20 năm theo dấu cựu tù Côn Đảo

(VOH) - Bước vào ngôi nhà nhỏ của ông Bùi Văn Toản trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, hẳn ai cũng ngạc nhiên khi thấy hàng chồng sách được đóng gói gọn trong thùng giấy. Với người đàn ông gần 70 tuổi này, đây là tài sản quý giá nhất mà ông dành tặng những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Tâm nguyện từ “địa ngục trần gian”

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng tại tỉnh Bình Thuận, ông Toản nói đùa: “Chắc là tôi tham gia cách mạng từ khi còn trong bụng mẹ !”. Khi trung học, cậu bé Bùi Văn Toản đã biết giúp cha vận chuyển thuốc men cho bộ đội. Lúc đó cũng chẳng nghĩ là mình đang làm một việc hết sức nguy hiểm. Tình cảm tự nhiên đó lớn dần trong ông, thôi thúc ông đấu tranh ngày một quyết liệt hơn.

Năm 1968, ông vào Sài Gòn tham gia Đoàn thanh niên phục vụ đợt 2 cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Cuối tháng 8 cùng năm, ông bị địch phát hiện và bắt giam. Sau 1 năm chuyển hết từ nhà tù này sang trại giam khác, ông bị đưa lên tàu ra thẳng Côn Đảo. Kể từ đó, người thanh niên Bùi Văn Toản cùng hàng trăm đồng chí, đồng đội bắt đầu chuỗi ngày đọa đày nơi “địa ngục trần gian”.

Ông Toản bị ghép vào thành phần được bọn cai ngục “đặc biệt quan tâm”. Chuồng Cọp, trại 6B – những cái tên gợi lên bao ký ức vừa khủng khiếp vừa hào hùng của cựu tù Côn Đảo – cũng là nơi ghi dấu quá trình trưởng thành của ông Toản. Chính nơi ngục tối này, ông chứng kiến đồng chí thân yêu mới hôm qua còn nằm cạnh bên tâm sự, hôm sau đã trút hơi thở cuối cùng vì đòn roi nhục hình. Lúc đó, ông tự nhủ lòng, nếu may mắn thoát khỏi đây, mãi mãi sẽ không quên những con người đã nằm lại. ​Từ lời tự hứa đó, cùng tâm nguyện cuối đời mà bao người anh, người chú là cựu tù Côn Đảo trao gửi, năm 1995, ông Bùi Văn Toản bắt đầu thu thập tài liệu, danh sách hơn 5.000 tù binh Côn Đảo trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.

Các chiến sĩ tù Côn Đảo chiến thắng trở về trong ngày giải phóng - Ảnh: Tuyengiao.

Danh sách những anh hùng

Không có nghiệp vụ gì về văn thư, lưu trữ, chỉ có chút ít vốn tiếng Anh, tiếng Pháp và “nặng lòng” với quá khứ, người cựu tù già này cứ hết năm này sang tháng nọ “ngụp lặn” giữa hàng chồng hồ sơ trong Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Có những tù nhân không được ghi lại tên tuổi, không có ảnh chụp, chỉ được đánh số trong những bản ghi chép, nhưng ông không nản lòng, không bỏ qua một bất cứ chi tiết nào. Có tiền thì ông sao chụp lại, không tiền thì ông viết tay để đối chiếu. Cứ thế, ròng rã 20 năm qua, ông tập hợp được danh sách hàng ngàn tù binh từng bị giam giữ tại Côn Đảo từ 1930 –1975. Chưa dừng lại ở đó, ông còn trăn trở với thực tế thân nhân nhiều cựu tù Côn Đảo chưa biết được ngày mất của người thân, phải chọn ngày 27/7 hoặc ngày mất của cha, ông để làm giỗ chung. Điều đó đã thôi thúc ông Toản chủ động liên hệ với báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng để đăng một dòng tin nhỏ: “Cung cấp miễn phí thông tin về ngày mất, địa điểm bia mộ của các tù nhân Côn Đảo. Liên hệ Bùi Văn Toản”. Ngay khi thông tin được đăng lên, ngôi nhà nhỏ của ông tấp nập người đến hỏi thăm.

