Văn bản nghị luận là loại văn bản trình bày ý kiến, quan điểm của người viết ( người nói) đối với những tư tưởng, đạo lí, những hiện tượng đời sống hay về các tác phẩm nghệ thuật. Vì thế tính hệ thống, chặt chẽ và hợp lí là các yêu cầu vô cùng quan trọng đối với loại văn bản này. Điều này dẫn đến đặc điểm của văn bản nghị luận cũng vô cùng đặc biệt so với các loại văn bản khác.
I. Luận điểm, luận cứ và lập luận
Khảo sát văn bản “Chống nạn thất học”
CHỐNG NẠN THẤT HỌC
Quốc dân Việt Nam!
Khi xưa Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta.
Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?
Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí.[…]
Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học.
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình.
Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.
Công việc này, mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức.
Chủ tịch
Chính phủ nhân dân lâm thời
HỒ CHÍ MINH
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000)
1. Luận điểm
Trước hết, chúng ta thấy văn bản “Chống nạn thất học” đề cập đến vấn đề nạn thất học (tình trạng người Việt Nam chưa biết chữ do không được học đọc, học viết tiếng Việt).
Qua đó, tác giả Hồ Chí Minh đã thể hiện ý kiến của mình đối với vấn đề này là phải tìm mọi cách khắc phục, giải quyết tình trạng thất học của người Việt Nam lúc bấy giờ. Hay nói cách khác, theo Người, chúng ta phải CHỐNG NẠN THẤT HỌC đến cùng.
Quan điểm này được thể hiện ở ngay tiêu đề của bài viết, ở các câu văn trong văn bản như: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí.” hay “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình…biết viết chữ Quốc ngữ.”. Và đó cũng chính là luận điểm chủ yếu của văn bản nghị luận này.
Vậy, luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết (người nói) được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hoặc phủ định ), được diễn đạt sáng tỏ ,dễ hiểu và nhất quán.
Tuy nhiên, trong một văn bản nghị luận, để làm sáng tỏ luận điểm chính, người ta thường xây dựng nhiều luận điểm phụ. Các luận điểm phụ này thường tồn tại dưới dạng câu chủ đề ở trong các đoạn văn.
2. Luận cứ
Văn bản nghị luận muốn có sự thuyết phục, hợp lí, đúng đắn thì phải tạo được lòng tin nơi người đọc (người nghe). Lòng tin này có được do dẫn chứng và lí lẽ trong văn bản nghị luận.
Trong văn bản “Chống nạn thất học”, để làm rõ chính sự cai trị của Pháp đã dẫn đến tình trạng thất học của người dân, Hồ Chí Minh đã nhắc đến hành động của thực dân Pháp là hạn chế mở trường học. Chính hành động này đã trực tiếp làm cho nhiều người không cơ cơ hội đến trường, dẫn đến việc mù chữ.
Hay để làm sáng tỏ vai trò quan trọng của việc học, Bác đã sử dụng số liệu thực tế là 95 phần trăm dân số Việt Nam mù chữ. Với cách nêu con số cụ thể, chân thật, tác giả đã chứng minh việc xóa mù chữ đã trở nên vô cùng cấp bách lúc bấy giờ nếu muốn tìm nguồn nhân lực để phát triển kinh tế đất nước lẫn bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được.
Ngoài ra, Người cũng đưa ra các giải pháp để chống nạn thất học như những người đã biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ, người chưa biết hãy gắng sức mà học, …Đó chính là dẫn chứng trong văn nghị luận.
Bên cạnh đó, dẫn chứng còn tồn tại dưới dạng những câu nói nổi tiếng (danh ngôn) của các danh nhân nổi tiếng, hay những lời khuyên, câu hát dân gian của ông bà ta dưới dạng tục ngữ, ca dao, cũng có thể là những tấm gương người thật,việc thật từ xưa đến nay đã được cộng đồng biết đến, nổi tiếng đi vào sách sử, báo chí, truyền thông.
Có thể nói, dẫn chứng chính là những con người, sự vật, sự việc, hiện tượng được lấy từ thực tế cuộc sống xưa đến nay nên thường tạo nên tính chân thật, tiêu biểu cho văn bản nghị luận.
Khi sử dụng dẫn chứng tránh dùng các câu chuyện, nhân vật trong các tác phẩm văn học, phim ảnh, …vì đó đều là những câu chuyện, nhân vật được sáng tạo lại qua lăng kính sáng tạo của nhà văn, nhà biên kịch nên tính thuyết phục thường không cao.
Bên cạnh dẫn chứng, trong văn bản nghị luận, người ta cũng có thể sử dụng lí lẽ để làm sáng tỏ luận điểm. Trong văn bản ví dụ trên, tác giả đã sử dụng rất nhiều lí lẽ. Theo tác giả, nguyên nhân của việc thất học là do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Chính sách này được tác giả nhận định từ việc làm thực tế (dẫn chứng) của giặc Pháp là hạn chế mở trường học.
Nhờ đó, luận điểm chính sự cai trị của Pháp đã dẫn đến tình trạng thất học của người dân càng thêm rõ ràng và thuyết phục. Mặt khác, Bác cũng đưa ra sự cần thiết của việc chống lại thất học vì nay nước ta đã được độc lập, mọi người cần hiểu biết về quyền lợi của mình để quyền lợi ấy được đảm bảo, không bị thiệt thòi như lúc trước còn bị Pháp đô hộ, cai trị.
Đó chính là các lí lẽ chứng tỏ luận điểm học có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Vậy lí lẽ là những nhận xét, phán đoán hay những chân lí, quy luật được thừa nhận trong cuộc sống.
