Table of Contents
I. Lý thuyết về các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật
1. Kích thước của quần thể sinh vật
Là số lượng các cá thể (hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích lũy trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian của quần thể.
1.1 Kích thước tối thiểu và kích thước tối đa
- Mỗi quần thể sinh vật có kích thước đặc trưng riêng.
- Kích thước quần thể dao động từ giá trị tối thiểu đến giá trị tối đa và sự dao động này là khác nhau giữa các loài:
+ Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần để duy trì và phát triển. Nếu kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu thì quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm và diệt vong. Nguyên nhân do số lượng cá thể quá ít dẫn tới sự hỗ trợ giữa các cá thể giảm; khả năng sinh sản giảm; dễ xảy ra giao phối cận huyết.
+ Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường. Nếu kích thước quá lớn xảy ra cạnh tranh gay gắt, ô nhiễm, bệnh tật tăng cao dẫn tới một số cá thể sẽ di cư ra khỏi quần thể.
1.2 Những nhân tố ảnh hưởng tới kích thước của quần thể sinh vật
- Kích thước quần thể phụ thuộc vào sức sinh sản, mức độ tử vong, sự phát tán cá thể (xuất cư, nhập cư) của quần thể sinh vật.
Nhân tố | Đặc điểm |
Mức độ sinh sản | Là khả năng sinh ra các cá thể mới của quần thể trong 1 đơn vị thời gian. Sức sinh sản phụ thuộc vào số lượng trứng hay con non của 1 lứa đẻ, số lứa đẻ của 1 cá thể cái, tỉ lệ đực cái trong quần thể. Khi thiếu thức ăn hay điều kiện sống không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến sức sinh sản của quần thể. |
Mức độ tử vong | Là số lượng cá thể bị chết trong 1 khoảng thời gian. Mức độ tử vong phụ thuộc vào tuổi thọ trung bình của sinh vật, điều kiện sống, lượng thức ăn, kẻ thù và sự khai thác của con người. |
Nhập cư | Là hiện tượng 1 số cá thể ở ngoài quần thể chuyển sang sống trong quần thể. Nhập cư tăng cao khi điều kiện sống thuận lợi. |
Xuất cư | Là hiện tượng 1 số cá thể rời bỏ quần thể của mình chuyển sang sống ở nơi khác. Xuất cư tăng cao khi nguồn sống cạn kiệt, điều kiện bất lợi. |
(Nguồn ảnh: Sách Sinh học của Campbell, tái bản lần thứ 7, Bản quyền © 2005 Pearson Education, Inc. được xuất bản bởi Benjamin Cummings)
- Kích thước quần thể tại một thời điểm có thể được tính bằng công thức:
Trong đó: Nt và No là số lượng cá thể của quần thể ở thời điểm t và ban đầu; B là mức sinh sản; D là mức tử vong; I là mức nhập cư và E là mức xuất cư.
2. Tăng trưởng của quần thể sinh vật
Sự tăng trưởng kích thước quần thể của các loài có thể xảy ra theo 1 trong 2 kiểu: tăng trưởng theo tiềm năng sinh học hoặc tăng trưởng trong điều kiện thực tế.
| Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học | Tăng trưởng trong điều kiện thực tế |
Điều kiện môi trường | Không bị giới hạn (nguồn sống rất dồi dào và hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của các cá thể và diện tích cư trú của quần thể không bị giới hạn, mọi điều kiện ngoại cảnh và khả năng sinh học của các cá thể đều thuận lợi cho sự tăng trưởng của quần thể). | Bị giới hạn. |
Đặc điểm | Mức sinh sản tối đa, mức tử vong tối thiểu → mức tăng trưởng tối đa → số lượng cá thể tăng rất nhanh theo thời gian, kiểu hàm mũ với đường cong hình chữ J. | Thời gian đầu, số lượng cá thể tăng chậm do kích thước quần thể còn nhỏ. Sau đó, số lượng tăng rất nhanh trước điểm uốn nhờ tốc độ sinh sản vượt trội so với tốc độ tử vong. Qua điểm uốn, sự tăng trưởng chậm dần do nguồn sống giảm, tốc độ tử vong tăng lên. Cuối cùng, số lượng cá thể bước vào trạng thái ổn định, cân bằng với sức chứa của môi trường (tốc độ sinh sản xấp xỉ tốc độ tử vong). |
Đường cong tăng trưởng |
3. Tăng trưởng của quần thể ngườI
Dân số thế giới tăng trưởng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử.
(Nguồn ảnh: Sách Sinh học của Campbell, tái bản lần thứ 7, Bản quyền © 2005 Pearson Education, Inc. được xuất bản bởi Benjamin Cummings)
Dân số tăng nhanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sống của con người.
II. Bài tập luyện tập về các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật của hệ thống trường Nguyễn Khuyến – Lê Thánh Tông
Phần 1: Câu hỏi tự luận
Câu 1: Tại sao nhiều loài động vật do bị con người săn bắt quá mức nên khó có khả năng tự phục hồi?
