Nhiệt trị liệu là một phương pháp điều trị của vật lý trị liệu, trong đó sử dụng các tác nhân gây nhiệt để mang lại hiệu quả điều trị. Tùy theo nhiệt độ của tác nhân gây nhiệt mà giới y khoa chia ra thành 2 loại đó là: nhiệt nóng (chườm nóng) và nhiệt lạnh (chườm lạnh).
Chườm nóng hay lạnh nếu áp dụng đúng sẽ giúp giảm đau, giảm sưng rất nhanh, giúp rút ngắn thời gian điều trị và kết quả phục hồi tốt.
1. Chườm nóng và tác dụng của việc chườm nóng
Chườm nóng là một dạng điều trị bệnh bằng nhiệt, thường được sử dụng cho các cơn đau mãn tính hoặc chấn thương sau 48 giờ, ví dụ như đau khủy tay do viêm gân, hội chứng tennis elbow (hội chứng đau khủy tay), đau gót chân do viêm gân, viêm cân gan chân, viêm bao gân gấp – duỗi ngón, giảm đau bụng kinh...
Nhiệt nóng (nhiệt độ trên 37 độ C đến khoảng 45 độ C) có tác dụng rất lớn cơ thể con người. Chúng được biết đến với những tác dụng như: làm giãn động mạch nhỏ và mao mạch tại chỗ, có thể lan rộng ra một bộ phận hay toàn thân, tăng cường tuần hoàn máu, làm giảm co thắt và giảm đau.
Chườm nóng cũng là liệu pháp tốt để điều trị đau mãn tính. Đau mãn tính là tình trạng đau dai dẳng hoặc tái phát. Nhiệt làm tăng cung cấp máu, kích thích việc loại bỏ các độc tố, làm giảm đau nhức và sự căng cứng.
Khi cơ bắp làm việc quá sức bị đau vì một loại hóa chất gọi là acid lactic. Acid lactic tích tụ khi các cơ bắp được đặt dưới sự căng thẳng và thiếu oxy. Khi giảm lưu lượng máu đến khu vực bị quá tải, các acid lactic bị mắc kẹt nên dẫn đến tình trạng đau cơ. Lúc này, sử dụng liệu pháp chườm nóng có thể giúp phục hồi lưu lượng máu và tăng tốc độ loại bỏ các acid lactic từ các cơ bắp.
Nếu bị một chấn thương mãn tính như: giãn cơ đùi, cơ lưng, hội chứng tennis elbow... thì chườm nóng trước khi tập thể dục giúp các mô lỏng lẻo và làm thư giãn vùng bị chấn thương. Tuy nhiên, không nên chườm nóng sau khi tập vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau hiện tại.
Chườm nóng giúp làm giãn động mạch nhỏ và mao mạch tại chỗ, tăng cường tuần hoàn máu, giảm co thắt và giảm đau (Nguồn: Internet)
Thông thường, chườm nóng sẽ được áp dụng cho một khu vực cụ thể và bạn có thể sử dụng: Chai nước nóng, túi chườm nóng, nhiệt ẩm (khăn nóng), vòi xịt nước nóng để tác động vào khu vực bị thương tổn hoặc bị đau.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng nhiệt hệ thống như: phòng tắm hơi, tắm nước nóng... để làm tăng nhiệt độ của toàn cơ thể.
1.1 Một số lưu ý cần nhớ khi chườm nóng
- Khi áp dụng điều trị nhiệt nóng cần bảo vệ cơ thể khỏi tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị sưởi ấm.
- Không dùng nhiệt quá nóng vì sẽ dễ gây bỏng.
- Không chườm nóng trong khi ngủ.
- Tránh chườm nóng quá 20 phút.
- Tránh tiếp xúc kéo dài với nhiệt trị liệu toàn thân.
- Đặc biệt, với các ổ viêm đã có mủ, viêm cấp, chấn thương mới đang sung huyết, các khối u ác tính, lao, vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, giãn tĩnh mạch da thì không dùng được phương pháp phương nóng.
2. Khi nào nên chườm lạnh? Chườm lạnh có tác dụng gì?
Chườm lạnh thường được sử dụng trong các cơn đau cấp tính hoặc sưng, viêm chấn thương mới, ví dụ như bong gân, chấn thương phần mềm, chấn thương thể thao, đau lưng sau khi khuân vác nặng hay đau lưng do sai tư thế làm giãn cơ... Việc chườm lạnh nên được tiến hành trong vòng 48 giờ kể từ khi bị chấn thương hoặc đau do viêm cấp.
Chườm lạnh thường sử dụng trong các cơn đau cấp tính hoặc sưng, viêm chấn thương mới (Nguồn: Internet)
Khi cơ thể bị tổn thương, các mô bị tổn thương trở nên sưng tấy, điều này có thể gây đau, sưng hoặc đỏ. Liệu pháp chườm lạnh có tác dụng làm tê chấn thương. Lạnh làm co mạch máu và giảm lưu lượng máu, từ đó làm giảm sự tích tụ chất dịch viêm trong khu vực bị ảnh hưởng.
Điều trị chườm lạnh đôi khi giúp giảm đau, giảm viêm trong chấn thương mãn tính, như làm việc quá nhiều lặp đi lặp lại gây ra viêm mãn tính, chơi thể thao chuyên nghiệp.
Có thể thực hiện chườm lạnh bằng: một túi nước đá, khăn ẩm đã được đặt trong tủ lạnh khoảng 15 phút, một gói gel lạnh, một túi rau quả đông lạnh.
2.1 Một số lưu ý cần nhớ khi chườm lạnh
- Không chườm lạnh trước khi vận động thể thao.
- Chườm lạnh chỉ nên được áp dụng khu trú không áp dụng cho toàn thân và không bao giờ được sử dụng trong hơn 20 phút tại một vị trí.
- Không chườm trực tiếp cục đá lạnh lên vị trí tổn thương, không chườm chỗ sưng đau liên tục.
- Không sử dụng nước đá ở các khu vực có vấn đề lưu thông máu kém.