Báo động tình trạng côn đồ truy sát, người nhà tấn công bác sĩ tại bệnh viện

(VOH) - Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM về tình trạng này.

Rạng sáng 7/5, nhóm côn đồ đã vào bệnh viện Đại học Y Hà Nội uy hiếp bác sĩ để truy sát bệnh nhân đang nằm viện tại đây. Đây không chỉ là vụ việc đơn lẻ mà thời gian qua, có rất nhiều vụ việc tương tự, hay tình trạng người nhà, người bệnh say rượu, sử dụng ma túy ngáo đá vào đại náo cơ sở y tế.

Cũng không quên một vụ việc đau lòng cách đây mấy năm bác sĩ bị đâm thiệt mạng tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình cũng do người nhà không làm chủ được cảm xúc.

Nghe ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế trả lời phỏng vấn của VOH hoặc đọc chi tiết. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế.

*VOH: Hiện nay, an ninh bệnh viện theo ông đánh giá như thế nào?  

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi nhận thấy rằng việc hành hung thầy thuốc của người bệnh, người nhà người bệnh là hành vi vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi cực lực lên án. Hành vi xâm phạm đến thân thể, tinh thần thầy thuốc ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người thầy thuốc hiện nay, anh em thầy thuốc rất bức xúc, bất bình.

Những hành vi đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần người thầy thuốc mà còn ảnh hưởng đến người bệnh khác đang nằm điều trị.

Một vấn đề nguy hại nữa là phản ứng không có lợi giữa thầy thuốc và người bệnh, quan điểm chung thầy thuốc luôn muốn tìm ra biện pháp tốt nhất điều trị cho bệnh nhân nhưng khi xảy ra sự cố hành hung như thế đương nhiên người thầy thuốc sẽ có phản ứng tự vệ, hết sức thận trọng trước hành vi đe dọa  

*VOH: Sau mỗi vụ việc như thế, Bộ Y tế có vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân không, thưa ông?  

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi có phân tích trong hội nghị an ninh, an toàn bệnh viện tháng 4 vừa rồi cho thấy người bệnh và người nhà người bệnh khi vào bệnh viện có tâm lý bức xúc, đặc biệt một số đối tượng đã chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng gây hấn nếu có tình huống xấu xảy ra.

Người ta cũng khuyến cáo thầy thuốc cần cảnh giác đối tượng này.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 là một số điều kiện về cơ sở vật chất của bệnh viện chưa đáp ứng an ninh, an toàn như cửa khóa, cửa từ tại phòng, khoa cấp cứu, camera an ninh theo dõi, tính chuyên nghiệp của đội ngũ bảo vệ.

Một nguyên nhân nữa là anh em trong ngành y tập trung chuyên môn, chưa để ý tâm lý người nhà bệnh nhân khi vào bệnh viện có bức xúc riêng không giải tỏa được.  

Nhóm côn đồ đã vào bệnh viện tấn công bệnh nhân. (Ảnh trích từ clip của bệnh viện/NLĐ)

*VOH: Để an ninh bệnh viện được quản lý, kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới, Bộ Y tế có giải pháp thế nào, thưa ông?  

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi cũng có tham mưu, đề xuất các nhóm giải pháp. Về pháp lý có kiến nghị tăng nặng với những hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần thầy thuốc. Tăng nặng hơn so với bình thường vì trong hoàn cảnh này, người thầy thuốc đang tập trung cứu chữa bệnh nhân, không có khả năng tự vệ. Họ đang là đối tượng yếu thế.

Bộ trưởng yêu cầu xây dựng hướng dẫn chi tiết về kỹ năng ứng xử, kỹ năng trong giao tiếp và kỹ năng ứng phó, phòng ngừa những tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó là tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn trong bệnh viện tiếp tục được chú ý. Phải đưa tiêu chí an ninh an toàn bệnh viện vào trong quy chuẩn xây dựng đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp.

Tăng cường kỹ năng người thầy thuốc trong xử lý tình huống để ngăn ngừa, phát hiện sớm tình huống này. Ví dụ khi tiếp nhận bệnh nhân bị đâm, có thể dự báo trước sẽ có nhóm côn đồ theo sau tấn công và dự phòng để phản xạ phù hợp.

Ngoài ra, những vấn đề khác như phòng ngừa bắt cóc trẻ sơ sinh, phòng chống trộm cắp, cò mồi, lừa đảo,... luôn phải được kiểm soát chặt chẽ hơn.

*VOH: Cảm ơn ông !