7 cách tránh thai sau sinh an toàn, hiệu quả nhất cho mẹ

( VOH ) - Để không phải gặp phải tình trạng ‘vỡ kế hoạch’ khi vừa mới sinh con xong, các mẹ cần phải nắm được các cách tránh thai sau sinh ngay sau đây.

Hầu hết phụ nữ khi vừa sinh con xong đều muốn toàn tâm toàn sức chăm sóc cho thiên thần nhỏ của mình nên sẽ hiếm khi sẵn sàng mang thai bé thứ hai. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp chị em phải chịu cảnh nuôi ‘con trong con ngoài’ do bị vỡ kế hoạch. Chính vì thế, việc nắm rõ các biện pháp tránh thai sau sinh sẽ giúp chị em tránh được việc phải mang thai ngoài ý muốn.

1. Khi nào nên dùng các biện pháp ngừa thai sau sinh?

Theo các bác sĩ sản khoa, sau sinh 6 tuần cơ thể phụ nữ đã có khả năng mang thai trở lại. Chính vì thế, nếu không sử dụng các biện pháp tránh thai sau sinh an toàn thì khả năng mang thai lần 2 sẽ rất cao.

Nói về thời gian sử dụng các cách tránh thai sau sinh mổ và sinh thường thì các bác sĩ cho rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào cách sản phụ nuôi con. Nếu sau khi sinh, mẹ cho bé uống sữa công thức hoặc kết hợp sữa mẹ và sữa công thức thì kinh nguyệt sẽ sớm trở lại trong khoảng từ 6 tuần đến 3 tháng.

Nếu có quan hệ sau sinh thì người phụ nữ có thể mang thai trong 2 tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt. Vì thế, để phòng ngừa, chị em có thể sử dụng các biện pháp tránh thai sau sinh từ 3 – 4 tuần sau khi em bé chào đời.

2. Các cách tránh thai sau sinh an toàn dành cho mẹ bỉm sữa

Với sự phát triển của ngành sản khoa hiện nay đã cho ra đời rất nhiều cách tránh thai sau sinh an toàn, hiệu quả như: dùng bao cao su, đặt vòng, cấy que tránh thai... tùy vào cơ địa mà các mẹ có thể lựa chọn 1 trong những cách sau đây:

2.1 Bao cao su

Bao cao su là một trong những cách tránh thai sau sinh dễ sử dụng nhất, vì dù mẹ có đang cho con bú hay không cũng đều có thể sử dụng được. Nếu như trước đây người ta chỉ quen nhắc đến bao cao su dành cho nam giới thì giờ đây bao cao su dành cho nữ cũng được nhiều chị em lựa chọn.

Đây là phương pháp tránh thai dành cho nữ đặt bên trong âm đạo và bên ngoài âm hộ. Nếu sử dụng đúng cách, phương pháp này sẽ đạt hiệu quả lên đến 95%. Tuy nhiên, với phụ nữ sau sinh âm đạo sẽ hơi khô một chút nên khi sử dụng có thể khiến cả 2 vợ chồng không thoải mái.

Để cải thiện tình trạng này, chị em có thể dùng chất bôi trơn, nên dùng loại hòa tan được trong nước, không dầu để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng của bao cao su.

2.2 Dùng màng chắn âm đạo và mũ chụp tử cung

Một trong những cách phòng tránh thai sau sinh mà chị em có thể áp dụng chính là sử dụng màng chắn âm đạo hoặc mũ chụp tử cung mỗi khi quan hệ. Khi sử dụng biện pháp này, chị em nên lựa chọn loại mềm, mái vòm tròn làm bằng cao su hoặc silicon, kích thước phù hợp với cổ tử cung của mình.

7 cách tránh thai sau sinh an toàn, hiệu quả nhất cho mẹ 1

Màng ngăn âm đạo - Một trong những biện pháp ngừa thai ít người biết (Nguồn: Internet)

Nếu sử dụng đúng cách, biện pháp này sẽ đạt hiệu quả đến 92% đối với màng chắn âm đạo và đối với mũ chụp tử cung là 96%. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình phù hợp với màng chắn âm đạo, mũ chụp tử cung nào và bao lâu thì nên thay cái mới.

2.3 Dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

Viên uống tránh thai chỉ chứa progestin (POP – progestin only pill) là một loại thuốc uống tránh thai hàng ngày với thành phần chỉ có một chất nội tiết tố nhóm progestin (không có ethinyl estradiol).

Đây là loại thuốc tránh thai này phù hợp và an toàn cho những phụ nữ muốn tránh thai khi đang trong thời gian cho con bú vì không ảnh hưởng tới việc tiết sữa.

Tuy nhiên, thuốc tránh thai cho phụ nữ sau sinh chỉ đạt hiệu quả khoảng 92% và đồng thời sản phụ cần phải duy trì việc uống thuốc đúng giờ mỗi ngày. Với những ai ‘não cá vàng’ thì không sử dụng biện pháp này.

2.4 Tiêm thuốc ngừa thai

Tiêm thuốc tránh thai sau sinh mổ hay sinh thường đều là một dạng khác của thuốc viên tránh thai hormone. Thuốc tránh thai dạng tiêm có 2 dạng là: depo-Provera® (có tác dụng trong 12 tuần) và Noristerat® (có tác dụng trong 8 tuần). Sau khi tiêm, thuốc  sẽ phóng thích progestogen vào cơ thể của nữ giới trong vài tuần.

Đây là biện pháp khá phổ biến vì không chỉ đạt hiệu quả cao mà còn đơn giản dễ sử dụng. Tuy nhiên, nếu mẹ dự định mang thai bé tiếp theo thì không nên sử dụng biện pháp này, vì mẹ sẽ phải cần ngưng thuốc vài tháng thì khả năng sinh sản mới trở lại như bình thường.

Lưu ý: Nếu trong thời gian cho con bú, mẹ cần chờ đợi 6 tuần sau khi sinh em bé mới được áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, thuốc tiêm cần được tiếp tục chích đúng thời gian để duy trì tác dụng tránh thai.

2.5 Que cấy thai

Cấy que tránh thai sau sinh là một biện pháp tránh thai có hiệu quả trong vòng 3 năm. Que cấy tránh thai có chứa thành phần progesterone, là một ống nhựa nhỏ, mảnh, có kích thước khá nhỏ (bằng 1 nhúm tóc).

Sau khi em bé chào đời khoảng 21 ngày, mẹ đã có thể sử dụng que cấy tránh thai, việc này không hề làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa mẹ nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, đau ngực, đau đầu và khô âm đạo.

Để thực hiện phương pháp này, mẹ cần thực hiện tại các bệnh viện có bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn. Sau này, nếu mẹ muốn có em bé hoặc muốn đổi biện pháp ngừa thai, bác sĩ sẽ lấy mô cấy này ra khỏi cơ thể bằng cách gây tê cục bộ và cắt đi phần da có chứa que cấy tránh thai.

2.6 Đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai sau khi sinh cũng là một biện pháp được khá nhiều chị em lựa chọn. Với biện pháp tránh thai bằng cách đặt vòng hiện nay có 2 loại:

  • Vòng tránh thai nội tiết tố  (IUS)

Loại vòng này có cấu tạo bằng nhựa, hình chữ T phù hợp với hình dạng tử cung của phụ nữ. Khi vòng tránh thai đặt vào cơ thể sẽ phóng thích progesterone, có tác dụng trong vòng 5 năm.

Mẹ có thể sử dụng vòng tránh thai sau sinh em bé khoảng 4 tuần và đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

7-cach-tranh-thai-sau-sinh-an-toan-hieu-qua-nhat-cho-me-1-voh

Đặt vòng tránh thai có tác dụng ngừa thai dài hạn (Nguồn: Internet)

  • Vòng tránh thai không chứa nội tiết tốt (IUD)

Loại vòng tránh thai này có thể giúp tránh mang thai từ 5 – 10 năm. Mẹ có thể sử dụng phương pháp này vào bất cứ thời gian nào và thường là sau 4 tuần sau khi sinh.

2.7 Cho con bú

Cho con bú cũng được xem là một biện pháp ngừa thai sau sinh nhưng hiệu quả đạt được chỉ khoảng 50%. Việc cho con bú có thể ngăn chặn hoạt động của hormone gây rụng trứng, dẫn đến kinh nguyệt sẽ được trì hoãn lại.

Tuy nhiên, nếu mẹ giảm hoặc ngừng hẳn việc cho con bú, kinh nguyệt sẽ trở lại và xác suất mang thai sẽ rất cao.

3. Những cách tránh thai sau sinh nào không nên áp dụng?

Sản phụ sau khi sinh không nên sử dụng biện pháp ngừa thai có chứa hormone kết hợp (estrogen và progestogen) trong 6 tháng đầu sau sinh, vì nó có thể làm giảm lượng sữa mẹ.

Đối với những cách tránh thai khác không chứa estrogen, mẹ có thể dùng khi đang cho con bú. Tuy nhiên, có 3 biện pháp tránh thai sau sinh mẹ bỉm sữa cần tránh bao gồm:

  • Thuốc tránh thai có chứa estrogen và progestogen;
  • Miếng dán tránh thai lên da;
  • Vòng âm đạo (loại vòng có thể uốn cong được đặt nhô cao lên trong âm đạo).

4. Những cách tránh thai sau sinh lâu dài mẹ cần biết

Nếu muốn sử dụng các biện pháp ngày thai sau sinh lâu dài, mẹ có thể sử dụng thuốc tránh thai dạng tiêm, que cấy tránh thai và đặt vòng tránh thai có chứa nội tiết tố (IUS). Đây đều là những phương pháp có chứa hormone progesterone nhân tạo, nếu muốn mang thai tiếp mẹ chỉ cần ngừng sử dụng là được.

Bên cạnh đó, biện pháp triệt sản hoặc hiện nay có một biện pháp triệt sản mới mang tên Essure (một dạng màng chắn đặt vào điểm giao nhau giữa ống dẫn trứng và buồng tử cung, sau 3 tháng nút chặn này sẽ được hình thành)… là phương pháp chị em có thể áp dụng nếu đã chắc chắn không muốn sinh thêm bé nữa.

Như đã nói, có rất nhiều phương pháp ngừa thai, mỗi một biện pháp đều có ưu - nhược điểm riêng, vì thế mẹ cần phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng. Thông thường, khoảng 6 tuần sau sinh, mẹ đã có thể bắt đầu kế hoạch tránh thai. Nếu có những thắc mắc về cách tránh thai sau sinh, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe sinh sản sau này mẹ nhé!