Table of Contents
1. Câu hỏi
Đọc lại văn bản “Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội” (Bài 18) và cho biết luận điểm, luận cứ và cách lập luận trong bài. Nhận xét về sức thuyết phục của bài văn ấy.
2. Hướng dẫn trả lời:
Văn bản “Cần tạo thói quen tốt trong đời sống xã hội” có luận điểm chính ở ngay đầu bài: Cần tạo thói quen tốt trong đời sống xã hội. Luận điểm chính được làm sáng tỏ bằng các luận điểm phụ là các việc làm thể hiện thói quen tốt và thói quen xấu trong đời sống, giải pháp tạo thói quen tốt.
Theo đó, phương pháp lập luận ở cấp độ luận điểm được tác giả sử dụng là phương pháp tổng- phân- hợp ( giới thiệu chung về thói quen- nêu các biểu hiện – giải pháp) kết hợp phương pháp so sánh đối lập ( đưa ra các việc làm thể hiện thói quen xấu và thói quen tốt).
Để giải quyết sáng rõ những luận điểm phụ này tác giả đã đưa ra những luận cứ và sắp xếp chúng theo các phương pháp lập luận như sau:
Luận điểm phụ thứ nhất: các việc làm thể hiện thói quen tốt được triển khai bằng các luận cứ là những dẫn chứng cụ thể về các việc làm như dậy sớm, đúng hẹn, giữ lời hứa, đọc sách.
-> Phương pháp lập luận ở đây là phương pháp suy luận tương đồng (nêu biểu hiện cụ thể của thói quen tốt).
Luận điểm phụ thứ hai: các việc làm thể hiện thói quen xấu được làm sáng tỏ bằng các luận cứ là sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng về các việc làm tạo thói xấu như hút thuốc lá, hay cáu giận, vứt rác bừa bãi ở các địa điểm cộng cộng.
-> Phương pháp lập luận ở đây rất đa dạng, kết hợp phương pháp suy luận tương đồng (các việc làm cụ thể tạo thói quen xấu) và phương pháp suy luận nhân quả (hậu quả của các việc làm này là gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho người khác).
Luận điểm cuối: giải pháp tạo thói quen tốt được làm nổi bật bằng các luận cứ là lí lẽ nhận xét về việc hình thành thói quen của con người và đưa ra lời khuyên cho mỗi người.
-> Phương pháp lập luận ở đây là phương pháp suy luận nhân quả ( quy luật hình thành thói quen dẫn đến kết luận về việc tạo thói quen tốt là do ý thức và trách nhiệm của mỗi người.).
Tất cả những điều trên đã tạo cho bài viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, gần gũi và có sức thuyết phục.
Giáo viên biên soạn: Cô Trần Thị Thùy Duyên
Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT LÊ THÁNH TÔNG