn cản sự thụ tinh tạo ra hợp tử. Cách li sau hợp tử là những trở ngại ngăn cản việc tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ.

Câu 2: Nếu các cá thể của hai quần thể có các đặc điểm hình thái giống nhau, sống trong cùng một khu vực địa lí nhưng không giao phối với nhau hoặc có giao phối nhưng lại sinh ra đời con bất thụ thì hai quần thể dó thuộc 1 loài hay 2 loài? Tại sao?

Hướng dẫn trả lời:

Hai quần thể này thuộc 2 loài vì cách li sinh sản.

Câu 3: Việc sử dụng tiêu chuẩn cách li sinh sản để phân loại các loài có gì khó khăn? Khó khăn này được giải quyết như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Khó nhận biết được liệu hai quần thể đó trong tự nhiên có thực sự cách  li sinh sản với nhau hay không và cách li ở mức độ nào. Giải quyết bằng cách sử dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo để xác định sự cách li sinh sản.

Câu 4: Tại sao các cơ chế cách li có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá?

Hướng dẫn trả lời:

Vì các cơ chế cách li ngăn cản các loài trao đổi vốn gen cho nhau, vì vậy mỗi loài duy trì được những đặc trưng riêng.

Phần II. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Để phân biệt hai loài động vật thân thuộc bậc cao cần phải đặc biệt chú ý tiêu chuẩn nào sau đây?

  1. Tiêu chuẩn cách li sinh sản.
  2. Tiêu chuẩn sinh lí – hoá sinh.
  3. Tiêu chuẩn địa lí – sinh thái.
  4. Tiêu chuẩn hình thái.

Câu 2: Khi nói về cơ chế cách li phát biểu nào sau đây không chính xác?

  1. Cách li sinh sản là những trở ngại trên cơ thể sinh vật ngăn cản sự giao phối hoặc ngăn cản việc tạo con lai hữu thụ.
  2. Cách li sinh sản là tiêu chuẩn chính xác nhất để phân biệt hai quần thể cùng loài hay khác loài.
  3. Cơ chế cách li giúp duy trì sự toàn vẹn của loài.
  4. Cách li trước hợp tử gồm các loại: Cách li nơi ở, cách li tập tính, cách li địa lí, cách li cơ học.

Câu 3: Trong các cơ chế cách li sinh sản, cách li trước hợp tử thực chất là

  1. ngăn cản hợp tử phát triển thành con lai hữu thụ.
  2. ngăn cản sự thụ tinh tạo thành hợp tử.
  3. ngăn cản con lai hình thành giao tử.
  4. ngăn cản hợp tử phát triển thành con lai.

Câu 4: Điều nào sau đây sai khi loài sinh học và các cơ chế cách li?

  1. Tiêu chuẩn cách li sinh sản chỉ được áp dụng đối với loài sinh sản hữu tính.
  2. Hai quần thể thân thuộc chỉ trở thành hai loài khi và chỉ khi có sự cách li sinh sản.
  3. Các cá thể thuộc hai loài có thời gian giao phối khác nhau, đây là dạng cách li trước hợp tử.
  4. Loài la được hình thành từ phép lai giữa lừa và ngựa.

Câu 5: Hai quần thể động vật được xác định thuộc hai loài khác nhau, khi các cá thể của chúng:

  1. không giao phối với nhau hoặc giao phối được với nhau tạo hợp tử nhưng hợp tử bị chết hoặc phát triển thành đời con bất thụ.
  2. có hình thái hoặc ổ sinh thái khác nhau.
  3. sống ở các vùng địa lý khác nhau.
  4. có kích thước khác nhau.

Câu 6: Về cách li sinh sản, hiện tượng nào sau đây không cùng nhóm với các hiện tượng còn lại?

  1. Trứng nhái thụ tinh với tinh trùng cóc tạo được hợp tử nhưng hợp tử không phát triển.
  2. Ngựa vằn sống ở châu Phi không giao phối với ngựa hoang sống ở vùng Trung Á.
  3. Chồn đốm phương đông và chồn đốm phương tây sống cùng khu địa lí nhưng khác mùa giao phối.
  4. Sự thụ phấn không xảy ra giữa các cây khác loài do cấu tạo hoa của chúng khác nhau.

Câu 7: Ba loài ếch: Rana pipiens, Rana clamitansRana sylvatica cùng giao phối trong một cái ao, song chúng bao giờ cũng bắt cặp đúng với cá thể cùng loài vì các loài ếch này có tiếng kêu khác nhau. Đây là ví dụ về dạng cách li nào và là kiểu cách li gì?

