Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 9»Hệ Sinh Thái»Bài 49: Quần Xã Sinh Vật

Bài 49: Quần Xã Sinh Vật

Lý thuyết bài Quần xã sinh vật môn Sinh 9 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Lý thuyết về quần xã sinh vật

Nội dung 1. Khái niệm quần xã

- Quần xã sinh vật là một tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

- Ví dụ: quần xã rừng mưa nhiệt đới.

Nội dung 2. Các đặc trưng của quần xã

- Quần xã được nhận biết bởi hai đặc điểm cơ bản: số lượng và thành phần các loài có trong quần xã.

Đặc điểm

Các chỉ số

Thể hiện

Số lượng các loài có trong quần xã

Độ đa dạng

Mức độ phong phú về số lượng loài có trong quần xã.

Độ nhiều

Mật độ cá thể của từng loài có trong quần xã.

Độ thường gặp

 

Tỉ lệ % số địa điểm bắt gặp của một loài trong tổng số địa điểm quan sát.

Thành phần loài có trong quần xã

Loài ưu thế

Loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã.

Loài đặc trưng

Loài chỉ có ở một quần xã hoặc có nhiều hơn hẳn các loài khác.

Nội dung 3. Mối quan hệ giữa ngoại cảnh và quần xã

- Các nhân tố sinh thái vô sinh và hữu sinh luôn ảnh hưởng tới quần xã, tạo nên sự thay đổi về số lượng và thành phần các loài sinh vật của quần xã.

- Sự cân bằng sinh học trong quần xã được tạo ra nhờ sự khống chế số lượng cá thể của mỗi quần thể trong quần xã ở mức độ phù hợp với khả năng của môi trường.

Ví dụ: số lượng chim tăng cao, chim ăn nhiều sâu → số lượng sâu giảm → không đủ thức ăn cho chim sâu → số lượng chim sâu giảm → số lượng sâu tăng. Số lượng sâu và chim ăn sâu luôn duy trì ở mức cân bằng sinh học.

- Qua biến đổi, sinh vật dần dần thích nghi với môi trường sống của chúng.

- Trong thực tế, con người có rất nhiều tác động làm mất cân bằng sinh học trong các quần xã như: đốt rừng, chặt phá rừng, săn bắt động vật, đô thị hóa.

- Chúng ta cần có các biện pháp để bảo vệ thiên nhiên:

  • Nghiêm cấm săn bắt, mua bán động vật quý hiếm.
  • Trồng cây gây rừng.
  • Tuần tra bảo vệ rừng.
  • Xây dựng các khu bảo tổn thiên nhiên và động vật quý hiếm.
bai-49-quan-xa-sinh-vat-hinh-1
Hình ảnh: Quần xã sinh vật biển
bai-49-quan-xa-sinh-vat-hinh-2
Hình ảnh: Quần xã rừng tràm U Minh có loài tràm là loài đặc trưng

II. Bài tập luyện tập về quần xã sinh vật của trường Nguyễn Khuyến

Phần 1: Câu hỏi tự luận

Câu 1: Phân biệt loài ưu thế và loài đặc trưng, lấy ví dụ?

Câu 2: Phân tích mối quan hệ giữa rau xanh và sâu ăn lá trong quần xã sinh vật để giữ cho quần xã ở mức cân bằng sinh học?

ĐÁP ÁN

Câu 1: Hướng dẫn trả lời:

- Loài ưu thế: có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoạt động mạnh trong quần xã. Ví dụ: quần xã rừng thông với các cây thông là loài chiếm ưu thế, các loài cây khác chỉ mọc lẻ tẻ hoặc dưới tán và chịu ảnh hưởng của cây thông.

- Loài đặc trưng: chỉ có ở 1 quần xã nào đó hoặc là loài có nhiều hơn hẳn các loài khác. Ví dụ cây cọ là loài đặc trưng của quần xã vùng đồi Vĩnh Phú, tràm là loài đặc trưng của quần xã rừng U Minh.

Câu 2: Hướng dẫn trả lời:

- Khi rau xanh phát triển, nguồn thức ăn cho sâu ăn lá dồi dào làm số lượng sâu ăn lá tăng lên.

- Khi số lượng sâu nhiều, rau xanh bị tàn phá và giảm về số lượng.

- Khi rau bị giảm, nguồn thức ăn cho sâu ăn lá bị khan hiếm sẽ làm sâu ăn lá chết dần và giảm về số lượng.

- Khi sâu ăn lá bị giảm, áp lực lên rau xanh giảm, rau xanh phát triển trở lại.

Phần 2: Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1.  Quần xã sinh vật là

  1. tập hợp các sinh vật cùng loài cùng sống trong một không gian xác định, có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.
  2. tập hợp các quần thể sinh vật khác loài cùng sống trong một không gian xác định, có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.
  3. tập hợp các quần thể sinh vật cùng loài cùng sống trong một không gian xác định, có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.
  4. tập hợp toàn bộ các sinh vật trong tự nhiên sống ở các khu vực khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

Câu 2. Đặc điểm có ở quần xã mà không có ở quần thể sinh vật là

  1. có số cá thể cùng một loài.
  2. cùng phân bố trong một khoảng không gian xác định.
  3. tập hợp các quần thể thuộc nhiều loài sinh vật.
  4. xảy ra hiện tượng giao phối và sinh sản.

