Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 12»Quần Xã Sinh Vật»Bài 40: Quần Xã Sinh Vật Và Một Số Đặc T...

Bài 40: Quần Xã Sinh Vật Và Một Số Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Xã

Lý thuyết bài Quần Xã Sinh Vật Và Một Số Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Xã môn Sinh 12 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Lý thuyết về quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã

1. KháI niệm quần xã sinh vật

Trong một cánh đồng, hồ nước hoặc sân trường, các em có thể thấy vô vàn mối tương tác giữa các loài sinh vật. Như trong hình 1, lá cà chua là thức ăn yêu thích của sâu; sâu là vật chủ của ong kí sinh; ong kí sinh đẻ trứng trong cơ thể sâu, ấu trùng ong ăn thịt sâu sau đó phát triển trong kén ngay trên lưng sâu. Trong tự nhiên, không có bất kì loài sinh vật nào sống biệt lập với các loài khác mà sống chung với nhau tạo thành một tổ chức sống gọi là quần xã sinh vật.

Quần xã sinh vật là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một khoảng không gian và thời gian xác định. Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất và tương đối ổn định.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-1
Hình 1: Mối quan hệ giữa cây cà chua, sâu và ong kính sinh

2. Một số đặc trưng cơ bản của quần xã

Mỗi quần xã sinh vật có đều có đặc trưng riêng, thể hiện thông qua thành phần loài và sự phân bố cá thể trong quần xã.

2.1 Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã

Thành phần loài được thể hiện thông qua độ đa dạng loài, loài ưu thế và lài đặc trưng.

 

Khái niệm

Ví dụ

Độ đa dạng

Là số lượng loài trong quần xã và số lượng cá thể trong mỗi loài.

Rừng ngập mặn Cần Giờ ở Tp.HCM có 318 loài thực vật bậc cao, 606 loài động vật, 132 loài phiêu sinh vật.

Cấu trúc quần xã

Loài ưu thế

Là loài đóng vai trò quan trọng do số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặ hoạt động mạnh.

Quần thể thực vật có hạt là loài ưu thế trong rừng nhiệt đới.

Loài đặc trưng

Là loài chỉ có ở một quần xã nào đó

Cá cóc Tam Đảo chỉ xuất hiện ở rừng nhiệt đới Tam Đảo.

Là loài có số lượng nhiều hơn hẳn các loài khác trong quần xã

Quần thể tràm trong rừng tràm ở U Minh.

 2.2 Sự phân bố cá thể trong quần xã

Các loài sinh vật trong quần xã có nhu cầu khác nhau về các điều kiện trong môi trường sống (ánh sáng, độ ẩm, thức ăn…). Chính vì vậy, mỗi loài đều có một khu vực phân bố nhất định trong không gian của quần xã. Ví dụ, trong quần xã rừng mưa nhiệt đới, các cây ưa sáng thường tập trung ở tầng tán rừng để hấp thụ được nhiều ánh sáng; các cây ưa bóng thường phân bố ở dưới tầng thấp hoặc dưới tán của các cây khác. Sự phân bố cá thể giúp tận dụng hiệu quả nguồn sống và giảm bớt sự cạnh tranh giữa các loài.

Trong quần xã thường gặp kiểu phân bố theo chiều thẳng đứng và phân bố theo chiều ngang.

  • Phân bố theo chiều thẳng đứng: sự phân bố của thực vật trong quần xã rừng mưa nhiệt đới. Các cây ưa sáng tập trung ở tầng tán và vượt tán, các cây chịu bóng phân bố ở tần dưới tán, các cây ưa bóng phân bố ở tầng dưới cùng (hình 2.a).
  • Phân bố theo chiều ngang: sự phân bố của sinh vật từ đỉnh núi, đến sườn núi và chân núi. Do thích nghi với điều kiện môi trường, thực vật nhiệt đới thường phân bố ở dưới chân núi, thực vật ôn đới, hàn đới thường phân bố ở sườn núi và đỉnh núi (hình 2.b).
bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-2.0

Hình 2: Sự phân bố cá thể trong quần xã sinh vật

(a) Sự phân tầng theo chiều thẳng đứng trong quần xã rừng mưa nhiệt đới

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-2.1

Hình 2: Sự phân bố cá thể trong quần xã sinh vật

(b) Sự phân tần theo chiều ngang từ vùng chân núi đến đỉnh núi

3. Mối quan hệ giữa các loài trong quần xã

3.1 Các mối quan hệ sinh tháI

Mối quan hệ

Đặc điểm

Ví dụ

Hỗ trợ

Cộng sinh

- Tất cả các loài tham gia đều có lợi.