  1. Cách li sau hợp tử và kiểu cách li mùa vụ.
  2. Cách li sau hợp tử và kiểu cách li tập tính.
  3. Cách li trước hợp tử và kiểu cách li tập tính.
  4. Cách li trước hợp tử và kiểu cách li cơ học.

Câu 8: Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu về các cơ chế cách li sinh sản giữa các loài là đúng?

  1. Cách li trước hợp tử là những trở ngại ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau và ngăn cản sự thụ tinh hình thành hợp tử.
  2. Cách li sau hợp tử là những trở ngại ngăn cản hợp tử phát triển phôi thai hoặc ngăn cản tạo ra con lai hữu thụ.
  3. Cách li trước hợp tử bao gồm: cách li nơi ở, cách li tập tính, cách li thời gian (mùa vụ), cách li cơ học.
  4. Cách li sau hợp tử là thụ tinh được nhưng hợp tử không phát triển hoặc phôi được tạo thành nhưng lại chết non, hoặc con lai sống được nhưng không có khả năng sinh sản.
  1. 4
  2. 3
  3. 1
  4. 2

Câu 9: Trong các hiện tượng dưới đây, có bao nhiêu hiện tượng thể hiện sự cách li trước hợp tử?

  1. Cừu có thể giao phối với dê, có thụ tinh tạo thành hợp tử nhưng hợp tử bị chết ngay.
  2. Lừa giao phối với ngựa sinh ra con la không có khả năng sinh sản.
  3. Các cây khác loài có cấu tạo hoa khác nhau nên hạt phấn của loài cây này thường không thụ phấn cho hoa của loài cây khác.
  4. Hai loài rắn sọc, một loài sống chủ yếu ở nước, một loài sống chủ yếu ở trên mặt đất.
  1. 1
  2. 2
  3. 4
  4. 3.

Câu 10: Trong các hiện tượng dưới đây, có bao nhiêu hiện tượng thể hiện sự cách li sau hợp tử?

  1. Hai loài ốc sên có vỏ xoắn ngược nhau không thể giao phối với nhau do hướng mở cơ quan giao cấu không phù hợp.
  2. Hai loài chim chân xanh ở đảo Galapagos không thể giao phối với nhau do chúng thực hiện những điệu múa quyến rũ bạn tình khác nhau trước khi giao phối.
  3. Trứng nhái được thụ tinh với tinh trùng của cóc nhưng hợp tử không phát triển.
  4. Một số phân loài kì giông Ensatina có thể giao phối với nhau nhưng con lai phát triển không đầy đủ hoặc có sức sống kém.
  1. 4
  2. 1
  3. 2
  4. 3

Câu 11: Cho các hiện tượng dưới đây:

  1. Hai loài chồn hôi sống trong cùng một khu vực địa lí, một loài ở phía đông giao phối vào cuối mùa đông, một loài sống ở phía tây giao phối vào cuối mùa hè.
  2. Lừa giao phối với ngựa sinh ra con la không có khả năng sinh sản.
  3. Các cây khác loài có cấu tạo hoa khác nhau nên hạt phấn của loài cây này thường không thụ phấn cho hoa của loài cây khác.
  4. Hai loài rắn sọc, một loài sống chủ yếu ở nước, một loài sống chủ yếu ở trên mặt đất.

Có bao nhiêu hiện tượng thể hiện sự cách li sinh cảnh hoặc cách li mùa vụ?

  1. 4
  2. 1
  3. 2
  4. 3.

Câu 12: Cho các hiện tượng sau đây:

  1. Hai loài ốc sên có vỏ xoắn ngược nhau không thể giao phối với nhau do hướng mở cơ quan giao cấu không phù hợp.
  2. Lừa và ngựa có thể giao phối với nhau tạo ra con lai có sức sống tốt nhưng bất thụ.
  3. Trứng nhái được thụ tinh với tinh trùng của cóc nhưng hợp tử không phát triển.
  4. Một số phân loài kì giông Ensatina có thể giao phối với nhau nhưng con lai phát triển không đầy đủ hoặc có sức sống kém.

Có bao nhiêu hiện tượng thể hiện sự cách li nơi ở hoặc cách li cơ học?

