1. Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san có dạng hình phễu và được dùng vào những ngày ‘đèn đỏ’ để thay thế các loại băng vệ sinh thông thường.
Về chất liệu, cốc nguyệt san được làm từ silicon y tế, mềm dẻo có độ bền cao. Ngoài ra, còn được làm từ chất liệu là cao su tự nhiên (latex) và thermoplastic elastomer (TPE). Tuy nhiên, với những ai có vùng ‘tam giác mật’ nhạy cảm dễ bị viêm nhiễm, kích ứng thì sử dụng cốc nguyệt san dạng silicon sẽ là lựa chọn an toàn và hợp lý.
Về màu sắc, cốc nguyệt san có cả loại trong suốt và loại có màu được nhuộm từ màu nhuộm thực phẩm an toàn nên màu sắc sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn sử dụng.
Ngoài ra, cốc nguyệt san còn được sản xuất với nhiều kích cỡ khác nhau và đặc biệt là có thể tái sử dụng được nhiều lần. Cốc nguyệt san được chia làm 2 loại: Loại cốc cứng thích hợp cho những phụ nữ có cơ sàn chậu chắc khỏe sử dụng và những loại cốc mềm dành cho những người có cơ sàn chậu yếu, lỏng.
Khi đặt cốc nguyệt san vào bên trong âm đạo, nó sẽ nhẹ nhàng hút lượng máu kinh chảy ra từ tử cung một cách tự nhiên, không để tiếp xúc với không khí. Bạn có thể để cốc nguyệt san trong cơ thể từ 6 đến 12 tiếng, phụ thuộc vào việc kinh nguyệt nhiều hay ít.
Một chiếc cốc có kích cỡ nhỏ nhất cũng có thể sánh ngang với 2, 3 miếng băng vệ sinh (Nguồn: Internet)
Cốc nguyệt san có kích thước khá nhỏ, tuy nhiên chị em có thể yên tâm sử dụng vì với chiếc cốc có kích cỡ nhỏ nhất cũng có thể sánh ngang với 2, 3 miếng băng vệ sinh.
Tuy nhiên cần nhớ rằng, cốc nguyệt san không dành cho những bạn gái chưa từng có quan hệ tình dục, bởi việc đặt cốc nguyệt san sẽ làm tổn thương màng trinh. Ngoài ra, nếu cố gắng cho cốc vào lần đầu có thể sẽ khiến bạn bị đau.
2. Sử dụng cốc nguyệt san có an toàn không?
Sử dụng cốc nguyệt san sẽ không làm mất cân bằng độ ẩm bên trong âm đạo do không sử dụng phương pháp ‘thấm hút’. Ngoài ra, cốc nguyệt san còn mang đến sự an toàn cho chị em sử dụng ngay cả khi có những vận động mạnh như bơi lội, yoga... cũng không sợ bị ảnh hưởng.
Cốc nguyệt san được đặt vào bên trong cơ thể giúp chị em vô cùng thoải mái chứ không dày cộm như băng vệ sinh.
Ngoài ra, việc sử dụng cốc nguyệt san cũng hạn chế được sự tấn công của vi khuẩn và gây mùi, từ đó giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng kín do cốc nằm bên trong cơ thể.
Bên cạnh đó, chị em còn có thể theo dõi được lượng máu kinh của mình nhiều hay ít theo từng ngày, từng chu kỳ vì trên cốc nguyệt san có ghi rõ vạch thể tích.
Lưu ý: Hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại cốc nguyệt san với nhiều thương hiệu khác nhau như: cốc nguyệt san fleurcup, queen cup, claricup, sibell... Chính vì thế, nếu muốn sử dụng loại cốc này chị em nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ và nên mua sản phẩm chính hãng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
3. Hướng dẫn cách sử dụng cốc nguyệt san
Sử dụng cốc nguyệt san không hề dễ dàng đối với những ai mới sử dụng lần đầu tiên. Một phần là do chị em quá căng thẳng, cơ thể sợ hãi sẽ khiến các cơ bị đông cứng, không giãn nở nên khiến việc đặt cốc vào trở nên khó khăn, nhưng phần lớn là do chị em thực hiện sai kỹ thuật.
