Tiêu điểm: Nhân Humanity

Áp xe não – căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện sớm

(VOH) - Áp xe não là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng vô cùng nguy hại cho sức khỏe và tính mạng.

1. Áp xe não là gì?

Áp xe não là tình trạng hình thành mủ trong mô não. Não có mủ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh trung ương, gây tỷ lệ tử vong cao.

Não bộ là cơ quan điều hành mọi vận động của cơ thể. Bản thân não bộ được bảo vệ bởi sọ não, các lớp mô xung quanh và hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều vi khuẩn và một số sinh vật có thể vượt qua lớp bảo vệ này, tấn công não, gây nên tình trạng nhiễm trùng. Khi đó, não bộ phản ứng lại sự xâm nhập của các vi khuẩn bằng cách hình thành các khoang trống nhỏ có chứa mủ, tạo thành áp xe não.

ap-xe-nao-can-benh-nguy-hiem-can-duoc-phat-hien-som-voh-1

Áp xe não là tình trạng trong não hình thành ổ mủ do nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân dẫn đến áp xe não

2.1 Nguyên nhân gây áp xe não có thể do:

  • Những tổn thương viêm nhiễm vùng lân cận như viêm tai xương chũm, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm vùng mặt hoặc da đầu, áp xe răng,…những căn bệnh này tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào não bộ.
  • Biến chứng sau chấn thương sọ não hở hoặc phẫu thuật não,…

Áp xe não là bệnh hiếm gặp nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến ở những người từ 30 đến 45 tuổi.

2.2 Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe não:

  • Bị chấn thương ở vùng đầu.
  • Bị nhiễm trùng ở khu vực gần đầu như tai, mũi, mặt,…
  • Bị bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính.
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh.
  • Viêm màng não.
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh.
  • Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch như người bệnh ung thư, người nhiễm HIV/AIDS,…

3. Triệu chứng áp xe não thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng áp xe não ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một số trường hợp áp xe não diễn biến từ từ, một số thì bệnh tiến triển rất nhanh, khiến não bộ bị tổn thương nặng nề.

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng áp xe não phổ biến ở nhiều trường hợp:

3.1 Hội chứng nhiễm trùng

Người bệnh có dấu hiệu sốt cao, từ 39 – 40 độ C. Tình trạng sốt cao xuất hiện khi ổ áp xe ở giai đoạn lan tỏa. Khi áp xe khu trú, người bệnh sẽ giảm sốt. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, sụt cân nhanh,…

3.2 Hội chứng tăng áp lực nội sọ

ap-xe-nao-can-benh-nguy-hiem-can-duoc-phat-hien-som-voh-2

Áp xe não thường khiến người bệnh cảm thấy đau đầu (Nguồn: Internet)

Người bệnh đau đầu, thờ ơ, lú lẫn, động kinh,…đi kèm là cảm giác buồn nôn, nôn mửa, nôn vọt,…Bệnh càng để lâu thì những triệu chứng này càng tăng và nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị mất phương hướng, gặp khó khăn trong giao tiếp, co giật, thậm chí là hôn mê.

3.3 Dấu hiệu thần kinh khu trú

Nếu ổ áp xe ở một bên bán cầu, người bệnh sẽ bị liệt nửa người, nếu ổ áp xe ở 2 bên bán cầu, người bệnh sẽ bị liệt tứ chi. Người bệnh có thể bị liệt dây thần kinh sọ não, xuất hiện các cơn động kinh cục bộ.

4. Áp xe não có nguy hiểm không?

Áp xe não là một bệnh nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như:

  • Viêm màng não mủ.
  • Vỡ áp xe.
  • Tụt kẹt não do bọc áp xe lớn có vỏ bao dày chiếm chỗ trong hộp sọ, làm tăng áp lực nội sọ, chèn đẩy não và gây tụt kẹt não.
  • Áp xe tiểu não, do hố sọ sau rất chật nên chỉ ổ áp xe nhỏ đã gây rối loạn nặng hô hấp và tim mạch.

Chính vì thế, những có những dấu hiệu của bệnh áp xe não, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra. Với kiến thức chuyên môn, kết hợp các kĩ thuật hiện đại, các bác sĩ sẽ giúp bạn xem xét và chẩn đoán, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho bạn.

5. Điều trị áp xe não bằng cách nào?

Quá trình điều trị áp xe não phụ thuộc vào vị trí ổ áp xe khu trú, kích thước và số lượng ổ áp xe cũng như diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị nội khoa hay ngoại khoa.

5.1 Điều trị nội khoa

ap-xe-nao-can-benh-nguy-hiem-can-duoc-phat-hien-som-voh-3

Nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh (Nguồn: Internet)

Người bệnh sẽ sử dụng thuốc kháng sinh có khả năng khuếch tán cao, vượt qua hàng rào bảo vệ não bộ. Bệnh nhân áp xe não có thể sẽ dùng kháng sinh liều cao trong thời gian dài, tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ.

Người bệnh có thể dùng kháng sinh dưới dạng tiêm hoặc uống.

5.2 Điều trị ngoại khoa

Nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đạt hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật, chọc hút ổ áp xe, dẫn lưu và loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe.

Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ áp xe là phương pháp triệt để nhưng có nhiều khó khăn. Nhược điểm là gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, có thể gây thủng vỡ bọc áp xe.

Với các trường hợp áp xe não do biến chứng từ phẫu thuật hoặc các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm xoang, áp xe răng,…người bệnh cần được kết hợp điều trị các bệnh lý này để tiêu diệt tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

6. Biện pháp phòng tránh áp xe não

Áp xe não là căn bệnh nguy hiểm, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trong.

Áp xe não có thể phòng ngừa bằng cách:

ap-xe-nao-can-benh-nguy-hiem-can-duoc-phat-hien-som-voh-4

Hãy phòng ngừa áp xe não bằng cách đội mũ bảo hiểm đúng cách khi tham gia giao thông (Nguồn: Internet)

  • Tích cực điều trị các bệnh là nguyên nhân gây áp xe não nói trên.
  • Chăm sóc răng miệng thật tốt.
  • Luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để phòng chấn thương sọ não, đầu, mặt khi chẳng may gặp tai nạn. Khi chọn nón bảo hiểm bạn nên chọn các loại nón chất lượng thay vì chọn các kiểu nón đẹp mà kém chất lượng.
  • Sử dụng trang bị bảo hộ lao động trong các ngành nghề như thợ xây, thợ mộc, công nhân vận hành máy móc,…để phòng tránh tai nạn chấn thương.
Bình luận