Câu 2: Quần thể ban đầu có 320 cá thể. Sau 2 năm số lượng cá thể của quần thể là 510. Biết rằng quần thể không xảy ra hiện tượng xuất cư hay nhập cư. Sự gia tăng số lượng cá thể của quần thể được giải thích như thế nào?
ĐÁP ÁN
Câu 1: Hướng dẫn giải:
Những quần thể động vật bị con người săn bắt quá mức thường giảm kích thước xuống dưới giá trị kích thước tối thiểu. Khi đó, quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm dẫn tới nguy cơ diệt vong. Nguyên nhân do:
+ Số lượng cá thể quá ít nên sự hỗ trợ giữa các cá thể trong quần thể bị giảm → quần thể không có khả năng chống chọi với những điều kiện bất lợi của môi trường.
+ Cơ hội gặp gỡ của các cá thể đực và cái giảm nên khả năng sinh sản suy giảm.
+ Số lượng cá thể ít nên sự giao phối cận huyết dễ xảy ra → các gen lặn có hại biểu hiện nhiều hơn → đe dọa sự tồn tại của quần thể.
Câu 2: Hướng dẫn giải:
Sự gia tăng số lượng cá thể của quần thể do mức độ sinh sản tạo ra. Nếu có tử vong thì mức độ sinh sản cao hơn mức độ tử vong.
Phần 2: Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Điều nào không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự biến đổi số lượng cá thể của quần thể?
- Mức tử vong.
- Mức xuất và nhập cư.
- Mức cạnh tranh.
- Mức sinh sản.
Câu 2: Đặc trưng nào sau đây chỉ có ở quần thể người?
- Thành phần nhóm tuổi.
- Tỉ lệ giới tính 1 : 1.
- Mật độ cá thể.
- Kinh tế - xã hội.
Câu 3: Tính chất nào sau đây không phải của kiểu tăng trưởng theo tiềm năng sinh học?
- Sinh sản nhanh, sức sinh sản cao; mẫn cảm với sự biến động của các nhân tố vô sinh.
- Không biết chăm sóc con non hoặc chăm sóc con non kém.
- Chịu tác động chủ yếu của các nhân tố hữu sinh.
- Kích thước cơ thể nhỏ, tuổi thọ thấp, tuổi sinh sản lần đầu đến sớm.
Câu 4: Những loài có kiểu tăng trưởng gần với kiểu hàm mũ là
- vi sinh vật, động vật nguyên sinh, động thực vật phù du, côn trùng, cây nhiều năm.
- vi sinh vật, động vật nguyên sinh, động thực vật phù du, côn trùng, cây một năm.
- vi sinh vật, động vật nguyên sinh, động thực vật phù du, giun, cây một năm.
- vi sinh vật, động vật nguyên sinh, động thực vật phù du, côn trùng, cây hạt trần.
Câu 5: Khi nói về kích thước quần thể, nhận định nào sau đây không đúng?
- Khi kích thước quần thể dưới mức tối thiểu thì quần thể sẽ bị tuyệt diệt.
- Kích thước tối thiểu của quần thể thuộc các loài khác nhau đều giống nhau.
- Kích thước tối đa là số lượng cá thể nhiều nhất mà quần thể có thể đạt được.
- Kích thước tối đa phụ thuộc vào môi trường và tuỳ từng loài sinh vật.
Câu 6: Khi nói về kích thước của quần thể sinh vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây sai?
- Kích thước của quần thể sinh vật là khoảng không gian mà các cá thể của quần thể sinh sống.
- Kích thước tối thiểu là khoảng không gian nhỏ nhất cần có cho các cá thể của quần thể tòn tại.
- Kích thước của quần thể sinh vật là một đặc trưng có tính ổn định, nó chỉ thay đổi khi quần thể di cư đến môi trường mới.
- Kích thước tối đa là khoảng không gian lớn nhất cần có cho các cá thể của quần thể duy trì, phát triển.
- Các quần thể cùng loài sống ở các điều kiện khác nhau thì kích thước khác nhau.
- 1.
- 2.
- 3.
- 4.
Câu 7: Có bao nhiêu đặc điểm nào sau đây là hậu quả của sự giảm kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu?
- Giao phối gần thường xuyên xảy ra, đe dọa sự tồn tại của quần thể.
- Mức tử vong tăng cao, di cư diễn ra mạnh.
- Quần thể không có khả năng chống chọi với các điều kiện bất lợi.
- Sức sinh sản của quần thể giảm do cơ hội gặp gỡ giữa cá thể đực với cá thể cái ít.
- Nguồn sống giảm mạnh không đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu của các cá thể trong quần thể.
- 2.
- 3.
- 4.
- 5.
Câu 8: Mức sinh sản của quần thể sinh vật phụ thuộc vào bao nhiêu yếu tố sau đây?
- Số lượng trứng/ con non của mỗi lứa đẻ.
- Điều kiện của môi trường sống.
- Số lứa đẻ của mỗi cá thể trong đời.
- Tỉ lệ giữa số cá thể đực với cá thể cái.
- Kiểu tăng trưởng của quần thể.