Những lí lẽ và dẫn chứng trong văn bản nghị luận thường được đưa ra để giúp cho luận điểm thêm chắc chắn và thuyết phục. Các yếu tố này được gọi chung là luận cứ. Nói cách khác, luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.
3. Lập luận
Như trên đã trình bày, một văn bản nghị luận thường có một luận điểm chính và các luận điểm phụ. Các luận điểm này được “nâng đỡ” bằng các luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng). Do đó, để bài viết có sức thuyết phục cao, người viết phải đưa ra những luận cứ hợp lí để người đọc tin vào luận điểm mà người viết nêu ra.
Sự thuyết phục ấy phụ thuộc không chỉ vào chất lượng của các luận cứ mà còn tùy thuộc vào phương pháp lập luận của người viết ( người nói). Lập luận là cách tổ chức vận dụng luận cứ sao cho luận điểm được nổi bật và có sức thuyết phục.
Trong văn bản “Chống nạn thất học”, luận điểm nói về nguyên nhân của nạn thất học được tác giả làm sáng tỏ bằng hai luận cứ. Luận cứ thứ nhất là chính sách ngu dân. Luận cứ thứ hai là thực trạng thất học nghiêm trọng ở nước ta. Các luận cứ theo trình tự nguyên nhân – kết quả. Từ đó, người đọc sẽ hiểu rõ ràng và tường tận hơn về nguyên nhân mà dân ta bị mù chữ.
Từ đó, có thể thấy, để tạo nên một văn bản nghị luận chặt chẽ, hợp lí, giàu sức thuyết phục, người viết phải sử dụng lập luận để sắp xếp từ các luận điểm phụ để làm nổi bật luận điểm chính cho đến các luận cứ làm sáng tỏ luận điểm phụ.
Phương pháp lập luận bao gồm các cách suy luận (nhân quả, tương đồng, tương phản), quy nạp, diễn dịch, so sánh, phân tích, tổng hợp, sao cho luận điểm đưa ra là hợp lý, không thể bác bỏ.
Nghệ thuật lập luận phụ thuộc rất nhiều vào cách nêu vấn đề, cách dẫn dắt người đọc, người nghe với nhiều thủ pháp như so sánh, đối chiếu, đưa số liệu, nêu dẫn chứng thực tế, …
Nghệ thuật lập luận còn phụ thuộc vào cách hành văn, giọng văn, cách dùng từ, đặt câu. Do nhu cầu lập luận, trong văn nghị luận thường phải dùng đến những từ như: tuy nhiên, giả sử, nếu như, tóm lại, nói chung…gọi là hệ thống từ lập luận.
Để viết được một văn bản nghị luận hay là rất khó, vì tạo nên một văn bản nghị luận cần nhiều yếu tố khác nhau. Luận điểm, luận cứ và lập luận đều là những yếu tố hàng đầu không thể thiếu khi nói tới đặc điểm của văn nghị luận, quyết định đến chất lượng của văn bản. Thiếu các yếu tố này không thể tạo nên một văn bản nghị luận đích thực.
II. Luyện tập
Đọc lại văn bản “Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội” (Bài 18) và cho biết luận điểm, luận cứ và cách lập luận trong bài. Nhận xét về sức thuyết phục của bài văn ấy.
Hướng dẫn trả lời:
Văn bản “Cần tạo thói quen tốt trong đời sống xã hội” có luận điểm chính ở ngay đầu bài: Cần tạo thói quen tốt trong đời sống xã hội. Luận điểm chính được làm sáng tỏ bằng các luận điểm phụ là các việc làm thể hiện thói quen tốt và thói quen xấu trong đời sống, giải pháp tạo thói quen tốt. Theo đó, phương pháp lập luận ở cấp độ luận điểm được tác giả sử dụng là phương pháp tổng- phân- hợp ( giới thiệu chung về thói quen- nêu các biểu hiện – giải pháp) kết hợp phương pháp so sánh đối lập ( đưa ra các việc làm thể hiện thói quen xấu và thói quen tốt).
Để giải quyết sáng rõ những luận điểm phụ này tác giả đã đưa ra những luận cứ và sắp xếp chúng theo các phương pháp lập luận như sau:
Luận điểm phụ thứ nhất là các việc làm thể hiện thói quen tốt được triển khai bằng các luận cứ là những dẫn chứng cụ thể về các việc làm như dậy sớm, đúng hẹn, giữ lời hứa, đọc sách. Phương pháp lập luận ở đây là phương pháp suy luận tương đồng (nêu biểu hiện cụ thể của thói quen tốt).
Luận điểm phụ thứ hai là các việc làm thể hiện thói quen xấu được làm sáng tỏ bằng các luận cứ là sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng về các việc làm tạo thói xấu như hút thuốc lá, hay cáu giận, vứt rác bừa bãi ở các địa điểm cộng cộng. Phương pháp lập luận ở đây rất đa dạng, kết hợp phương pháp suy luận tương đồng (các việc làm cụ thể tạo thói quen xấu) và phương pháp suy luận nhân quả (hậu quả của các việc làm này là gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho người khác).
Luận điểm cuối là giải pháp tạo thói quen tốt được làm nổi bật bằng các luận cứ là lí lẽ nhận xét về việc hình thành thói quen của con người và đưa ra lời khuyên cho mỗi người. Phương pháp lập luận ở đây là phương pháp suy luận nhân quả ( quy luật hình thành thói quen dẫn đến kết luận về việc tạo thói quen tốt là do ý thức và trách nhiệm của mỗi người.).
Tất cả những điều trên đã tạo cho bài viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, gần gũi và có sức thuyết phục.
Giáo viên biên soạn: Cô Trần Thị Thùy Duyên
Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT LÊ THÁNH TÔNG