3.1 Cách đặt cốc nguyệt san đúng
Để sử dụng cốc nguyệt san không bị tràn ra ngoài chị em cần thực hiện theo các bước sau đây:
- Bước 1: Gấp cốc nguyệt san để giúp đưa vào cơ thể dễ dàng.
- Bước 2: Rửa sạch tay và ngồi xổm xuống, thả lỏng để cơ thể thật thoải mái.
- Bước 3: Cầm cốc từ từ đưa vào bên trong cơ thể, hướng miệng cốc tới tử cung.
- Bước 4: Kiểm tra cốc đã mở hết chưa bằng cách lắng nghe hoặc cảm nhận một tiếng ‘pop’, đó là tín hiệu cho thấy cốc đã được mở.
Chị em phụ nữ cần phải biết cách sử dụng cốc nguyệt san đúng kỹ thuật (Nguồn: Internet)
3.2 Tháo cốc nguyệt san như thế nào?
Cũng giống như khi đặt cốc nguyệt san vào cơ thể, để tháo cốc nguyệt san chị em cũng cần phải thực hiện các bước sau đây:
- Bước 1: Rửa sạch tay, ngồi xổm hoặc ngồi trên bồn cầu và thả lỏng cơ thể.
- Bước 2: Đẩy cốc xuống phía dưới bằng cách dùng cơ bụng và cơ sàn chậu, đẩy nhẹ nhàng cốc xuống phía dưới.
- Bước 3: Đưa ngón tay cái và ngón trỏ vào bên trong để tìm đáy chiếc cốc (không cầm cuống cốc để kéo).
- Bước 4: Bóp nhẹ vào bầu cốc để làm mất lực hút. Từ từ đưa cốc ra, hướng chiếc cốc hơi lệch về một bên trong khi dịch chuyển thì theo hướng qua lại 2 bên. Nếu bị đau chị em có thể ấn nhẹ miệng cốc để nó nhỏ lại.
3.3 Vệ sinh cốc nguyệt san ra sao?
Vì cốc nguyệt san phụ nữ có thể tái sử dụng lại nhiều lần nên sau khi lấy cốc ra ngoài chị em có thể vệ sinh cốc bằng dung dịch chuyên dùng rửa cốc hoặc dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày để rửa.
Tuyệt đối tránh dùng cách loại xà phòng, chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh cốc nguyệt san vì có thể gây kích ứng âm đạo khi sử dụng lần sau.
Chị em có thể tiệt trùng cốc nguyệt san bằng cách đun cốc trong nước sôi. Lưu ý, không để cốc chạm đáy nồi, vì sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cốc.
4. Sử dụng cốc nguyệt san không đúng gây ra những hậu quả gì?
Cốc nguyệt san là dụng cụ có thể làm giảm thiểu viêm nhiễm vùng kín hơn rất nhiều so với các loại băng vệ sinh và tampon. Tuy nhiên, do cốc đưa hẳn vào bên trong âm đạo nên nếu sử dụng không đúng cách hoặc có thể sẽ gây viêm nhiễm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh lây truyền và tấn công sang các bộ phận lân cận trong ổ bụng.
Tuy cốc nguyệt san có khả năng chống tràn hiệu quả nhưng đối với những ai chưa quen sử dụng thì việc đặt cốc nguyệt san vẫn bị tràn ra ngoài. Việc này không hẳn là do cốc không chứa hết máu kinh mà là do chị em bung cốc chưa đều và không bịt kín được âm đạo khiến máu lọt ra ngoài khe hở.
Trên đây là những thông tin về cốc nguyệt san cũng như cách sử dụng đúng và an toàn, hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp chị em có thể giải quyết vấn đề kinh nguyệt của mình một cách đơn giản và dễ chịu nhất.