- Mối quan hệ chặt chẽ.

Cộng sinh giữa vi khuẩn Rhizobium và cây họ đậu… (Hình 3.a)

Hợp tác

- Tất cả các loài tham gia đề có lợi.

- Không phải mối quan hệ chặt chẽ và nhất thiết phải có.

Hợp tác giữa chim và cá sấu… (Hình 3.b)

Hội sinh

- Một loài có lợi, loài còn lại không có lợi cũng không có hại

Cây phong lan sống bám trên thân cây gỗ… (Hình 3.c)

Đối kháng

Cạnh tranh

- Các loài tranh giành nhau nguồn sống (thức ăn, nơi ở…).

- Tất cả các loài tham gia đều bị ảnh hưởng bất lợi.

Canh tranh giành lãnh địa giữa các loài thú săn mồi… (Hình 4.a)

Kí sinh

- Một loài sống trên cơ thể loài khác và lấy chất dinh dưỡng từ loài đó.

Rệp sáp kí sinh trên cây trồng, giun kí sinh trong cơ thể người… (Hình 4.b)

Ức chế cảm nhiễm

- Một loài sinh vật trong quá trình sống đã vô tình gây hại cho loài khác.

Tảo giáp nở hoa gây độc cho cá, tôm, chim chóc…

(hình 4.c)

Sinh vật ăn sinh vật

- Một loài sử dụng loài khác làm thức ăn.

Bò ăn cỏ, hổ ăn hươi, cây nắp ấm bắt mồi… (Hình 4.d)

 

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-3.0

Hình 3: Các mối quan hệ hỗ trợ trong quần xã

(a) Cộng sinh giữa cây họ đậu và vi khuẩn Rhizobium trong nốt sần ở rễ (A).

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-3.1

Hình 3: Các mối quan hệ hỗ trợ trong quần xã

(b) Hợp tác giữa chim kiếm ăn trong miệng cá sấu.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-3.2

Hình 3: Các mối quan hệ hỗ trợ trong quần xã

(c) Hội sinh giữa phong lan và cây thân gỗ.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-4.0

Hình 4: Các mối quan hệ đối kháng trong quần xã

(a) Cạnh tranh thức ăn giữa sư tử và linh cẩu.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-4.1

Hình 4: Các mối quan hệ đối kháng trong quần xã

(b) Rệp sáp kí nh trên thân cây cà chua.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-4.2

Hình 4: Các mối quan hệ đối kháng trong quần xã

(c) Sự phát triển của tảo giáo tạo ra hiện tượng thủy triều đỏ,

gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho cá tôm trong vực nước.

bai-40-quan-xa-sinh-vat-va-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-quan-xa-hinh-4.3

Hình 4: Các mối quan hệ đối kháng trong quần xã

(d) Hổ săn hươu.

3.2 Hiện tượng khống chế sinh học

- Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể trong một loài bị khống chế ở một mức độ nhất định, không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do tác động của các mối quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các loài trong quần xã.

- Ứng dụng: sử dụng loài thiên địch để bảo vệ cây trồng thay cho thuốc trừ sâu. Vd: sử dụng ong kí sinh để tiêu diệt bọ dừa gây hại.

II. Bài tập luyện tập về quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã của hệ thống trường Nguyễn Khuyến - Lê Thánh Tông

Câu 1: Một quần thể khác 1 quần xã ở điểm chính nào sau đây?

  1. Quần thể gồm các sinh vật cùng loài ở 1 sinh cảnh còn quần xã gồm nhiều quần thể cùng loài ở nhiều sinh cảnh khác nhau.
  2. Quần thể gồm các sinh vật cùng loài ở 1 sinh cảnh còn quần xã gồm nhiều quần thể khác loài ở cùng 1 sinh cảnh đó.
  3. Quần thể gồm các sinh vật khác loài ở 1 sinh cảnh còn quần xã là quần thể kết hợp với sinh cảnh đó.
  4. Quần thể gồm các sinh vật khác loài ở 1 sinh cảnh còn quần xã gồm nhiều sinh vật cùng loài ở 1 sinh cảnh đó.