Ông kể, có hôm tờ mờ 5 giờ sáng, một cụ bà lặn lội từ miền Tây lên, tay xách chiếc túi mây ngồi đợi ông ngoài cổng để xin gặp. Nước mắt lăn dài, bà muốn tìm thông tin về anh trai đã mất trong ngục Côn Đảo. Không phụ lòng bà cụ, ông Toản cất công lục tìm hồ sơ, nhờ đó mà người anh trai của bà đã tìm được đầy đủ thông tin, ngày mất và được công nhận liệt sĩ. Những trường hợp như thế có rất nhiều và đó cũng là niềm động viên, thôi thúc ông tiếp tục công việc quá đỗi khó khăn và kéo dài này. "Tìm được một người, công nhận một người là liệt sĩ, đó là phần thưởng quý giá nhất. Hết chỗ này điện tới, chỗ kia điện xuống dự đám giỗ, vì họ tìm được ngày mất nên mời mình.” Ông Toản bộc bạch. 

Với mong muốn phổ biến bản danh sách đến nhiều địa phương, ông cùng những người bạn cũng là cựu tù Côn Đảo, rong ruổi khắp 63 tỉnh - thành để tặng sách. Những cuốn sách dày cả ngàn trang, chứa tin tức về mấy ngàn người tù Côn Đảo đương nhiên không thể mang ra nhà sách bày bán, chẳng thể có doanh thu. Hội cựu tù phải vận động kinh phí in ấn, rồi lại góp kinh phí đi tặng. Đơn vị này cho giấy, đơn vị kia cho công in, bản quyền tác giả thì không tính, ông Toản cùng bạn bè thân thiết lặng lẽ gom góp lộ phí... đi đến từng tỉnh, vào từng Tỉnh ủy, Ủy ban trao tặng với mong muốn duy nhất: thân nhân những cựu tù trong tỉnh có dịp được mở sách tìm được tên người nhà và những người chưa có chế độ chính sách sẽ được Nhà nước lo đầy đủ.

Ông Bùi Văn Toản (thứ ba từ phải sang) cùng các đồng đội viếng mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) - Ảnh: Quỳnh Anh.

Ai sẽ viết tiếp ? 

Lần giở từng trang sách, chỉ cần đọc những dòng chữ như: “phản nghịch, vận động lật đổ chính quyền, âm mưu chống lại sự ổn định quốc gia, tù biệt xứ, chung thân khổ sai, cấm cố trong hầm,…” đủ khiến tim người đọc đập mạnh. Bức tranh về thời kỳ đấu tranh hào hùng với những con người cụ thể, những mất mát, hy sinh cụ thể như hiển hiện trước mắt. Nhìn lại hàng chồng sách chất cao chuẩn bị tiếp tục được trao tặng, ông Bùi Văn Toản cho biết, đã in 3 tập sách Tù nhân Côn Đảo 1940-1945. Bộ sách giúp các địa phương có thêm cơ sở xét công nhận diện lão thành cách mạng cho những người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Đó là điều mà chúng tôi nghĩ rằng cuối đời đã góp một phần cho những tù binh Côn Đảo, vừa là nghĩa tình, đạo lý của dân tộc, vừa mang tình đồng đội.

Ông Trịnh Văn Lâu – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ, nay là Trưởng Ban liên lạc trại 1-6B Côn Đảo là người đã động viên ông Bùi Văn Toản in sách về cựu tù Côn Đảo và từng rong ruổi khắp các tỉnh - thành để tặng sách cùng ông Toản – bày tỏ: "Nhiều người viết về Côn Đảo, mỗi người viết một khía cạnh, riêng những cuốn sách của Toản thì tôi thấy đây thật sự là một công trình khoa học. Nó có đầy đủ tư liệu lịch sử chứ không phải ghi nhớ mà viết lại, nói gì cũng có căn cứ. Giá trị của những cuốn sách này là tái hiện lại sự thật lịch sử, trả lại sự thật cho lịch sử 113 năm của Côn Đảo".

Những năm gần đây, căn bệnh ung thư gan đã khiến sức khỏe ông Toản suy yếu nhiều. Ấy vậy, ông chưa có ý định ngưng nghỉ trong cuộc hành trình theo dấu cựu tù Côn Đảo. Còn bao dự định phía trước như việc tái bản bộ sách: “Tù nhân Côn Đảo 1940-1945”, “Nhà tù Côn Đảo – danh sách hy sinh và từ trần 1930-1975” hay xuất bản cuốn “Tù nhân Côn Đảo gốc miền Bắc 1862-1945”,… Điều làm người Anh hùng Lao động này trăn trở nhất là ai sẽ tiếp nối công trình tâm huyết của mình. Con người ta hối hả lao về phía trước, liệu còn ai ngoảnh lại phía sau để lần theo dấu quá khứ, để làm một công việc có lẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc, đó là thống kê lại trọn vẹn danh sách những con người đã đến và nằm lại nơi hòn đảo xa xôi ấy..