Kinh nguyệt là hiện tượng tự nhiên xảy ra có tính chu kỳ nhất định. Hiện tượng này sẽ diễn ra mỗi tháng một lần ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Và hầu như các bạn gái khi đến chu kỳ kinh nguyệt thường hay gặp phải tình trạng đau bụng kinh, tuy nhiên, không phải ai cũng đều hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
1. Nguyên nhân đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh thường bắt đầu trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt. Các cơn đau thường kéo dài trong khoảng từ 1 đến 3 ngày, ngày đầu tiên bao giờ cũng đau nhất. Các cơn đau này thường ở vùng bụng dưới và tùy vào cơ địa từng người mà chúng có thể đau âm ĩ, đau dữ dội, thậm chí là đau quằn quại dẫn đến ngất xỉu.
Theo các bác sĩ, đau bụng kinh được chia làm 2 loại, đó là: đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
1.1 Nguyên nhân đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh nguyên phát thường gặp ở những bạn gái mới bước vào tuổi dậy thì và tình trạng đau bụng sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 năm. Nguyên nhân có thể là do:
- Sự co thắt quá mức của cơ trơn tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài.
- Bạn gái có cổ tử cung quá hẹp khiến máu kinh khó đi ra ngoài.
- Tử cung ở vị trí không bình thường như: tử cung ngả trước, tử cung ngả sau...
Đau bụng kinh có thể đến từ nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát (Nguồn: Internet)
1.2 Nguyên nhân đau bụng kinh thứ phát
Đau bụng kinh thứ phát có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Do các bệnh lý phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung...
- Do thay đổi nội tiết tố như sự gia tăng bất thường progesterone và prostaglandin trong máu.
- Do chế độ ăn uống không khoa học trong những ngày hành kinh như ăn quá nhiều các món ăn cay nóng, đồ ăn lạnh, bụng không được giữ ấm...
- Do đặt vòng tránh thai.
- Do di truyền từ mẹ sang con. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các mẹ bị đau bụng kinh thì sau khi sinh con, con gái đều sẽ bị đau bụng khi đến ngày hành kinh.
2. Cách làm giảm đau bụng kinh hiệu quả nhanh chóng
Đau bụng kinh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn khiến phụ nữ phải trải qua những cơn đau quằn quại. Vì thế, ngoài việc áp dụng những cách khắc phục đau bụng kinh như chườm nóng, lựa chọn đồ ăn, thức uống hợp lý trong ngày “đèn đỏ” thì các chị em có thể làm giảm đau bụng kinh bằng những cách sau đây:
2.1 Đối với đau bụng kinh nguyên phát
Tắm nước nóng: Ngoài chườm nóng, uống nước ấm thì tắm nước nóng cũng là cách để giảm đau bụng kinh hiệu quả. Phụ nữ nên tắm nước nóng khi tới kỳ kinh nguyệt để giúp điều hòa nhiệt độ của cơ thể.
Massage: Một trong những cách giảm đau bụng kinh tại nhà chính là thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng ở phần bụng dưới theo hướng vòng tròn. Chị em nên thực hiện liên tục cho đến khi cảm thấy cơn đau bụng dịu bớt. Việc massage sẽ giúp cho phần bụng được giãn ra, giảm thiểu các cơn co thắt đột ngột – nguyên nhân chính gây đau bụng kinh.
Uống vitamin tổng hợp: Vitamin A, C và E có khả năng giúp làm giảm các cơn đau bụng kinh và giúp cải thiện được tâm trạng của chị em trong kỳ “đèn đỏ”.
Yoga là một trong những bài tập rất phù hợp cho ngày "đèn đỏ" (Nguồn: Internet)
Tập thể dục thường xuyên: Thực hiện một số bài tập thể dục ngày đèn đỏ có thể giúp các cơ được thả lỏng, đồng thời giải phóng hormone endorphin tạo cảm xúc tích cực, từ đó làm giảm cơn đau bụng kinh, cải thiện tâm trạng và kích thích đốt cháy prostaglandin.
Ngủ ngon và đủ giấc: Trong những ngày hành kinh, việc hormone thay đổi cộng với các cơn đau bụng khiến cơ thể luôn mệt mỏi, ngủ không ngon giấc. Để cải thiện tình trạng này chị em có thể nằm ngủ theo tư thế bào thai, đây là tư thế có thể giúp các cơ quanh bụng được giãn ra, từ đó làm giảm đau bụng kinh.
Ăn những thực phẩm các tác dụng giảm đau bụng kinh: Có rất nhiều thực phẩm có chứa những thành phần giúp làm giảm đau bụng kinh mà chị em có thể ăn trong ngày “đèn đỏ”. Chẳng hạn như:
- Sử dụng gừng tươi: Tính nóng của gừng tươi có khả năng xoa dịu cơn đau bụng kinh. Chính vì thế, trong kỳ kinh nguyệt chị em có thể uống nước trà gừng hoặc giã nhuyễn gừng tươi, đắp lên vùng bụng dưới (có thể kết hợp xoa bóp) trong khoảng từ 5 – 7 phút.
- Ăn chuối: Theo một số nghiên cứu, thiếu kali có thể là nguyên nhân gây đau bụng ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, chuối là một trong những thực phẩm dồi dào kali.
- Ăn táo: Táo có chứa enzyme bromelain giúp giảm đau, đặc biệt là đau bụng kinh.
- Ăn thực phẩm giàu canxi và magie: Các chất khoáng này có nhiều trong các loại rau lá xanh, bơ và chocolate đen. Đây là những loại thực phẩm có khả năng làm giãn cơ tự nhiên cho tử cung.
Sử dụng thuốc giảm đau: Chị em có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm thiểu cơn đau bụng kinh nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng sai cách.
2.2 Đối với đau bụng kinh thứ phát
Những trường hợp bị đau bụng kinh thứ phát, cách làm giảm bụng kinh tốt nhất chính là phải điều trị bệnh lý triệt để. Vì thế, nếu thấy đau bụng kinh dữ dội trong thời gian dài, đau quằn quại dai dẳng thì chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.