Câu 2: Độ đa dạng của quần xã được đánh giá thông qua những tiêu chí nào sau đây?

  1. Số lượng loài trong quần xã.
  2. Số lượng cá thể của loài ưu thế.
  3. Số lượng cá thể của mỗi loài.
  4. Số lượng cá thể của loài đặc trưng.
  1. I, II. 
  2. III, IV.
  3. II, III, IV.
  4. I, II, III, IV.

Câu 3: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về về loài ưu thế?

  1. Loài có số lượng cá thể lớn trong quần xã.
  2. Loài khống chế số lượng các quần thể khác.
  3. Loài chỉ có ở một quần xã nhất định.
  4. Loài có tần suất xuất hiện thấp trong quần xã.

Câu 4: Phát biểu nào sau đây sai khi nói về loài đặc trưng?

  1. Mỗi quần xã có một vài loài đặc trưng nhất định.
  2. Loài đặc trưng có thể là loài chỉ có ở một quần xã nhất định.
  3. Loài đặc trưng có thể là loài có số lượng cá thể nhiều hơn hẳn các loài khác.
  4. Loài đặc trưng luôn chiếm ưu thể tuyệt đối trong quần xã của nó.

Câu 5: Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu đúng?

  1. Thực vật có hạt thường là các loài ưu thế trong các quần xã rừng trên cạn.
  2. Tràm là loài đặc trưng trong rừng tràm ở U Minh.
  3. Cá cóc là loài ưu thế trong rừng nhiệt đới Tam Đảo.
  4. Cọ là loài đặc trưng trong quần xã đồi cọ ở Phú Thọ
  1. 1.
  2. 2.
  3. 3.
  4. 4.

Câu 6: Sự phân tầng trong quần xã giúp

  1. giảm cạnh tranh giữa các loài.
  2. cân bằng sinh học.
  3. giảm tỉ lệ sinh.
  4. giúp tăng khả năng sinh sản.

Câu 7: Sự phân tầng của các quần thể trong quần xã là do

  1. phân bố ngẫu nhiên.
  2. trong quần xã có nhiều quần thể.
  3. nhu cầu không đồng đều ở các quần thể.
  4. sự phân bố các quần thể trong không gian sống.

Câu 8: Hai loài sống dựa vào nhau, cùng có lợi nhưng không bắt buộc phải có nhau, là biểu hiện của mối quan hệ nào sau đây?

  1. Hợp tác.
  2. Cộng sinh.
  3. Hội sinh.
  4. Cạnh tranh.

Câu 9: Đặc điểm nào sau đây đúng khi nói về mối quan hệ hỗ trợ giữa các loài trong quần xã?

  1. Tất cả các loài trong quần xã đều bị hại.
  2. Không có loài nào có lợi.
  3. Các loài đều có lợi hoặc ít nhất không bị hại.
  4. Ít nhất có một loài bị hại.

Câu 10: Quan hệ chặt chẽ giữa 2 hay nhiều loài mà tất cả các loài tham gia đều có lợi là mối quan hệ

  1. cộng sinh.
  2. hãm sinh.
  3. kí sinh.
  4. hội sinh.

Câu 11: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về mối quan hệ ức chế – cảm nhiễm?

  1. Sự hỗ trợ giữa 2 loài.
  2. Sinh vật này vô tình kìm hãm sự phát triển của sinh vật khác.
  3. Quá trình ức chế tăng do sự thiếu chỗ ở, thức ăn.
  4. Quan hệ sống bám mà không giết chết vật chủ.

Câu 12: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về hiện tượng khống chế sinh học?

  1. Chỉ diễn ra giữa những loài có mối quan hệ đối địch.
  2. Chỉ diễn ra trong phạm vi quần thể.
  3. Giúp gia tăng số lượng cá thể của các quần thể bị kìm hãm.
  4. Giúp số lượng cá thể trong quần thể dao động trong thế cân bằng.

Câu 13: Quan hệ cạnh tranh trong quần xã sinh vật thường dẫn đến kết quả

  1. cách li và hình thành loài mới.
  2. cách li sinh sản.
  3. cách li dinh dưỡng.
  4. phân li ổ sinh thái.

Câu 14: Trong một cái ao, kiểu quan hệ có thể xảy ra giữa hai loài cá có cùng nhu cầu thức ăn là

  1. cạnh tranh.
  2. ký sinh.             
  3. vật ăn thịt – con mồi.
  4. ức chế cảm nhiễm.

