Chờ...

Dùng thuốc tránh thai – lợi ích và những chống chỉ định cần biết

(VOH) - Xã hội càng hiện đại thì nhu cầu tìm hiểu về các biện pháp tránh thai cũng càng gia tăng và thuốc tránh thai chính là một trong những giải pháp ngừa thai khá quen thuộc với chị em phụ nữ.

Ngày nay, việc sử dụng các loại thuốc tránh thai đã không còn là vấn đề lạ lẫm với mọi người. Thuốc tránh thai được sử dụng rộng rãi, tràn lan nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ về các loại thuốc tránh thai mà mình đang sử dụng.

1. Thuốc tránh thai là gì?

Thuốc tránh thai là tên gọi chung cho những loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa, ngăn chặn, phòng tránh việc hình thành bào thai khi có ‘quan hệ vợ chồng’. Đây là một trong những phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn, có tác dụng hữu hiệu và gần như là tức thời.

1.1 Cơ chế thuốc tránh thai hoạt động thế nào?

Bất kỳ một loại thuốc tránh thai nào khi đi vào cơ thể con người cũng đều sẽ hoạt động theo một cơ chế nhất định. Cụ thể:

Thuốc tránh thai kết hợp

Khi được đưa vào cơ thể sẽ bắt đầu phát huy những cơ chế hoạt động như:

  • Tác dụng trung ương: Theo cơ chế điều hòa ngược chiều, estrogen sẽ ức chế bài tiết FSH – RH và LH – RH, tuyến yên cũng sẽ giảm việc tiết FSH và LH dẫn đến không đạt được nồng độ và tỷ lệ thích hợp để phóng noãn, các nang bào cũng sẽ kém phát triển.
  • Tác dụng ngoại biên: Làm thay đổi dịch nhầy ở cổ tử cung, khiến tinh trùng khó hoạt động. Đồng thời ức chế sự phát triển của niêm mạc tử cung, khiến trứng không làm tổ được.
  • Tác dụng của estrogen: Làm ngừng sự phát triển của nang trứng trên buồng trứng. Làm quá sản niêm mạc trên nội mạc tử cung (nguyên nhân gây rong kinh). Tăng tiết các tuyến trên tử cung và làm dày thành âm đạo.
  • Tác dụng của progesteron: Làm ngừng phát triển và giảm thể tích trên buồng trứng. Làm cổ tử cung ít bài tiết, dịch tiết trở nên nhầy hơn, tinh trùng khó chuyển động trên nội mạc tử cung.

Thuốc tránh thai đơn thuần

Do chỉ có progesteron nên cơ chế của thuốc tránh thai đơn thuần chủ yếu ở ngoại biên. Tác dụng là làm thay đổi dịch nhầy ở cổ tử cung và làm niêm mạc nội mạc tử kém phát triển.

2. Phân loại và cách uống thuốc tránh thai

Thuốc ngừa thai hiện được chia thành 2 loại là thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp, cùng với loại thuốc tránh thai dành cho nam giới.

2.1 Thuốc tránh thai hàng ngày

Thuốc tránh thai hàng ngày được chị em phụ nữ tin dùng nhiều do tỷ lệ ngừa thai lên đến 99% nếu sử dụng đúng cách. Ngoài ra, thuốc ngừa thai hàng ngày còn giúp chị em cải thiện chu kỳ kinh nguyệt, băng kinh (kinh nguyệt nhiều), thống kinh, giảm khả năng mắc các bệnh phụ khoa...

