Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 10»Giới Thiệu Chung Về Thế Giới Sống»Giới thiệu chung về thế giới sống - Các ...

Giới thiệu chung về thế giới sống - Các giới sinh vật

Tổng hợp lý thuyết chuyên đề Giới thiệu chung về thế giới sống - Các giới sinh vật sinh học lớp 10 gồm đặc điểm, thời gian và quá trình phát triển của của các loài sinh vật trên Trái Đất. Kèm theo các bài tập vận dụng có đáp án chi tiết, dễ hiểu

Xem thêm

Thế giới sống là một hệ thống phong phú của các loài sinh vật trên Trái Đất. Từ vi khuẩn đến động vật và cây cối, đa dạng và phong phú tạo nên một môi trường sống đầy sự kỳ diệu. Để hiểu chi tiết hơn về thế giới sống, mời các em học sinh tham khảo bài viết giới thiệu chung về thế giới sống - Các giới sinh vật do VOH GIáo dục chia sẻ sau đây:

1. Giới thiệu chung về thế giới sống

1.1 Các cấp tổ chức của thế giới sống

Thế giới sinh vật được tổ chức theo thứ bậc rất chặt chẽ trong đó tế bào là đơn vị cơ bản cấu tạo nên mọi cơ thể sinh vật.

Các cấp tổ chức của thế giới sống từ cấp nhỏ nhất đến cấp lớn nhất là:

Phân tử → Bào quan →Tế bào → Mô → Cơ quan → Hệ cơ quan → Cơ thể → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái → Sinh quyển.

Trong đó các cấp độ cơ bản của thế giới sống bao gồm: tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái.

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 1
Hình 1. Các cấp tổ chức của thế giới sống.

1.2 Đặc điểm chung của các cấp tổ chức sống

1.2.1 Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc

Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc, tổ chức sống cấp dưới làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp trên. 

Tổ chức sống cấp cao hơn không chỉ có các đặc điểm của tổ chức sống cấp thấp hơn mà còn có những đặc tính nổi trội mà tổ chức sống cấp thấp hơn không có được.

Những đặc tính nổi trội đặc trưng cho thế giới sống là: trao đổi chất, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng, khả năng tự điều chỉnh.

Ví dụ: Từng tế bào thần kinh chỉ có khả năng dẫn truyền xung thần kinh, nhưng tập hợp của khoảng 1012 tế bào thần kinh tạo nên bộ não của con người với khoảng 1015 đường liên hệ giữa chúng, đã cho con người có được trí thông minh và trạng thái tình cảm mà ở mức độ từng tế bào không thể có được.

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 2
Hình 2. Các cấp tổ chức của cơ thể.

1.2.2 Hệ thống mở và tự điều chỉnh

Sinh vật ở mọi cấp tổ chức đều không ngừng trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường. Do đó, sinh vật không chỉ chịu sự tác động của môi trường mà còn góp phần làm biến đổi môi trường.

Mọi cấp tổ chức sống từ thấp đến cao của thế giới sống đều có các cơ chế tự điều chỉnh đảm bảo duy trì và điều hòa sự cân bằng động trong hệ thống, giúp tổ chức sống có thể tồn tại và phát triển.

Ví dụ: Nồng độ các chất trong cơ thể người luôn luôn được duy trì ở một mức độ nhất định, khi xảy ra mất cân bằng sẽ có các cơ chế điều hòa để đưa về trạng thái bình thường. Nếu cơ thể không còn khả năng tự điều hòa thì cơ thể sẽ phát sinh bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Ví dụ về vai trò của da trong sự điều hòa thân nhiệt:

  • Khi nắng nóng và lao động nặng, mao mạch da dãn ra giúp tăng tỏa nhiệt, đồng thời tăng tiết mồ hôi lấy đi một lượng nhiệt của cơ thể.
  • Khi trời quá lạnh mao mạch ở da co lại, cơ chân lông co để giảm tỏa nhiệt. Khi quá lạnh, còn có hiện tượng cơ co dãn liên tục để sinh nhiệt với phản xạ run.

1.2.3 Thế giới sống liên tục tiến hoá

Thế giới sinh vật liên tục sinh sôi nảy nở và không ngừng tiến hóa. Sự sống được tiếp diễn liên tục nhờ sự truyền thông tin trên ADN từ tế bào này sang tế bào khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ được kế thừa thông tin di truyền từ những sinh vật tổ tiên ban đầu nên các sinh vật trên Trái Đất đều có những đặc điểm chung.

