Áp xe chân răng có nguy hiểm không?

(VOH) - Bạn có biết: áp xe chân răng là biến chứng của nhiễm trùng chóp răng và sự phá hủy của các mô quanh răng.

1. Áp xe chân răng là gì?

Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng bị gây ra bởi sâu răng, mắc các bệnh về nướu hoặc răng bị nứt. Những bệnh này có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào tủy (các mô mềm của răng có chứa các dây thần kinh, mạch máu và mô liên kết) và có thể khiến tủy bị chết, còn gọi là hiện tượng chết tủy.

Mủ tích tụ tại các đầu rễ  trong xương hàm tạo thành túi mủ gọi là áp xe. Áp xe răng không được điều trị có nguy cơ gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng trong xương hàm, răng và các mô xung quanh.

ap-xe-chan-rang-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Áp xe răng là ổ mủ tụ ở chân răng gây nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu bị áp răng

Để tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh áp xe răng gây ra, khi có những triệu chứng áp xe răng thì bạn nên đi khám và điều trị kịp thời.

Dưới đây là những triệu chứng bị áp xe răng:

  • Đau răng.
  • Nhai đau.
  • Sưng răng.
  • Nướu tấy đỏ.
  • Miệng có mùi hôi, cảm nhận có vị khó chịu trong miệng.
  • Ê răng lúc nóng hoặc lạnh.
  • Sưng hạch cổ.
  • Trong người luôn mệt mỏi, đôi khi bị sốt.
  • Hàm trên hoặc hàm dưới sưng.
  • Cắn chặt hoặc ngậm miệng chặt lại cũng làm đau nhiều hơn.
  • Nướu răng có mủ đặc chảy ra.

3. Áp xe chân răng nguy hiểm như thế nào?

Nếu phát hiện áp xe chân răng sớm thì cách xử lý khá dễ dàng và nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra khi áp xe không được điều trị hoặc điều trị không triệt để. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Viêm mô tế bào lan tỏa ngách hành lang, áp xe ở vòm miệng, ở sàn miệng (vi khuẩn từ một áp xe răng tấn công xuống 2 bên vùng dưới lưỡi, dưới hàm và vùng dưới cằm), trường hợp nặng có thể bị tắc nghẽn đường hô hấp, gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
  • Áp xe ngoài mặt như áp xe má và vùng dưới hàm, viêm tấy lan rộng sàn miệng, viêm tấy lan rộng hố thái dương.
  • Tình trạng nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (có thể xảy ra khi vi khuẩn từ một áp xe răng qua các mạch máu đến tim, gây nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng), áp xe não (vi khuẩn có lây lan từ răng đến não thông qua các mạch máu, gây nhiễm trùng não và có thể dẫn đến hôn mê).

Trường hợp ổ áp xe răng gây nhiễm trùng nặng lan ra từ chân răng và đi vào xương hàm cũng như mô mềm. Nếu không chữa trị đúng cách, lúc đó răng không còn giữ và bảo tồn được nữa, cuối cùng phải nhổ bỏ răng.

Chính vì thế, bất cứ ai cũng không nên xem thường chứng áp xe chân răng. Khi có những triệu chứng áp xe chân răng thì nên đến gặp nha sĩ để thăm khám và được hỗ trợ điều trị tốt nhất.

4. Áp xe răng uống thuốc gì?

ap-xe-chan-rang-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Chữa áp xe răng bằng thuốc kháng sinh (Nguồn: Internet)

Tùy vào vị trí và nguyên nhân gây áp xe chân răng sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Nguyên tắc điều trị chung là loại bỏ ổ áp xe, điều trị nguyên nhân và bảo tồn răng, tránh các biến chứng.

Nếu áp xe chân răng nhẹ, bạn có thể dùng thuốc để điều trị. Các loại thuốc hỗ trợ điều trị áp xe răng là thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau.

Nếu các trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả thì phải tiến hành nhổ răng.

5. Làm thế nào để phòng tránh áp xe răng?

Vệ sinh răng miệng tốt và đi khám nha khoa thường xuyên sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị áp xe chân răng. Bên cạnh đó, bạn nên dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước lọc sau mỗi bữa ăn để làm sạch các mảng bám trên răng, đặc biệt là sau khi bạn ăn đồ ngọt.

Nếu răng của bạn đã từng bị tổn thương (bị lung lay hoặc bị sứt mẻ) hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời và tránh biến chứng thành áp xe răng.