Câu 15: Mối quan hệ giữa các sinh vật nào sau đây thuộc nhóm hỗ trợ?

  1. Cây tầm gửi sống trên thân các cây gỗ lớn.
  2. Hải quỳ sống trên mai cua.
  3. Dây tơ hồng sống trên tán các cây trong rừng.
  4. Phong lan sống trên thân cây gỗ.
  5. Trùng roi sống trong ruột mối.
  1. I, II, III.
  2. I, III, V. 
  3. II, IV, V.
  4. I, III, IV.

Câu 16: Trên đồng cỏ, các con bò đang ăn cỏ. Bò tiêu hóa được cỏ nhờ các vi sinh vật sống trong dạ cỏ. Các con chim sáo đang tìm ăn các con rận sống trên da bò. Khi nói về quan hệ giữa các sinh vật trên, phát biểu nào sau đây đúng?

  1. Quan hệ giữa bò và vi sinh vật là quan hệ cộng sinh.
  2. Quan hệ giữa rận và bò là quan hệ sinh vật này ăn sinh vật khác.
  3. Quan hệ giữa vi sinh vật và rận là quan hệ cạnh tranh.
  4. Quan hệ giữa chim sáo và rận là quan hệ hội sinh.

Câu 17: Trong các phát biểu sau về quần xã, có bao nhiêu phát biểu đúng?

  1. Quần xã là tập hợp gồm nhiều cá thể cùng loài, cùng sống trong một sinh cảnh.
  2. Môi trường càng thuận lợi thì độ đa dạng của quần xã càng cao.
  3. Loài ưu thế là loài chỉ có ở một quần xã nhất định nào đó.
  4. Sự phân tầng giúp sinh vật tận dụng tốt nguồn sống và giảm sự cạnh tranh giữa các loài.
  1. 1
  2. 2
  3. 3
  4. 4

Câu 18: Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu sai khi nói về thành phần loài trong quần xã?

  1. Một quần xã ổn định thường có số lượng loài lớn và số lượng cá thể mỗi loài lớn.
  2. Trong một sinh cảnh xác định, khi số lượng loài trong quần xã tăng lên thì số lượng cá thể ở mỗi loài tăng theo.
  3. Loài ưu thế là loài chỉ có ở một quần xã nào đó hoặc là loài có số lượng cá thể nhiều hơn hẳn loài các khác.
  4. Loài đặc trưng là loài có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, quyết định chiều hướng phát triển của quần xã.
  1. 2.
  2. 4.
  3. 3.
  4. 1.

Câu 19: Trong một quần xã rừng tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, các loài động vật ăn có cỡ lớn như bò rừng mỗi khi di chuyển thường đánh động và làm các loài côn trùng bay khỏi tổ. Lúc này, các loài chim như diệc bạc sẽ bắt các con trùng bay khỏi tổ làm thức ăn. Việc côn trùng bay khỏi tổ cũng như việc chim diệc bạc bắt côn trùng không ảnh hưởng gì đến đời sống bò rừng. Chim gõ bò có thể bắt ve bét trên da bò rừng làm thức ăn. Trong các nhận xét dưới đây, có bao nhận xét đúng khi nói về mối quan hệ của các loài sinh vật trên

  1. Quan hệ giữa ve bét và chim gõ bò là quan hệ sinh vật này ăn sinh vật khác.
  2. Quan hệ giữa chim gõ bò và bò rừng là mối quan hệ hợp tác.
  3. Quan hệ giữa bò rừng và các loài côn trùng là mối quan hệ ức chế - cảm nhiễm.
  4. Quan hệ giữa chim diệc bạc và côn trùng là mối quan hệ cạnh tranh.
  5. Quan hệ giữa bò rừng và chim diệc bạc là mối quan hệ hợp tác.
  6. Quan hệ ve bét và bò rừng là mối quan hệ kí sinh – vật chủ.
  1. 4.
  2. 5.
  3. 2.
  4. 3.

Câu 20: Trong một ao nuôi, để nuôi được nhiều loài cá cho năng suất cao, người ta cần chọn các loài cá nuôi như thế nào?