Tuy nhiên, sinh vật luôn có những cơ chế phát sinh các biến dị di truyền và sự thay đổi không ngừng của điều kiện ngoại cảnh luôn chọn lọc, giữ lại các dạng sống thích nghi với môi trường khác nhau.

Vì thế, mặc dù có chung một nguồn gốc nhưng các sinh vật luôn luôn tiến hóa tạo nên một thế giới sống vô cùng đa dạng và phong phú.

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 3
Hình 3. Quá trình tiến hóa của loài người.

2. Các giới sinh vật

2.1 Giới và hệ thống phân loại năm giới

2.1.1 Khái niệm giới

Giới (Regnum) trong Sinh học là đơn vị phân loại lớn nhất bao gồm các ngành sinh vật có chung những đặc điểm nhất định.

Thế giới sinh vật được phân loại thành các đơn vị theo trình tự nhỏ dần là giới – ngành - lớp - bộ - họ - chi(giống) - loài.

2.1.2 Hệ thống phân loại 5 giới

Oaitâykơ và Magulis đã phân chia thế giới sinh vật thành 5 giới, đó là: giới Khởi sinh, giới Nguyên sinh, giới Nấm, giới Thực vật và giới Động vật.

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 4
Hình 4. Các giới sinh vật.

2.2 Đặc điểm chính của mỗi giới

2.2.1 Giới khởi sinh (Monera)

Đặc điểm: là những sinh vật chưa có nhân hoàn chỉnh, sống dị dưỡng hoặc tự dưỡng, kích thước rất nhỏ bé (1 – 5µm) và xuất hiện từ cách đây rất lâu (khoảng 3,5 tỉ năm trước).

Đại diện: vi khuẩn.

2.2.2 Giới Nguyên sinh (Protista)

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 5
Hình 5. Một số đại diện của giới Nguyên sinh.
  • Đặc điểm: là những sinh vật nhân thực, cơ thể đơn bào hoặc đa bào và có lối sống dị dưỡng hoặc tự dưỡng.
  • Đại diện: tảo, nấm nhầy, động vật nguyên sinh.

2.2.3 Giới Nấm (Fungi)

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 6
Hình 6. Giới Nấm.

Đặc điểm: Là những sinh vật nhân thực, có cơ thể đơn bào hoặc đa bào phức tạp, sống dị dưỡng hoại sinh và không có khả năng di chuyển.

Đại diện: Tất cả các dạng nấm đã và hiện đang sinh sống trên Trái Đất: nấm men, nấm sợi, nấm đảm. Người ta cũng xếp địa y (được hình thành do sự cộng sinh giữa nấm và tảo hoặc vi khuẩn lam) vào giới Nấm.

2.2.4  Giới Thực vật (Plantae)

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 7
Hình 7. Giới thực vật.

Đặc điểm: là những sinh vật nhân thực, có cơ thể đa bào phức tạp, đa số sống tự dưỡng và không có khả năng di chuyển.

Đại diện: tất cả các loài thực vật đã và hiện đang sinh sống trên Trái Đất, được phân thành các ngành chính: Rêu, Quyết, Hạt trần, Hạt kín. Chúng đều có chung nguồn gốc là tảo lục đa bào nguyên thủy.

2.2.5 Giới Động vật (Animalia)

Giới thiệu chung về lịch sử thế giới sống trên trái đất 8
Hình 8. Giới động vật.

Đặc điểm: là những sinh vật nhân thực, có cơ thể đa bào phức tạp, sống dị dưỡng và hầu hết có khả năng di chuyển và phản ứng nhanh.

Đại diện: tất cả các loài động vật đã và hiện đang sinh sống trên Trái Đất, bao gồm các ngành chính sau: Thân lỗ, Ruột khoang, Giun dẹp, Giun tròn, Giun đốt, Thân mềm, Chân khớp, Da gai và Động vật có dây sống.

3. Bài tập vận dụng

Câu 1: Cho các ý sau

(1) Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

(2) Là hệ kín, có tính bền vững và ổn định.

(3) Liên tục tiến hóa.

(4) Là hệ mở, có khả năng tự điều chỉnh.

(5) Có khả năng cảm ứng và vận động.

(6) Thường xuyên trao đổi chất với môi trường.

