Đừng bỏ qua: Cách trị bệnh ghẻ nước tại nhà hiệu quả

(VOH) - Khi chân hay tay tiếp xúc với nước bẩn, nguy cơ mắc bệnh ghẻ nước là rất cao. Dưới đây là những cách có thể giúp bạn trị bệnh ghẻ nước hiệu quả.

1. Bệnh ghẻ nước là gì?

Ghẻ nước là bệnh do ký sinh trùng có tên Sarcopte Scabiei hominis gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi vùng miền, tuy nhiên tần suất xuất hiện nhiều nhất là ở những vùng mà điều kiện vệ sinh thấp kém, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu.

dung-bo-qua-cach-tri-benh-ghe-nuoc-tai-nha-hieu-qua-voh-1

Bệnh ghẻ nước do ký sinh trùng ghẻ gây ra (Nguồn: Internet)

Bệnh ghẻ nước lây lan nhanh do ký sinh trùng ghẻ lan truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung quần áo, giường chiếu, chăn, màn.

Người bị nhiễm ký sinh trùng ghẻ thường có triệu chứng chính là ngứa, triệu chứng xuất hiện sau khi lây bệnh khoảng một tuần, ngứa ít về ban ngày và nhiều về ban đêm.

Ghẻ nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, cùi tay, bờ trước nách, quanh rốn, mông,..với những tổn thương đặc hiệu là luống ghẻ và mụn nước (còn gọi là mụn trai và đường hang).

2. Cách trị bệnh ghẻ nước

Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ nước là phải phát hiện sớm, điều trị khi bệnh mới phát và chưa có biến chứng. Bên cạnh đó, nếu muốn trị ghẻ nước tận gốc cần điều trị cùng lúc cho tất cả những người bị ghẻ trong gia đình hoặc trong tập thể.

Một trong những cách điều trị bệnh ghẻ nước hiệu quả nhất là dùng thuốc. Các thuốc đặc trị ghẻ nước gồm có:

  • Dung dịch DEP(DiEthylPhtalat): Là chất lỏng, không màu, không mùi, sánh, không gây kích thích da và không bẩn quần áo. Cần chú ý chỉ bôi lên vị trí tổn thương, không bôi diện rộng, không bôi lên niêm mạc, không để dây vào mắt. Bôi lên các tổn thương ghẻ mỗi ngày 2 – 3 lần, bôi cả ban đêm.
  • Mỡ lưu huỳnh (diêm sinh): Sử dụng mỡ lưu huỳnh 10% cho trẻ em, 30% cho người lớn. Người bệnh sau khi tắm xong, lau khô, bôi thuốc mỡ lên vùng da bị ghẻ nước, khoảng 24 giờ sau bôi lại lần thứ hai.
  • Dầu Benzyl benzoat 33%: Không cần thiết phải tắm trước, bôi lên tổn thương trừ vùng đầu và mặt, 20 phút sau bôi thêm lần nữa, ngoài ra có thể bôi thêm sau 24 giờ. Tiếp tục điều trị theo trình tự trên cho đến khi lành bệnh.
  • Kem Eurax trị ghẻ và sẩn ngứa: Thuốc có tác dụng chống ngứa, diệt cái ghẻ, chấy. Nếu bị ngứa thì bôi khoảng 2 – 3 lần/ngày, còn với ghẻ nước thì bôi 1 lần vào buổi tối (chỉ bôi một lớp mỏng, có thể tắm trước khi bôi). Lưu ý: Không nên dùng cho người mang thai, không bôi vào vùng núm vú và vùng xung quanh, không dùng cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.

dung-bo-qua-cach-tri-benh-ghe-nuoc-tai-nha-hieu-qua-voh-2

Trị ghẻ nước bằng thuốc bôi (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp bệnh ghẻ nước nhiễm khuẩn phải bôi thêm các thuốc màu, ghẻ viêm da hóa phải điều trị thêm vùng viêm da.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị tại chỗ thì người bệnh cần dùng thêm các thuốc toàn thân khác như histamin, vitamin B, C,…

3. Cách trị ghẻ nước dân gian

3.1 Trị ghẻ nước bằng lá trầu không

Dùng khoảng 30g lá trầu không, 20g lá đào, 10g lá xoan non, 10g rau sam. Đem các nguyên liệu này đi giã nhỏ, vắt lấy nước bôi vào chỗ ghẻ, ngày 3 – 4 lần.

3.2 Trị ghẻ bằng nước muối

Hòa khoảng 200g muối vào một lít nước, sau đó lấy bông y tế thấm nước muối loãng lau thật kĩ vào chỗ ghẻ. Sau nhiều lần thực hiện, bệnh ghẻ nước sẽ khỏi.

3.3 Trị ghẻ bằng lá đào

Dùng lá đào rửa sạch rồi đun nước tắm hàng ngày, loại nước này có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, dùng chữa ghẻ rất tốt.

Chú ý: Những bài thuốc trị ghẻ dân gian vừa nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu áp dụng nhưng không khỏi thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được kê thuốc điều trị ghẻ nước phù hợp và hiệu quả hơn.