  1. Các loài cá sử dụng cùng một loại thức ăn để thuận tiện trong quá trình cho ăn.
  2. Các loài cá có xu hướng phân bố trong cùng một điều kiện sinh thái.
  3. Các loài cá có mối quan hệ vật dữ - con mồi để tạo sự cân bằng trong ao nuôi.
  4. Các loài cá có ổ sinh thái khác nhau để tận dụng được nguồn sống tự nhiên trong ao nuôi.
ĐÁP ÁN

Câu 1: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là B vì:

+ Quần thể là tập hợp các cá thể cùng loài sống trong cùng một khoảng không gian và thời gian.

+ Quần xã là tập hợp các quần thể khác loài sống trong cùng một sinh cảnh.

Câu 2: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A vì độ đa dạng của quần xã là số lượng loài và số lượng cá thể trong mỗi loài.

Câu 3: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A vì loài ưu thế là loài có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn và hoạt động mạnh.

+ B sai. Loài có vai trò khống chế số lượng các loài khác trong quần xã là loài chủ chốt.

+ C sai. Loài chỉ có ở một quần xã nhất định là loài đặc trưng.

+ D. Loài có tần suất xuất hiện thấp trong quần xã là loài ngẫu nhiên.

Câu 4: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là D

+ A, B, C đúng vì mỗi quần xã có 1 hoặc vài loài đặc trưng nhất định. Một loài được xem là đặc trưng do 1 trong 2 nguyên nhân: chúng chỉ có mặt ở duy nhất ở quần xã này hoặc chúng chiếm số lượng nhiều hơn hẳn các loài khác trong quần xã.

+ D sai vì trong trường hợp một loài được xem là đặc trưng do chúng chỉ có mặt ở duy nhất quần xã này thì loài đó có thể không phải là loài chiếm ưu thế tuyệt đối trong quần xã.

Câu 5: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là C gồm I, II, IV đúng.

+ I. Đúng vì trong quần xã trên cạn, các quần thể thực vật có hạt chiếm số lượng lớn và ảnh hưởng quan trọng đến các loài khác trong quần xã. Ví dụ: thực vật cung cấp thức ăn và nơi ở cho các loài động vật.

+ II. Đúng vì trong quần xã rừng tràm, số lượng cây tràm chiếm số lượng nhiều hơn hẳn các loài khác.

+ III. Sai vì loài cá cóc chỉ có mặt ở rừng nhiệt đới Tam Đảo nên cá cóc là loài đặc trưng.

+ IV. Đúng vì trong quần đồi cọ, số lượng cây cọ chiếm số lượng nhiều hơn hẳn các loài khác.

Câu 6: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A vì các loài có xu hướng phân bố ở nơi có điều kiện sống phù hợp giúp giảm sự cạnh tranh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường.

Câu 7: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là C vì mỗi loài có một ổ sinh thái khác nhau (nhu cầu khác nhau về các điều kiện sống) nên thường phân bố ở những khu vực có điều kiện sống phù hợp với nhu cầu của mình, tạo nên sự phân tầng trong quần xã.

Câu 8: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A

+ B sai vì cộng sinh là mối quan hệ mang lại lợi ích cho các loài tham gia và là mối quan hệ chặt chẽ, bắt buộc phải có.

+ C sai vì hội sinh là mối quan hệ chỉ có một loài tham gia có lợi; loài còn lại không có lợi, cũng không có hại.

+ D sai vì cạnh tranh là mối quan hệ gây hại cho các loài tham gia.

Câu 9: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là C vì mối quan hệ hỗ trợ trong quần xã bao gồm cộng sinh, hợp tác và hội sinh. Trong các mối quan hệ này, các loài tham gia đều có lợi (+) hoặc không có lợi cũng không có hại (0).

Câu 10: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A.

+ B sai vì hãm sinh (ức chế cảm nhiễm là mối quan hệ mà một loài sinh vật vô tình gây hại cho loài khác (-), còn bản thân loài đó không có lợi (0).

+ C sai vì kí sinh là mối quan hệ  trong đó một loài sinh vật có lợi (+) do sống trên cơ thể sinh vật vật chủ (-) và sử dụng chất dinh dưỡng từ vật chủ.

+ D sai hội sinh là mối quan hệ chỉ có một loài tham gia có lợi (+); loài còn lại không có lợi, cũng không có hại (0).

Câu 11: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là B vì ức chế cảm nhiễm thuộc nhóm quan hệ đối kháng giữa các loài trong quần xã. Trong đó loài này vô sinh tiết ra chất kiềm hãm sự phát triển của loài khác.