Câu 3. Điểm giống nhau giữa quần xã sinh vật và quần thể sinh vật là

  1. tập hợp nhiều quần thể sinh vật.
  2. tập hợp nhiều cá thể sinh vật.
  3. gồm các sinh vật trong cùng một loài.
  4. gồm các sinh vật khác loài.

Câu 4. Tập hợp nào sau đây không phải là quần xã sinh vật?

  1. Một khu rừng.
  2. Một hồ tự nhiên.
  3. Một đàn chuột đồng.
  4. Một ao cá.

Câu 5. Độ đa dạng của quần xã sinh vật được thể hiện ở

  1. mật độ của các nhóm cá thể trong quần xã.
  2. mức độ phong phú về số lượng và thành phần loài trong quần xã.
  3. sự khác nhau về lứa tuổi của các cá thể trong quần xã.
  4. biến động về mật độ cá thể trong quần xã.

Câu 6. Quần xã sinh vật có những đặc điểm cơ bản nào?

  1. Số lượng các loài trong quần xã.
  2. Thành phần loài trong quần xã.
  3. Số lượng các cá thể của từng loài trong quần xã.
  4. Số lượng và thành phần loài trong quần xã.

Câu 7. Trong quần xã loài ưu thế là loài

  1. có số lượng ít nhất trong quần xã.
  2. chỉ có ở một quần xã nào đó.
  3. phân bố nhiều nơi trong quần xã.
  4. có vai trò quan trọng trong quần xã.

Câu 8. Số lượng cá thể trong quần xã luôn được khống chế ở mức độ nhất định phù hợp với khả năng của môi trường. Hiện tượng này gọi là

  1. sự cân bằng sinh học trong quần xã.
  2. sự phát triển của quần xã.
  3. sự giảm sút của quần xã.
  4. sự bất biến của quần xã.

Câu 9. Hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức độ nhất định không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do các mối quan hệ khác loài là hiện tượng nào sau đây?

  1. Khống chế sinh học.
  2. Cạnh tranh giữa các loài.
  3. Hỗ trợ giữa các loài.
  4. Hội sinh giữa các loài.

Câu 10. Chỉ số thể hiện mật độ cá thể của từng loài trong quần xã là

  1. Độ đa dạng.
  2. Độ nhiều.
  3. Độ thường gặp.
  4. Độ tập trung.
ĐÁP ÁN

Câu 1. Đáp án: B.

Hướng dẫn trả lời:

Khái niệm: quần xã sinh vật là một tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

Câu 2. Đáp án: C.

Hướng dẫn trả lời:

Phân biệt quần thể và quần xã:

- Quần xã  sinh vật là một tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

- Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể của cùng một loài, cùng sống trong một không gian và thời gian xác định, có khả năng sinh sản tạo ra đời sau.

Câu 3. Đáp án: B.

Hướng dẫn trả lời:

Ý A, C, D đều là đặc điểm riêng biệt.

- Ý A là đặc điểm của quần xã.

- Ý C là đặc điểm của quần thể.

- Ý D là đặc điểm của quần xã.

Câu 4. Đáp án: C.

Hướng dẫn trả lời:

- Ý A, B, D là quần xã vì trong đó có rất nhiều quần thể khác nhau.

- Ý  C không phải quần xã vì đây chỉ là 1 quần thể.

Câu 5. Đáp án: B.

Hướng dẫn trả lời:

- Ý A, C, D là đặc trưng của quần thể.

Câu 6. Đáp án: D.

Hướng dẫn trả lời:

Quần xã có các đặc điểm cơ bản về số lượng và thành phần loài sinh vật trong quần xã.

Câu 7. Đáp án: D.

Hướng dẫn trả lời:

Loài ưu thế là loài có vai trò quan trọng trong quần xã.

Câu 8. Đáp án: A.

Hướng dẫn trả lời:

Sự cân bằng sinh học trong quần xã được tạo ra nhờ sự khống chế số lượng cá thể của mỗi quần thể trong quần xã ở mức độ phù hợp với khả năng của môi trường.

Câu 9. Đáp án: A.

Hướng dẫn trả lời:

- Mối quan hệ: cạnh tranh, hỗ trợ hay hội sinh là các mối quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật.

- Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định phù hợp với môi trường sống.

Câu 10. Đáp án: B.

Hướng dẫn trả lời:

- Độ đa dạng thể hiện mức độ phong phú về số lượng loài trong quần xã.

- Độ thường gặp thể hiện tỉ lệ % số điểm bắt gặp một loài trong tổng số điểm quan sát.

- Độ tập trung không là chỉ số của các đặc điểm của quần xã.


GIÁO VIÊN BIÊN SOẠN: LÊ THỊ LÂM

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS – THPT NGUYỄN KHUYẾN BÌNH DƯƠNG

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 48: Quần thể người
Bài 50: Hệ Sinh Thái