- Kiểu phân bố cá thể trong không gian của quần thể.
- Mật độ cá thể của quần thể.
- Tuổi trưởng thành sinh dục của cá thể.
- 3.
- 5.
- 7.
- 6.
Câu 9: Mức tử vong của quần thể sinh vật phụ thuộc vào những yếu tố nào sau đây?
- Trạng thái của quần thể.
- Tỉ lệ giữa số cá thể đực với cá thể cái.
- Điều kiện khí hậu.
- Số lượng kẻ thù, mầm bệnh.
- Lượng thức ăn có trong môi trường sống.
- Kiểu phân bố cá thể trong không gian của quần thể.
- 1.
- 2.
- 3.
- 4.
Câu 10: Khi nghiên cứu về mức độ phát tán của quần thể, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
- Mức độ xuất cư tăng cao khi nguồn sống cạn kiệt, nơi ở chật chội.
- Sự cạnh tranh gay gắt diễn ra giữa các cá thể trong quần thể cũng dẫn đến xuất cư.
- Khi điều kiện thuận lợi, nguồn sống dồi dào, sự nhập cư không gây ảnh hưởng rõ rệt tới quần thể.
- Sự phát tán cá thể của quần thể không ảnh hưởng đến kích thước của quần thể.
- 2.
- 3.
- 4.
- 5.
ĐÁP ÁN
Câu 1: Đáp án: C
Hướng dẫn giải:
Kích thước quần thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 nhân tố: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ nhập cư và mức độ xuất cư của quần thể. Cạnh tranh là nguyên nhân gián tiếp gây ra sự biến đổi số lượng cá thể. Khi mức độ cạnh tranh tăng cao thì thường là tăng mức độ tử vong và mức độ xuất cư của quần thể.
Câu 2: Đáp án: D
Hướng dẫn giải:
Chỉ có quần thể loài người mới có các hoạt động kinh tế - xã hội.
Câu 3: Đáp án: C
Hướng dẫn giải:
Đặc điểm của quần thể các loài có kiểu tăng trưởng theo niềm năng sinh học:
+ Kích thước cơ thể nhỏ.
+ Tuổi thọ thấp, tuổi sinh sản lần đầu đến sớm.
+ Sinh sản nhanh, sức sinh sản cao.
+ Mẫn cảm với sự biến động của các nhân tố vô sinh.
+ Không biết chăm sóc con non hoặc chăm sóc con non kém.
Câu 4: Đáp án: B
Hướng dẫn giải:
Nhiều loài kích thước cơ thể nhỏ, tuổi thọ thấp như vi sinh vật, động vật nguyên sinh, động thực vật phù du, côn trùng, cây một năm...) có kiểu tăng trưởng gần với kiểu hàm mũ.
Câu 5: Đáp án: B
Hướng dẫn giải:
Mỗi quần thể sinh vật có kích thước đặc trưng riêng. Kích thước tối thiểu của quần thể thuộc các loài khác nhau thường khác nhau.
Câu 6: Đáp án: D
Hướng dẫn giải:
Các phát biểu sai là I, II, III và IV.
Kích thước quần thể là số lượng các cá thể (hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích lũy trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian của quần thể.
Mỗi quần thể sinh vật có kích thước đặc trưng riêng.
Kích thước quần thể dao động từ giá trị tối thiểu đến giá trị tối đa và sự dao động này là khác nhau giữa các loài:
+ Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần để duy trì và phát triển.
+ Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.
Câu 7: Đáp án: B
Hướng dẫn giải:
Các ý đúng là I, III, IV. Nếu kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu thì quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm và diệt vong. Nguyên nhân do số lượng cá thể quá ít dẫn tới sự hỗ trợ giữa các cá thể giảm; khả năng sinh sản giảm; dễ xảy ra giao phối cận huyết.
Câu 8: Đáp án: D
Hướng dẫn giải:
Các 6 ý đúng là I, II, III, IV, VII và VIII.
Mức sinh sản của quần thể phụ thuộc: sức sinh sản của mỗi cá thể cái (số lượng trứng/ con non của mỗi lứa đẻ, số lứa đẻ trong đời); tuổi trưởng thành sinh dục; tỉ lệ đực/ cái của quần thể; thành phần lứa tuổi tham gia sinh sản cũng như tác động của các yếu tố môi trường.
Câu 9: Đáp án: D
Hướng dẫn giải:
Có 4 ý đúng là I, III, IV và V. Mức độ tử vong của quần thể phụ thuộc vào tuổi thọ trung bình của sinh vật; các điều kiện sống của môi trường; sự biến đổi bất thường của khí hậu, bệnh tật, lượng thức ăn có trong môi trường, số lượng kẻ thù, … và mức độ khai thác của con người.
Câu 10: Đáp án: B
Hướng dẫn giải:
Có 3 ý đúng là I, II và III.
Ý IV sai vì sự phát tán cá thể có ảnh hưởng đến kích thước quần thể.
Giáo viên biên soạn: Lê Minh Trọng
Đơn vị: Trường TH, THCS, THPT Lê Thánh Tông