Câu 12: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là D vì hiện tượng khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể trong quần thể của một loài được duy khống chế ở một mức độ nhất định (không tăng quá cao, không giảm quá thấp) do mối quan hệ hỗ trợ hoặc cạnh tranh trong quần xã.

Câu 13: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là D vì khi các loài có cùng ổ sinh thái sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt để giành nguồn sống → xu hướng phân li ổ sinh thái để là giảm bớt sự cạnh tranh.

Câu 14: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A vì mối quan hệ cạnh tranh là mối quan hệ giữa hai loài có cùng nhu cầu về nguồn sống trong môi trường, chúng sẽ cạnh tranh nhau gay gắt để giành nguồn sống trong môi trường.

Câu 15: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là C vì:

+ I sai vì là mối quan hệ kí sinh, thuộc nhóm quan hệ đối kháng.

+ II đúng vì là mối quan hệ cộng sinh, thuộc nhóm quan hệ hỗ trợ.

+ III sai vì là mối quan hệ kí sinh, thuộc nhóm quan hệ đối kháng.

+ IV đúng vì là mối quan hệ hội sinh, thuộc nhóm quan hệ hỗ trợ.

+ V đúng vì là mối quan hệ cộng sinh, thuộc nhóm quan hệ hỗ trợ.

Câu 16: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A vì mối quan hệ giữa bò và vi khuẩn là mối quan hệ chặt chẽ, hai bên cùng có lợi và có vai trò quan trọng với sự sinh trưởng và phát triển của cả 2 loài.

+ B sai vì là mối quan hệ kí sinh.

+ C sai vì vi sinh vật và rận không mối quan hệ tương tác với nhau. Vi sinh vật sống trong dạ cỏ, lấy chất dinh dưỡng từ quá trình lên men xenlulozơ có trong cỏ. Rận sống trên da bò, lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể bỏ. Hai loài này không gặp nhau và không dùng chung nguồn chất dinh dưỡng nên không có mối quan hệ tương tác với nhau.

+ D sai vì là mối quan hệ vật ăn thịt, con mồi.

Câu 17: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là B.

+ I sai vì quần xã là tập hợp các quần thể khác loài.

+ II đúng vì mộ trường thuận lợi, nguồn sống dồi dào → số lượng loài trong quần xã tăng → độ đa dạng cao.

+ III sai vì loài ưu thế là loài có vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng nhiều, sinh khối lớn, hoạt động mạnh.

+ IV đúng vì mỗi loài có xu hướng phân bố ở khu vực có điều kiện sống phù hợp với nhu cầu của mình → giúp tận dụng tốt nguồn sống và giảm sự cạnh tranh giữa các loài.

Câu 18: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là D.

+ I đúng vì số lượng loài nhiều hình thành mối quan hệ khống chế giữa các loài → làm cho quần xã ổn định.

+ II sai vì khi số lượng loài tăng → mối quan hệ cạnh tranh trở nên gay gắt → số lượng cá thể trong mỗi loài giảm xuống để cân bằng với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.

+ III sai vì loài ưu thế là loài có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, quyết định chiều hướng phát triển của quần xã.

+ IV sai vì loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã nào đó hoặc là loài có số lượng cá thể nhiều hơn hẳn loài các khác.

Câu 19: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là A

+ I đúng.

+ II đúng vì chim gõ bò ăn ve bét trên da bò giúp bò loại bỏ vật kí sinh trên cơ thể.

+ III đúng vì trong quá trình sống bò vô tình gây hại cho côn trùng do đã đánh động các chúng bay ra khỏi chỗ ẩn nấp nên bị diệc bạc bắt.

+ IV sai vì là mối quan hệ vật ăn thịt, con mồi.

+ V đúng.

Câu 20: Hướng dẫn giải:

- Phương án đúng là D vì để thu được năng suất cao cần chọn các nuôi chung loài cá có các ổ sinh thái khác nhau (sống ở các tầng nước khác nhau, ăn các loại thức ăn khác nhau…). Chúng có thể sống chung mà ít cạnh tranh với nhau, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn sống trong ao.


GIÁO VIÊN BIÊN SOẠN: NGUYỄN QUANG VŨ

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG TH – THCS – THPT LÊ THÁNH TÔNG

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 41: Diễn Thế Sinh Thái