Bảo vệ và phát triển rừng là yêu cầu cấp thiết

(VOH) - Chiều 7/6, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về 2 dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp: Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Đa số ý kiến đều cho rằng, dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng phá rừng, từ đó khiến tình trạng suy giảm rừng tự nhiên diễn ra nghiêm trọng, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp.

Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) cho rằng, những đối tượng được giao để giữ rừng lợi dụng việc khai thác rừng nghèo để trồng rừng mới, nhưng thực chất là làm kiệt tài nguyên rừng và sau đó sang tay, làm giàu bất chính.

"Điều này rất bức xúc mà hầu như rằng khó cấm cản. Kể cả Thủ tướng có lệnh đóng cửa rừng nhưng ai cũng thấy tình trạng chặt phá vẫn vô tư diễn ra. Phải nói rằng, nguyên nhân là kỷ cương của mình không nghiêm, cốt lõi ở đây là bảo vệ và phát triển rừng nên tôi nghĩ tốt nhất là giữ nguyên tên luật."

Ảnh minh họa - Nguồn: ĐCSVN

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng: Sản xuất lâm nghiệp hiện nay thường bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp... Đặc biệt như Bắc Kạn, độ che phủ rừng hiện ở mức 72%, cao nhất cả nước nhưng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế tỉnh nhà rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng hết sức bấp bênh. Trong khi đó, phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển thấp, việc chi trả môi trường rừng ở thủy điện Na Hang cũng rất ít.

Từ thực tế đó, đại biểu Thanh đề nghị Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cần phải xem xét quy hoạch lâm nghiệp cụ thể. "Phải bàn tới các nội dung này chứ nếu không các địa phương như chúng tôi không có ngân sách. Trong các hạng mức chi tiêu, kể cả chi thường xuyên hay chi cho công tác bảo vệ phát triển rừng trong chương trình hành động của Chính phủ vừa qua, các địa phương như chúng tôi không đủ ngân sách đảm bảo cho công tác bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, chi cho các chính sách trồng rừng trong từng năm… Tất cả đều không đủ nên phải nợ người dân qua từng năm".

Về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nhà nước nên có chính sách cụ thể về đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung; trang thiết bị và duy trì hoạt động Kiểm ngư; hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá….Tuy nhiên, bà Tuyết cũng cho rằng, Luật Thủy sản (sửa đổi) ra đời cũng phải tạo hành lang pháp lý và hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị thủy sản trong nước.

"Vấn đề công nghệ khoa học, bảo quản, chế biến chúng ta đều rất yếu. Do đó, tôi cho rằng, đối tượng mà chúng ta đưa vào khuyến khích không đủ sức để tác động đến những lĩnh vực mà chúng ta đang còn nhiều vướng mắc như hiện nay. Do đó, ban soạn thảo cũng nên xem xét một số nội dung mà chúng ta cần phải ưu tiên, nên đưa vào mục Đầu tư hỗ trợ. Đây là điểm mốc để tác động đến vấn đề nâng cao chất lượng thủy hải sản ở nước ta"

Chia sẻ trong buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, bảo vệ và phát triển rừng là nội dung hết sức quan trọng, rừng mất thì tác hại không nhỏ đến thời tiết làm xuất hiện các hiện tường thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân, kể kể cả hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Do đó, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Nước ta hiện nay được đánh giá là 1 trong 5 nước sẽ bị tổn thương lớn nhất trong tác động biến đổi khí hậu. Rõ ràng, gần đây ta cũng thấy mặt trái của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn kịch bản mà chúng ta đã công bố. Trong đó, rừng là một giải pháp để góp phần giảm thiểu tình trạng này.

Với một đất nước mà “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” như nước ta thì những ý kiến đóng góp của các đại biểu rất bổ ích, làm sâu sắc hơn với một mục tiêu: đưa ra Luật sửa đổi, đảm bảo tính chất giữ cho rừng tốt lên thì chúng ta sẽ thành công trong quá trình phát triển kinh tế xã hội."

Trước đó vào buổi sáng, thảo luận tại hội trường, các đại biểu thống nhất về việc cần thiết ban hành nghị quyết để xử lý ""cục máu đông"" nợ xấu, khơi thông dòng tín dụng, đồng thời cho rằng, Nghị quyết ban hành phải có cơ chế mạnh mẽ, đặc thù để xử lý dứt điểm nợ xấu trong đó không để xảy ra tình trạng day dưa, chây ì nợ xấu, làm tổn hại đến hệ thống tài chính ngân hàng và sự phát triển của nền kinh tế.

Sáng 8/6, các đại biểu sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, sau đó trình cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.