Khi uống thuốc tránh thai hàng ngày chị em phải luôn uống đúng giờ, đúng ngày. Bởi một khi quên uống thuốc tránh thai hơn 3 lần là sẽ phải bỏ cả vỉ thuốc đi và bắt đầu lại liệu trình từ đầu. Trong lúc này nếu có 'quan hệ vợ chồng' thì khả năng mang thai sẽ rất cao.

dung-thuoc-tranh-thai-loi-ich-va-nhung-chong-chi-dinh-can-biet-voh

Thuốc tránh thai hàng ngày giúp ngăn ngừa khả năng mang thai hữu hiệu (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, kết hợp với chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

2.2 Thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng sau khi đã xảy ra quan hệ không an toàn. Tác dụng của loại thuốc này là làm giảm tỷ lệ thụ thai ngoài ý muốn và được khuyên dùng sau khi đã có quan hệ càng sớm càng tốt.

Thuốc tránh thai khẩn cấp hiện phân thành 3 loại:

  • Thuốc tránh thai loại 36 giờ: Uống trong vòng 36 giờ sau khi có quan hệ nhưng không sử dụng biện pháp bảo vệ.
  • Thuốc tránh thai loại 72 giờ: Nếu sử dụng loại 1 viên thì uống trong vòng 72 giờ sau khi có quan hệ. Nếu sử dụng loại 2 viên thì viên đầu tiên sẽ uống trong vòng 72 giờ, uống viên thứ 2 cách viên thứ nhất là 12 giờ.
  • Thuốc tránh thai loại 120 giờ: Đối với thuốc tránh thai 120 giờ, chị em có thể uống sau 120 giờ khi quan hệ. Thuốc có tác dụng tránh thai trong vòng 5 ngày.

Lưu ý: Với thuốc ngừa thai khẩn cấp mỗi tháng chỉ nên sử dụng tối đa không quá 2 lần. Việc sử dụng quá số lần cho phép có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn, gây nguy hiểm cho sức khỏe và khả năng mang thai sau này.

2.3 Thuốc tránh thai cho nam

Mặc dù vẫn còn lạ lẫm với một số người, nhưng thực chất thuốc ngừa thai cho nam giới đã khá phổ biến ở một số nước, với những gia đình trẻ chưa có ý định sinh con và không muốn ảnh hưởng tới khả năng mang thai của vợ.

Thuốc tránh thai cho nam giới có cơ chế hoạt động là làm giảm nội tiết tố và hormone nam giới như testosterone – hormone đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng.

Thay vì thắt ống dẫn tinh (có khả năng không thụ thai được nữa), dùng bao cao su (gây giảm khoái cảm) thì các đấng mày râu có thể lựa chọn cách uống thuốc tránh thai cho nam đều đặn hàng ngày.

3. Những lợi ích khi sử dụng thuốc tránh thai

Nếu như thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có tác dụng là ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn thì thuốc tránh thai hàng ngày sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ hơn. Cụ thể:

  • Điều trị lạc nội mạc tử cung: Đây là hiện tượng các mô tử cung dính vào buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các bộ phận khác của khoang chậu. Sử dụng thuốc tránh thai sẽ giúp làm giảm sự di chuyển và phát triển của mô tử cung đến các bộ phận khác trong đường sinh sản, đồng thời sẽ làm giảm thiểu những cơn đau.
  • Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Phụ nữ bị PCOS là do mất cân bằng nội tiết dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc bị tắc kinh. Thuốc tránh thai giúp cân bằng hormone trong cơ thể, điều hòa kinh nguyệt và giảm các tác dụng phụ khác.
  • Giảm đau bụng kinh: Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do prostaglandin. Đây là chất do cơ thể tạo ra trong quá trình có kinh và nó là thủ phạm kích hoạt các cơn co thắt, giúp đẩy lớp màng trong tử cung ra ngoài. Thuốc tránh thai giúp giảm lượng prostaglandin mà cơ thể tiết ra, từ đó làm dịu các cơn đau. Ngoài ra, tác dụng của thuốc tránh thai còn giúp ngừa viêm vùng chậu, giảm nguy cơ ung thư, làm đẹp da...

dung-thuoc-tranh-thai-loi-ich-va-nhung-chong-chi-dinh-can-biet-1-voh

Phụ nữ dùng thuốc tránh thai hàng ngày mang đến nhiều lợi ích sức khỏe (Nguồn: Internet)

4. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp đều có chứa những tác dụng phụ nhất định. Dưới đây là một số tác dụng phụ mà thuốc tránh thai gây ra cho cơ thể phụ nữ:

  • Ra máu âm đạo: Có khoảng 50% phụ nữ uống thuốc tránh thai sẽ bị ra máu âm đạo. Điều này xảy ra khi nội tiết tố bắt đầu bị xáo trộn và sẽ sớm biến mất khi cơ thể quen với thuốc tránh thai.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Cũng giống như tình trạng xuất huyết, buồn nôn cũng không kéo dài lâu mà sẽ tự hết sau một khoảng thời gian ngắn. Chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cảm thấy không yên tâm.
  • Căng tức ngực và đau đầu: Đây là hiện tượng phổ biến đối với những chị em bắt đầu uống thuốc ngừa thai. Tình trạng này thường sẽ được cải thiện sau khi dùng thuốc được một vài tuần.
  • Thuốc tránh thai cũng có thể gây tăng cân, khí hư, làm thay đổi thị lực khi dùng kính áp tròng...

5. Ai không nên uống thuốc tránh thai?

Thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai dùng hàng ngày cũng có những chống chỉ định cho một số trường hợp. Dưới đây là những trường hợp không nên sử dụng thuốc tránh thai:

  • Người mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp: Thành phần estrogen trong thuốc tránh thai ngăn chặn sự lưu thông của các phân tử nước, natri khiến hệ thống tim mạch phải tăng công suất hoạt động. Nếu dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài sẽ gây quá tải cho hệ tim mạch, dễ làm bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Người bị bệnh viêm gan, viêm thận cấp và mạn tính tuyệt đối không được sử dụng thuốc tránh thai bởi khi vào cơ thể sẽ làm tăng ‘gánh nặng’ cho gan và thận, gây tổn thương nghiêm trọng quá trình bài tiết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.
  • Bệnh đái tháo đường: Nếu dùng thuốc, lượng đường trong máu sẽ tăng nhẹ, bệnh đái tháo đường có nguy cơ tái phát. Đặc biệt đối với phụ nữ đã từng bị rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết hoặc đang mắc bệnh này, khả năng ảnh hưởng sẽ cao hơn.
  • Có u vú lành tính, ung thư tử cung và các loại ung thư khác: Những phụ nữ được xác định bị u vú lành tính, ung thư vú hay bất cứ loại ung thư nào có liên quan đến cơ quan sinh dục cũng đều không nên sử dụng thuốc tránh thai. Nguyên nhân là do những căn bệnh này đều có liên quan tới estrogen.
  • Người bị đau đầu mãn tính, đau nhức thái dương: Người bị đau đầu mãn tính, đặc biệt đau nhức thái dương... không nên dùng thuốc tránh thai để tránh làm cho bệnh tình nghiêm trọng thêm.
  • Người bị tắc nghẽn mạch máu: Người bệnh mắc các chứng tắc nghẽn mạch máu não, nhồi máu cơ tim, viêm động mạch vành... không nên uống thuốc tránh thai. Bởi estrogen trong thuốc có thể làm tăng khả năng đông máu, gây thêm áp lực cho huyết quản vốn đang mắc bệnh.
  • Kinh nguyệt ít, không đều: Tốt nhất không nên uống thuốc tránh thai. Vì nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm thành tử cung co lại, giảm lượng kinh nguyệt. Từ đó, gây rối loạn nội tiết của cơ thể, không tốt cho sức khỏe.

Tóm lại, có rất nhiều loại thuốc tránh thai bán trên thị trường nhưng chị em nên tìm hiểu kỹ về từng loại thuốc tránh thai để hiểu rõ và cần phải nghe theo những hướng dẫn về cách sử dụng thuốc từ bác sĩ để việc phòng tránh thai đạt hiệu quả cao nhất đồng thời hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn.