Bài 2: Vai trò của tình nguyện viên các tôn giáo trong tâm dịch

(VOH) - Từ đợt xuất quân đầu tiên vào ngày 22/7 đến nay, sau 7 lần xuất quân đã có hơn 600 tình nguyện viên tôn giáo xung phong tham gia phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm tình nguyện viên là các tu sỹ đã tình nguyện lên tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.

Các chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo, Công giáo xung phong tham gia thiện nguyện đã trải qua khóa tập huấn về kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, bảo hộ an toàn và những kiến thức căn bản khi tham gia cùng ngành y tế chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm Sars Cov-2 nặng.

Từ đợt xuất quân đầu tiên vào ngày 22/7 đến nay, sau 7 lần xuất quân đã có hơn 600 tình nguyện viên tôn giáo xung phong tham gia phục vụ tại Bệnh viện hồi sức chuyên sâu Covid-19, Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10, 12, 16, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương và Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, nhằm chung sức, đồng lòng đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh tại TPHCM.

Tiếp theo loạt bài: “Tình nguyện viên tôn giáo – thắp lên niềm tin nơi tuyến đầu chống dịch”, VOH có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - bà Phan Kiều Thanh Hương về nội dung này.

Bài 2: Vai trò của tình nguyện viên các tôn giáo trong tâm dịch 1
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thăm hỏi các tình nguyện viên tôn giáo sau khi hoàn  thành đợt công tác.

*VOH: Thưa bà, việc vận động các tình nguyện viên tôn giáo tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 trong khi lực lượng y tế đang quá tải hiện nay có ý nghĩa như thế nào?

Bà Phan Kiều Thanh Hương: Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 cần rất nhiều lực lượng, ngoài lực lượng chuyên môn thì việc tham gia của các tình nguyện viên là một yếu tố quan trọng. Ngoài sự tâm huyết, cống hiến của các tình nguyện viên trong đó có sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Bệnh nhân Covid-19 thì không có người thân bên cạnh. Trong công tác điều trị thì những tình nguyện viên hỗ trợ làm những việc không tên như là: chăm sóc bệnh nhân. Những bệnh nhân nặng họ không thể vệ sinh thân thể thì các tình nguyện viên cũng làm những công việc đó. Với những bệnh nhân còn mệt thì tình nguyện viên đút sữa, cơm để bệnh nhân có đủ sức khỏe hồi phục. Ngoài ra, tình nguyện viên còn làm vệ sinh môi trường xung quanh cho sạch sẽ. Phải nói là trong gai đoạn hiện nay sự hỗ trợ của tình nguyện viên tôn giáo thể hiện được tinh thần thiện nguyện, dấn thân, sẵn sàng chia sẻ tình yêu thương của mình góp sức giúp bệnh nhân trong quá trình điều trị.

*VOH: Đã có gần 600 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Vậy trong đó các tình nguyện viên là nữ chiếm số lượng khoảng bao nhiêu? Và trong thời gian tới sẽ có thêm các đợt vận động các tình nguyện viên tôn giáo tiếp tục tham gia nữa không thưa bà?

Bà Phan Kiều Thanh Hương: Qua 7 đợt tình nguyện viên tôn giáo tham gia trong công tác chăm sóc, động viên tinh thần bệnh nhân đồng hành cùng ngành y tế điều trị bệnh nhân Covid-19. Đó là liều thuốc tinh thần, động viên, chia sẻ và đút cơm, vận động về tâm lý cho các bệnh nhân khi họ hồi phục. Đôi khi còn phải cầu nguyện cho những bệnh nhân tử vong khi không có người thân bên cạnh, ở hệ thống Ban tôn giáo, ban Dân vận của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhận danh sách từ các tổ chức tôn giáo lập danh sách và không có phân biệt nam, nữ. Chủ yếu là đủ sức khỏe, đủ thời gian cống hiến. Qua 5 đợt thì đã có 546 tình nguyện viên tham gia thì số lượng nữ nhiều hơn. Vì xuất phát từ vai trò của các tổ chức tôn giáo thì chúng tôi cũng ghi nhận sự cống hiến của các tổ chức tôn giáo đã góp sức trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là đưa tình nguyện viên đến cùng với lực lượng y tế điều trị bệnh.

Trong thời gian tới, để đảm bảo lực lượng tham gia thì MTTQ sẽ cùng với các tổ chức tôn giáo rà soát chi tiết hơn. Ví dụ trước đó tình nguyện viên tham gia thời gian là 1 tháng thì sắp tới ít nhất là 6 tuần. Phải đầy đủ sức khỏe và đã tiêm 2 mũi và thời gian tiêm mũi thứ 2 là phải sau 15 ngày để đảm bảo sức khỏe cho tình nguyện viên khi tham gia trong môi trường điều trị bệnh nhân và đồng thời đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên khi tham gia.

Bài 2: Vai trò của tình nguyện viên các tôn giáo trong tâm dịch 2
Tình nguyện viên tôn giáo đang chăm sóc một bệnh nhân F0

*VOH:  Những khó khăn cũng như lo lắng khi đưa các tình nguyện viên tôn giáo tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 là gì, thưa bà?

Bà Phan Kiều Thanh Hương: Khi phát động thì được sự hưởng ứng của các tổ chức tôn giáo, để đảm bảo an toàn và am hiểu về công việc thực hiện. Trước khi tham gia thì các tình nguyện viên đều được tiêm ngừa, tập huấn và xét nghiệm để đảm bảo đủ sức khỏe để tham gia đi vào chăm sóc trực tiếp bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên trong quá trình tham gia thì cũng có những trường hợp bệnh nhân bị phơi nhiễm thì các cơ quan đơn vị cũng quan tâm và thực hiện đúng theo hướng dẫn của các bệnh viện để tránh bị phơi nhiễm, vì có những kỹ thuật mà chúng ta vô tình dẫn đến bị phơi nhiễm thì rất đáng tiếc. Còn trong quá trình điều trị thì chắc chắn là khó tránh khỏi tại vì đó là môi trường tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Covid-19. Vì vậy chúng tôi mong muốn các tình nguyện viên trước khi đi có đầy đủ sức khỏe thì khi về cũng vậy để có đủ sức khỏe trở về công việc thường ngày.

*VOH: Vậy khi tham gia thì các tình nguyện viên tôn giáo khi chống dịch Covid-19 được hưởng chế độ gì? Và bà có lời nhắn gửi nào đến các tình nguyện viên tôn giáo đã và đang còn đang xông pha cùng với với tuyến đầu và người bệnh?

Bà Phan Kiều Thanh Hương: Khi TNV tham gia thì Sở Y tế sẽ có chế độ cho từng tình nguyện viên. Còn về Ủy ban MTTQ Thành phố cũng có thăm hỏi, ví dụ như trong buổi xuất quân thì cũng có những phần quà là những vật dụng thiết yếu để tình nguyện viên sử dụng trong quá trình tham gia của mình. Sau khi tình nguyện viên về thì Ủy ban MTTQ cũng thực hiện biểu dương cùng một phần quà và kinh phí để tri ân tình nguyện viên trong quá trình đóng góp. Còn trong khi tham gia thì cũng thường xuyên thăm hỏi vì đôi khi những suất cơm chưa có đầy đủ, nhất là với những ca kíp phải trực về đêm thì cũng gửi thêm những như yếu phẩm để các tình nguyện viên có thêm thực phẩm dự phòng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thêm một điều nữa là trong quá trình làm việc sẽ có những tình nguyện viên bị phơi nhiễm thì chúng tôi cũng gửi thư thăm hỏi cùng với phẩn quà là nhu yếu phẩm và thuốc để tình nguyện viên điều trị bệnh. Đồng thời đeo bám các đơn vị bệnh viện điều trị cho tình nguyện viên thì sẽ thực hiện tốt chế độ cho tình nguyện viên.

*VOH: Xin cảm ơn bà!