Bác sĩ gia đình gần hơn với mọi nhà

(VOH) - Hướng về cơ sở, thực hiện chủ trương của ngành y tế là gần dân, y tế đến dân, bác sĩ gia đình là mô hình mà các nước tiên tiến đã thử nghiệm từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX.

Đến nay, có khoảng 100 quốc gia thành viên của Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu. Đề án “ Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Trải qua những bỡ ngỡ ban đầu, chưa quen với mô hình khám bệnh kiểu thiên về y học gia đình, thì cho đến nay, người dân đã bắt đầu “mến” bác sĩ gia đình và quen với sự có mặt của người bác sĩ chuyên ngành y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: baotintuc.vn)

Tạo dựng uy tín

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, các cô chú hưu trí đang sống tại phường 10 – quận 10 bắt đầu quen thuộc với sự có mặt không thể thiếu của nữ bác sĩ y học gia đình Lâm Thị Ngọc Bích. Bác Đỗ Thị Nhiều  - 70 tuổi kể, bản thân bị huyết áp cao, loãng xương, nhức đầu bệnh tuổi già ngày càng dồn dập, nếu không tới trạm y tế khám bác sĩ gia đình thì e rằng rất vất vả khi phải lên tuyến trên ngồi chờ khám. Tuổi già mà ngồi chờ khám khi bệnh viện tuyến trên quá tải thì lại càng mệt hơn. Mà bệnh của bác Nhiều không phải một ngày một bữa, cho nên, khi có bác sĩ gia đình khám tại trạm y tế thì rất phấn khởi: "Ra trạm khám rất nhanh. Mấy bác sĩ ở đây tận tình, thuốc men đầy đủ cho tôi. Tôi không có thời gian, không có người chở lên bệnh viện ngồi chờ nên tôi thích ra đây khám rồi lấy thuốc về tiện hơn. Tôi hỏi kỹ hơn, cần gì thì hỏi".

Ông Nguyễn Vũ Minh – nhà ở đường Sư Vạn Hạnh – Quận 10 nhận xét, đi khám ở trạm y tế được bác sĩ gia đình khám rất có lợi cho người hưu trí hay người mắc bệnh mãn tính. Được cái gần nhà nên bất kể khi sức khỏe mình gặp vấn đề gì là ra trạm ngay, có bác sĩ theo dõi bệnh tình ngay từ những ngày đầu. "Khám ở trạm thời gian tiếp xúc bác sĩ nhiều hơn. Mình có thể nêu những thắc mắc về bệnh của mình, nên cũng thuận lợi hơn. Thời gian chờ đợi cũng không lâu mà nhà lại gần hơn đi lên bệnh viện", ông Minh kể.

Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Bảy, nhà ở quận Tân Phú thì có khác hơn một chút, trong một lần tình cờ lên bệnh viện Quận để khám, thấy bảng đăng kí bác sĩ gia đình, cũng một phần vì tò mò, đăng kí khám thử nhưng không ngờ, từ lần đó đã “bén duyên” luôn với bác sĩ gia đình. Cái hài lòng nhất đối với cô Bảy là thái độ, cách nói chuyện và chịu khó lắng nghe của bác sĩ gia đình: "Tôi khám bác sĩ vui vẻ lắm, khám bác sĩ gia đình, được tư vấn rất kỹ càng về bệnh của mình".

Hiện nay, bệnh nhân rất ngao ngán khi đến bệnh viện tuyến cuối điều trị vì quá tải, người bệnh phải chật vật chen chúc nhau để được gặp bác sĩ, đến khi được bác sĩ khám thì thời gian khám quá nhanh. Có những bệnh nhân tâm sự với chúng tôi, khi trở ra ngoài từ phòng khám họ vẫn chưa hiểu vị bác sĩ hồi nãy nói gì về bệnh của mình, còn bao nhiêu câu hỏi muốn nói với bác sĩ mà không dám, phần vì rất đông bệnh nhân, một phần cũng e dè vì thấy bác sĩ quá căng thẳng. Nhiều nỗi niềm được sẻ chia từ phòng khám mà hầu hết ai cũng có nguyện vọng muốn được nói chuyện với bác sĩ nhiều hơn. Tâm lí này được giải tỏa khi khám bác sĩ gia đình. "Năm trước, bệnh viện quận 10 có làm đề tài nghiên cứu, khảo sát. Nói chung là khi bệnh nhân tới mình, bệnh nhân hài lòng ở chỗ thời gian khám và nói chuyện được nhiều, tư vấn kỹ càng hơn, danh mục thuốc cũng phong phú và nhiều hơn vì mình là phòng khám vệ tinh của quận",  bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích – bác sĩ gia đình của Quận 10, nhìn nhận.

Hiệu quả điều trị như bác sĩ chuyên khoa

Với những bệnh thông thường, bệnh mãn tính nếu nói về hiệu quả điều trị thì bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa hoàn toàn giống nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng Bộ môn Y học gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ gia đình là người sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện, lâu dài và xuyên suốt cho bệnh nhân và cái hơn của bác sĩ gia đình là ở chỗ qua đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân thì người bệnh rất hài lòng, bởi lẽ bác sĩ gia đình có thời gian khám lâu, người bệnh được hướng dẫn cụ thể về bệnh tình của họ, cách chăm sóc. Thậm chí họ hết bệnh thì bác sĩ gia đình sẽ tầm soát nguy cơ, tiên lượng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Với những gì mà bác sĩ Hiệp chia sẻ, khác với bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững gắn với dân, gần dân nhất. Nhiều người vẫn cứ lầm tưởng, bác sĩ gia đình là bác sĩ khám theo kiểu thời thượng, alo là có mặt, khám theo dịch vụ đến khám tận nhà, khám xong rồi đi. Cách hiểu như vậy là không toàn diện, vì bác sĩ gia đình không những là bác sĩ chuyên tâm lo cho sức khỏe của từng người bệnh trong gia đình, mà họ còn xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh cộng đồng và lối sống người đó trong cộng đồng.

Hiện nay, TPHCM đã có 20/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình do bác sĩ được đào tạo về chuyên môn y học gia đình phụ trách. Y tế cơ sở đã có 136/319 trạm y tế phường, xã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình. Riêng y tế tư, hiện phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công đang có triển khai mô hình bác sĩ gia đình…

"Nhìn chung, hệ thống tham gia bác sĩ gia đình rất tâm huyết. Và điều đó phù hợp với nhu cầu, với thực tiễn của nhân dân, chủ trương đường lối của Đảng hệ thống y tế cơ sở là cái xương sống, chăm sóc sức khỏe gần dân nhất, liên tục, toàn diện và đáp ứng việc nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa phòng bệnh, vừa chữa bệnh cho người dân. Người dân đang rất trông chờ mô hình này, nhất là ở thành thị", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra nhận xét sau 2 năm thử nghiệm đề án Bác sĩ gia đình trên phạm vi cả nước.

Cho đến nay, đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình thành lập tại các tỉnh, thành như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang. Theo ghi nhận, người dân bắt đầu tin tưởng và có khái niệm đến khám bác sĩ gia đình. Đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần dân, hiểu và quản lý mô hình bệnh tật cho cả gia đình, làm cầu nối giữa tuyến dưới và tuyến trên khi người bệnh cần được chuyển viện là những nổi bật mà trong tương lai không xa, với sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ y tế, sự ủng hộ của người dân thì mô hình bác sĩ gia đình sẽ còn vươn xa hơn nữa…