1,5 triệu giếng nước của người dân ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn

(VOH) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay không chỉ là El Nino mà còn là biểu hiện của biến đổi khí hậu và sẽ diễn biến nặng nề hơn. Đặc biệt, 1,5 triệu giếng nước của người dân ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn.

Người dân khoan giếng tìm nước ngọt nhưng chỉ toàn nước mặn (Ảnh: Vietnamnet)

Theo lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng là Trà Vinh và Sóc Trăng, các cơ quan chức năng không chỉ thực hiện ứng phó trước mắt, mà cần thực hiện ngay những biện pháp trung hạn và dài hạn như: hướng dẫn nhân dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển sang chăn nuôi hoặc các nghề phi nông nghiệp; xây dựng công trình...

Người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt

Tại Trà Vinh, do năm ngoái nước mặn xâm nhập sâu đất liền nên gây khốn đốn cho đời sống của người dân, năm nay ngay trước khi bước vào mùa mưa, tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng, chủ động hình thành các cống, đập ngăn mặn trữ ngọt; hình thành đê bao có cống bọng để điều tiết nước ở các vùng chuyên canh lớn nhưng người dân vẫn gặp không ít khó khăn.

Hầu hết các địa phương đã bị thiếu nước cho sản xuất lẫn sinh hoạt. Mặc dù được các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật đo độ mặn thường xuyên trên các con sông để điều chỉnh lịch gieo cấy, lịch lấy nước, trữ nước nhưng vẫn bị thiệt hại.

Hiện nay, khi thủy triều cao độ mặn tăng, các nông hộ được cảnh báo đóng cống ngăn lại, khi độ mặn giảm ở mức cho phép an toàn, mở cống để lấy nước ngọt hoặc bơm tưới. Nếu tính bình quân năng suất 5 tấn/hécta, tức có 800.000 tấn lúa bị mất. Mỗi gia đình có 0,5 hécta thì sẽ có gần 300 ngàn hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, tức khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa.

Bà Hồ Thị Màu ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh lo lắng: “Hồi năm rồi mặn ít nhưng năm nay mặn dữ lắm. Rau màu chết, không còn gì hết trơn”.

Với nước sinh hoạt thì hầu như nhiều nơi bà con cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều ao hồ cạn kiệt, nước giếng khoan cũng dần khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Tắm rửa nó ngứa ngáy dữ lắm vì nước quá mặn. Rồi chất bùn lên, rất hôi”

“Nước mặn bơm lên có khi còn không có, đồ chất đống lên không giặt được. Còn nếu có nước thì mặn, tắm rửa ngứa ngáy” – chị Trần Thị Tuyết Mai, một người dân Trà Vinh than thở.

Tại tỉnh Sóc Trăng, do mặn xâm nhập dẫn đến thiếu nước ngọt tưới tiêu làm diện tích lúa của nhiều nông dân bị thiệt hại hoàn toàn. Nhiều hộ dân bị mất vốn đầu tư cho vụ này lên đến hàng chục triệu đồng và không biết lấy gì để trả nợ, trang trải cuộc sống và vốn đầu tư sản xuất cho vụ sau.

 Hàng nghìn hécta lúa bị thiệt hại

Thống kê của tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và mặn xâm nhập đã ảnh hưởng và thiệt hại khoảng 20 nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp. Đã có gần 20 nghìn hécta lúa bị ảnh hưởng nặng, trong đó, có khoảng 8 nghìn hécta diện tích lúa  thiệt hại ở mức từ 30% trở lên đến mất trắng hoàn toàn.

Không chỉ cây lúa, hiện vùng trồng mía nguyên liệu huyện Cù Lao Dung gần như toàn bộ diện tích hơn 6.500 hécta đã bị mặn bao vây. Có  700 hécta diện tích mía bị thiệt hại từ 50% trở lên và hơn 1.200 hécta bị thiệt hại từ 30 – 50%. Ngoài ra, nhiều vườn cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản của các huyện trong tỉnh cũng đang bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Ông Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết: “Toàn vùng ĐBSCL hiện có 1,5 triệu giếng nước của người dân. Nước mặn mà xâm nhập sâu gây nguy cơ nhiễm mặn nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà khoa học, các ban ngành nghiên cứu và lựa chọn mô hình ứng phó phù hợp”.

Có thể nói, ĐBSCL đang gặp khó khăn về nguồn nước cả sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiều nhiều nơi không có chỗ làm hồ chứa nên sẽ phải làm cống ở các cửa sông để biến kênh rạch thành hồ chứa nước ngọt. Không chỉ ven biển mà ngay trong nội đồng cũng phải làm để chủ động sản xuất, xây dựng hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới.