Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 8»1»Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của n...

Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của nói giảm nói tránh?

Nói giảm nói tránh - biện pháp tu từ góp phần giúp lời nói trở nên tế nhị, lịch sự hơn. Cùng tìm hiểu định nghĩa nói giảm nói tránh là gì và cách vận dụng trong ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói hằng ngày.

Xem thêm

Nói giảm, nói tránh là hai khái niệm trong ngôn ngữ và giao tiếp. Giúp chúng ta diễn đạt khéo léo để tránh những thông tin nhạy cảm, không thoải mái hoặc không muốn tiết lộ, hoặc để giảm thiểu xung đột trong giao tiếp. Vậy cần vận dụng như thế nào cho đúng? Chúng ta cùng tìm hiểu nói giảm nói tránh là gì, tác dụng của nói giảm nói tránh để vận dụng trong giao tiếp được hiệu quả hơn: 


1. Nói giảm nói tránh là gì?

Ví dụ 1:

"Bác đã đi rồi sao Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời."

(Tố Hữu, Bác ơi!)

"Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

(Quang Dũng, Tây Tiến)

Các từ “đi”, “về đất” đều có nghĩa là chết. Nhưng người viết tránh sử dụng từ “chết” nhằm giảm đi sự đau buồn, ghê sợ giảm đi không khí nặng nề.

Cách dùng này được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hằng ngày, trong văn chương. Thay vì dùng từ “chết”, người Việt chúng ta thường sử dụng các từ như: “qua đời”, “ra đi”, “về với đất mẹ”,... 

Ví dụ 2:

"Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng."

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

Từ “bầu sữa” được dùng để thay thế cho một từ vốn chỉ một bộ phận cơ thể của người người phụ nữ, giữ chức năng sản sinh ra sữa nuôi con.

Ví dụ 3:

"Đây là lớp học cho trẻ em khiếm thị."

Từ “khiếm thị” với nghĩa để chỉ triệu chứng mất khả năng cảm nhận thị giác của cơ thể sống được dùng thay thế cho cách nói “đui”, “mù”. Với cách sử dụng này, các câu văn vừa trở nên giàu hình ảnh vừa không gây cảm giác thô tục.

Ví dụ 4:

Bác đã có tuổi rồi, nên chú ý giữ gìn sức khỏe.

Ồn ào quá, mọi người vui lòng im lặng.

Cách dùng từ “có tuổi” thay cho “già”, từ “im lặng” thay cho “ngậm miệng” như trên đây thể hiện được thái độ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng người khác.

Kết luận:

Nói giảm nói tránh hay còn gọi là uyển ngữ là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

voh.com.vn-noi-giam-noi-tranh-0
Cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển

2. Cách vận dụng nói giảm nói tránh trong giao tiếp

Ngoài việc được dùng trong sáng tác văn chương, nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày.

voh.com.vn-noi-giam-noi-tranh-1
Sử dụng nói giảm, nói tránh linh hoạt

Để phát huy tối đa tác dụng của phép tu từ này, người dùng cần có một số lưu ý như sau:

Trong giao tiếp, khi chê trách một điều gì, để người nghe dễ tiếp nhận, chúng ta có thể dùng cách phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Nghĩa là thay vì nói “bạn hát dở” thì chúng ta nên dùng “bạn hát chưa được hay”. Thay vì nói chê ai “mập, béo” thì chúng ta hãy nói “không được thon gọn”. Như vậy, với cách nói khéo léo này, chúng ta vừa nói sự thật vừa không sợ mất lòng người đối diện.  

Tuy nhiên, việc sử dụng nói giảm nói tránh còn cần phụ thuộc vào từng tình huống giao tiếp. Có những trường hợp buộc phải nói đúng mức độ sự thật hoặc cần thiết phải nói thẳng như phiên tòa phán xử chẳng hạn thì chúng ta không nên sử dụng biện pháp này.

Hy vọng thông qua tìm hiểu biện pháp nói giảm nói tránh về định nghĩa nói giảm nói tránh là gì, tác dụng của nói giảm nói tránh trong bài viết này, các em học sinh sẽ chú tâm hơn và cân nhắc lựa chọn ngôn từ thật phù hợp với các bối cảnh giao tiếp của đời sống.

Tác giả: VOH

Bài 27: Soạn bài Nói quá
Bài 31: Soạn Bài Nói Giảm Nói Tránh