  1. 4
  2. 2
  3. 1
  4. 3

Câu 13: Hình ảnh sau đây mô tả sự cách li trước hợp tử của một số loài động vật. Hãy nghiên cứu hình ảnh và cho biết trong các nhận xét dưới đây có bao nhiêu nhận xét không đúng?

loai-sinh-12-2

  1. Hai loài ốc sên có vỏ xoắn ngược nhau không thể giao phối với nhau do hướng mở cơ quan giao cấu không phù hợp là cách li tập tính.
  2. Hai loài rắn sọc, một loài sống chủ yếu ở nước, một loài sống chủ yếu ở trên mặt đất là cách li thời gian (mùa vụ).
  3. Hai loài chồn hôi sống trong cùng một khu vực địa lí, một loài ở phía đông giao phối vào cuối mùa đông, một loài sống ở phía tây giao phối vào cuối mùa hè là cách li nơi ở.
  4. Hai loài chim chân xanh ở đảo Galapagos không thể giao phối với nhau chúng thực hiện những điệu múa hấp dẫn bạn tình khác nhau trước khi giao phối là cách li cơ học.
  1. 1
  2. 2
  3. 3
  4. 4

Câu 14: Hai loài họ hàng sống trong cùng khu phân bố, có giao phối với nhau và sinh con nhưng vẫn được xem là 2 loài. Xét các nguyên nhân sau:

  1. Con lai có sức sống yếu, chết trước tuổi sinh sản.
  2. Con lai có cấu tạo cơ quan sinh sản khác nhau.
  3. Con lai không có cơ quan sinh sản.
  4. Con lai có mùa sinh sản khác nhau.

Có bao nhiêu nguyên nhân dẫn tới 2 loài trên được xem là 2 loài?

  1. 2
  2. 3
  3. 1
  4. 4

Câu 15: Cho các ví dụ nào sau đây:

  1. Hai loài rắn sọc sống trong cùng một khu vực địa lí, một loài chủ yếu sống dưới nước, loài kia sống trên cạn.
  2. Một số loài kì giông sống trong một khu vực vẫn giao phối với nhau, tuy nhiên phần lớn con lai phát triển không hoàn chỉnh.
  3. Ngựa lai với lừa đẻ ra con la bất thụ.
  4. Trong cùng một khu phân bố địa lí, chồn đốm phương đông giao phối vào cuối đông, chồn đốm phương tây giao phối vào cuối hè.
  5. Các phân tử prôtêin bề mặt của trứng và tinh trùng nhím biển tím và nhím biển đỏ không tương thích nên không thể kết hợp được với nhau.
  6. Hai dòng lúa tích lũy các alen đột biến lặn ở một số lôcut khác nhau, hai dòng vẫn phát triển bình thường, hữu thụ nhưng con lai giữa hai dòng mang nhiều alen đột biến lặn nên có kích thước rất nhỏ và cho hạt lép.
  7. Chim sẻ và chim gõ kiến không giao phối với nhau vì tập tính ve vãn khác nhau.
  8. Cừu có thể giao phối với dê, có thụ tinh tạo thành hợp tử nhưng hợp tử bị chết ngay.
  9. Các cây khác loài có cấu tạo hoa khác nhau nên hạt phấn của loài cây này thường không thụ phấn cho hoa của loài cây khác.
  10. Ngựa vằn phân bố ở châu Phi nên không giao phối được với ngựa hoang phân bố ở Trung Á.

Có bao nhiêu ví dụ trên là biểu hiện của cách li trước hợp tử?

  1. 4
  2. 5
  3. 6
  4. 7
Đáp án bài tập trắc nghiệm

Câu 1:

Đáp án - A

Hướng dẫn giải:

Để phân biệt hai loài động vật thân thuộc bậc cao cần phải đặc biệt chú ý tiêu chuẩn cách li sinh sản vì các loài động vật thân thuộc bậc cao sẽ có hình thái, sinh lí, nơi ở rất giống nhau nên các tiêu chuẩn sinh lí – hoá sinh, tiêu chuẩn địa lí – sinh thái, tiêu chuẩn hình thái sẽ không chính xác.

Câu 2:

Đáp án - D

Hướng dẫn giải:

Cách li trước hợp tử gồm các loại: Cách li nơi ở, cách li tập tính, cách li mùa vụ, cách li cơ học. Cách li trước hợp tử không bao gồm cách li địa lí.