Trong các ý trên, có mấy ý là đặc điểm của các cấp độ tổ chức sống cơ bản?

  1. 5
  2. 3
  3. 4
  4. 2

Câu 2: Đặc tính quan trọng nhất đảm bảo tính bền vững và ổn định tương đối của tổ chức sống là

  1. Trao đổi chất và năng lượng.
  2. Sinh sản.
  3. Sinh trưởng và phát triển.
  4. Khả năng tự điều chỉnh và cân bằng nội môi.

Câu 3: Có các cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống như sau:

(1) Cơ thể.

(2) tế bào.

(3) quần thể.

(4) quần xã.

(5) hệ sinh thái.

Các cấp độ tổ chức sống trên được sắp xếp theo đúng nguyên tắc thứ bậc là

  1. 2 → 1 → 3 → 4 → 5
  2. 1 → 2 → 3 → 4 → 5
  3. 5 → 4 → 3 → 2 → 1
  4. 2 → 3 → 4 → 5 → 1

Câu 4: “Tổ chức sống cấp thấp hơn làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp cao hơn” giải thích cho nguyên tắc nào của thế giới sống?

  1. Nguyên tắc thứ bậc.
  2. Nguyên tắc mở.
  3. Nguyên tắc tự điều chỉnh.
  4. Nguyên tắc bổ sung.

Câu 5: "Đàn voi sống trong rừng" thuộc cấp độ tổ chức sống nào dưới đây?

  1. Cá thể.
  2. Quần thể.
  3. Quần xã.
  4. Hệ sinh thái.

Câu 6: Trong hệ thống phân loại 5 giới, vi khuẩn thuộc

  1. Giới Khởi sinh.
  2. Giới Nấm.
  3. Giới Nguyên sinh.
  4. Giới Động vật.

Câu 7: Các ngành chính trong giới thực vật là

  1. Rêu, Quyết, Hạt trần, Hạt kín.
  2. Rêu, Hạt trần, Hạt kín.
  3. Tảo lục đa bào, Quyết, Hạt trần, Hạt kín.
  4. Quyết, Hạt trần, Hạt kín.

Câu 8: Thế giới sinh vật được phân thành các nhóm theo trình tự lớn dần là gì?

  1. Loài → chi → họ →bộ→lớp→ngành → giới.
  2. chi → họ → bộ→lớp→ngành → giới→ loài
  3. Loài → chi → bộ → họ →lớp→ngành → giới.
  4. Loài → chi →lớp → họ →bộ →ngành → giới.

Câu 9: Đặc điểm của giới Khởi sinh là

  1. Đơn bào, nhân sơ, kích thước nhỏ, sinh sản nhanh, phương thức sống đa dạng.
  2. Đơn bào, nhân thực, kích thước nhỏ, sống dị dưỡng.
  3. Nhân sơ, kích thước nhỏ, sống tự do.
  4. Nhân thực, đơn bào, sinh sản nhanh, sống tự dưỡng.

Câu 10: Giới Thực vật có nguồn gốc từ

  1. Vi sinh vật cổ.
  2. Tảo đơn bào.
  3. Tảo lục đa bào nguyên thủy.
  4. Tảo đa bào.

4. Đáp án bài tập

1. A2. D3. A4. A5. B6. A7. A8. A9. A10. c

Câu 1: A

Giải thích: (2) sai vì không đúng với đặc điểm chung của các cấp tổ chức sống.

Câu 2: D

Giải thích: Ở người luôn duy trì nồng độ các chất ở mức độ nhất định; nếu xảy ra mất cân bằng thì cơ chế điều hòa sẽ hoạt động để cơ thể trở về trạng thái cân bằng, nếu không thì cơ thể có thể bị bệnh và nguy cơ tử vong.

Qua bài viết Giới thiệu chung về thế giới sống - Các giới sinh vật có thể thấy thế giới sống đa dạng và phong phú với các giới sinh vật khác nhau. Từ các vi khuẩn nhỏ nhất đến động vật lớn, mỗi giới sinh vật đóng góp vào sự phát triển và cân bằng của hệ sinh thái. Hiểu về các giới sinh vật giúp chúng ta thấu hiểu sự kỳ diệu và sự đa dạng của cuộc sống trên Trái Đất.

Giáo viên biên soạn: MAI THANH VINH

Đơn vị: TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả: VOH