Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chán ăn là dấu hiệu bệnh gì?

(VOH) - Có bao giờ bạn cảm thấy bỗng nhiên chán ăn, nhìn thức ăn chẳng thèm dù đó là món mình rất yêu thích. Theo các bác sĩ, hiện tượng này không chỉ là vấn đề cảm xúc mà còn là dấu hiệu bệnh tật.

Chán ăn được định nghĩa là tình trạng không có cảm giác thèm ăn. Chứng chán ăn là một dạng rối loạn ăn uống, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Tình trạng chán ăn kéo dài liên tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Vì sao bị chán ăn mệt mỏi?

Trong hầu hết các trường hợp, chứng chán ăn sẽ tự biến mất ngay sau khi nguyên nhân gây bệnh được giải quyết triệt để. Dưới đây là 4 nguyên nhân chính gây ra tình trạng chán ăn:

chan-an-la-dau-hieu-benh-gi-voh-1

Chán ăn là dấu hiệu bệnh gì? (Nguồn: Internet)

1.1 Do vi khuẩn và virus

Chứng chán ăn có thể do tình trạng nhiễm trùng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Các vi khuẩn, virus, nấm men có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Bạn có thể bị chán ăn sau khi trải qua tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm dạ dày ruột, viêm đại tràng, nhiễm trùng da hoặc viêm màng não.

1.2 Chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần hay chán ăn tâm lý, biếng ăn tâm lý là một dạng của bệnh rối loạn ăn uống. Nguyên nhân có thể là do các cảm xúc tiêu cực và tâm trạng kém làm ảnh hưởng hoặc áp lực công việc, sự căng thẳng, buồn chán cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng chán ăn.

1.3 Do mắc bệnh

Mắc bệnh gan mãn tính, suy thận, suy tim, viêm gan, HIV, sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng tuyến giáp,…là những căn bệnh có thể gây nên chứng biếng ăn.

Ngoài ra, một số dạng bệnh ung thư cũng có thể gây nên chứng chán ăn, đặc biệt nếu như khối u ung thư hình thành ở các cơ quan như đường ruột, dạ dày, buồng trứng ở phụ nữ và tuyến tụy.

Bên cạnh đó, phụ nữ khi mang thai lần đầu cũng có thể gặp phải tình trạng chán ăn. Chán ăn khi mang thai có thể kèm theo mệt mỏi, buồn nôn.

1.4 Do một số loại thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể gây nên tình trạng suy giảm khẩu vị. Các loại thuốc này bao gồm loại chất gây nghiện như cocain, heroin và amphetamine, cùng với một số loại thuốc kê theo toa khác.

Những loại thuốc kê toa có thể gây chứng chán ăn bao gồm: một vài loại thuốc kháng sinh, codein, morphine, thuốc hóa trị.

2. Chán ăn nguy hiểm như thế nào?

Chán ăn kéo dài sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Bởi khi không hấp thu đủ dinh dưỡng thiết yếu sẽ không thể nuôi dưỡng cơ thể và ngăn cản sự tấn công của bệnh tật, đồng thời quá trình lão hóa tự nhiên cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.

Bên cạnh đó, sự thiếu thốn thức ăn kéo dài cũng làm giảm nội tiết tố nghiêm trọng, gây rối loạn hoặc suy giảm chức năng sinh dục.

Do đó, khi cảm thấy chán ăn trong nhiều ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục sớm hơn. Nếu chán ăn do tâm lý và bệnh lý thì chỉ cần bạn điều trị đúng cách thì hiện tượng này sẽ nhanh chóng biến mất và bạn sẽ ăn uống ngon miệng trở lại.

3. Lời khuyên

Dưới đây là một số lời khuyên để bạn nhanh chóng thoát khỏi chứng chán ăn để khỏe mạnh hơn.

chan-an-la-dau-hieu-benh-gi-voh-2

Hãy làm cho bữa ăn hấp dẫn hơn bằng cách kết hợp các thực phẩm nhiều màu sắc lại với nhau để có cảm giác ăn ngon miệng (Nguồn: Internet)

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, việc này không chỉ giúp cải thiện tình trạng chán ăn mà còn hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa.
  • Cân bằng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn, không ăn thiên lệch quá nhiều về một chất nào đó.
  • Chế biến món ăn nhiều màu sắc và họa tiết cũng có thể kích thích bạn thèm ăn hơn.
  • Ăn thường xuyên và ăn nhiều hơn khi cảm thấy đói.
  • Không uống quá nhiều nước trong khi ăn.
  • Tập thể dục thường xuyên có thể khiến bạn cảm thấy đói và thèm ăn.
  • Dùng thức uống bổ sung để tăng lượng calo mà cơ thể cần. Bạn cũng có thể thử uống nước protein để bổ sung dưỡng chất.
  • Các bữa ăn trong ngày nên bao gồm các món giàu calo và protein.
  • Thêm chất béo và đường vào chế độ ăn uống ở mức chừng mực để đảm bảo ngon miệng hơn.

Cảm giác chán ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất khi không đảm bảo dinh dưỡng mà còn gây tổn hại đến tinh thần khiến bạn dễ cáu kỉnh và suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, hãy tìm cách khắc phục tình trạng này ngay, tránh để chứng chán ăn kéo dài.

Bình luận