Câu 3:

Đáp án - B

Hướng dẫn giải:

Trong các cơ chế cách li sinh sản, cách li trước hợp tử thực chất là ngăn cản sự thụ tinh tạo thành hợp tử. Các cơ chế ngăn cản hợp tử phát triển thành con lai hữu thụ, ngăn cản con lai hình thành giao tử, ngăn cản hợp tử phát triển thành con lai là các cơ chế cách li sau hợp tử.

Câu 4:

Đáp án - D

Hướng dẫn giải:

La được hình thành từ phép lai giữa lừa và ngựa nhưng vì la không có khả năng sinh sản nên không được xem là một loài.

Câu 5:

Đáp án - A

Hướng dẫn giải:

Hai quần thể động vật được xác định thuộc hai loài khác nhau, khi các cá thể của chúng không giao phối với nhau hoặc giao phối được với nhau tạo hợp tử nhưng hợp tử bị chết hoặc phát triển thành đời con bất thụ. Vì đây là dấu hiệu của cách li sinh sản.

Câu 6:

Đáp án - A

Hướng dẫn giải:

Về cách li sinh sản, hiện tượng trứng nhái thụ tinh với tinh trùng cóc tạo được hợp tử nhưng hợp tử không phát triển là cách li sau hợp tử.

Các hiện tượng sau là cách li trước hợp tử: Ngựa vằn sống ở châu Phi không giao phối với ngựa hoang sống ở vùng Trung Á, chồn đốm phương đông và chồn đốm phương tây sống cùng khu địa lí nhưng khác mùa giao phối, sự thụ phấn không xảy ra giữa các cây khác loài do cấu tạo hoa của chúng khác nhau.

Câu 7:

Đáp án - C

Hướng dẫn giải:

Ba loài ếch: Rana pipiens, Rana clamitans và Rana sylvatica cùng giao phối trong một cái ao, song chúng bao giờ cũng bắt cặp đúng với cá thể cùng loài vì các loài ếch này có tiếng kêu khác nhau. Đây là ví dụ về dạng cách li trước hợp tử và kiểu cách li tập tính.           

Câu 8:

Đáp án - A

Hướng dẫn giải:

Cả 4 phát biểu đều đúng.

Câu 9:

Đáp án - B

Hướng dẫn giải:

I và II là hiện tượng thể hiện sự cách li sau hợp tử.

III và IV là hiện tượng thể hiện sự cách li trước hợp tử.

Câu 10: 

Đáp án - C

Hướng dẫn giải:

I và II là hiện tượng thể hiện sự cách li trước hợp tử.

III và IV là hiện tượng thể hiện sự cách li sau hợp tử.

Câu 11:

Đáp án - C

Hướng dẫn giải:

I là cách li mùa vụ.

II là cách li sau hợp tử.

III là cách li cơ học.

IV là cách li sinh cảnh.

Câu 12:

Đáp án - C

Hướng dẫn giải:

I là cách li cơ học.

II, III, IV là cách li sau hợp tử.

Câu 13:

Đáp án - D

Hướng dẫn giải:

I sai. Hai loài ốc sên có vỏ xoắn ngược nhau không thể giao phối với nhau do hướng mở cơ quan giao cấu không phù hợp không phải là cách li tập tính mà là cách li cơ học.

II sai. Hai loài rắn sọc, một loài sống chủ yếu ở nước, một loài sống chủ yếu ở trên mặt đất không phải là cách li thời gian (mùa vụ) mà là cách li nơi ở.

III sai. Hai loài chồn hôi sống trong cùng một khu vực địa lí, một loài ở phía đông giao phối vào cuối mùa đông, một loài sống ở phía tây giao phối vào cuối mùa hè không phải là cách li nơi ở mà là cách li thời gian.

IV sai. Hai loài chim chân xanh ở đảo Galapagos không thể giao phối với nhau chúng thực hiện những điệu múa hấp dẫn bạn tình khác nhau trước khi giao phối không phải là cách li cơ học mà là cách li tập tính.

Câu 14: 

Đáp án - A

Hướng dẫn giải:

Có 2 nguyên nhân dẫn tới 2 loài trên được xem là 2 loài là I và III vì 2 nguyên nhân này là thể hiện cách li sau hợp tử.

Câu 15:

Đáp án - C

Hướng dẫn giải:

I, IV, V, VII, IX, X là biểu hiện của cách li trước hợp tử.

II, III, VI, VIII là biểu hiện của cách li sau hợp tử.


Giáo viên biên soạn: Lê Đình Hưng

Đơn vị: Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 27: Quá trình hình thành quần thể thích nghi
Bài 29: Quá trình hình thành loài