BHXH Việt Nam sẵn sàng triển khai hệ thống giám định BHYT trực tuyến

(VOH) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành bảo hiểm xã hội sẽ phải hoàn thành chương trình tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trước ngày 30/6/2016.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là hoạt động nghiệp vụ vừa phức tạp, vừa mang tính nhạy cảm trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Để đảm bảo chi đúng, chi đủ và kịp thời cho gần 150 triệu lượt khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại trên 12.000 cơ sở y tế mỗi năm, ngoài việc không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ viên chức toàn Ngành, nhất thiết phải đẩy nhanh việc tin học hóa một cách toàn diện các dữ liệu, giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Sau thời gian chạy thử nghiệm, BHXH Việt Nam đã đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương và thống nhất triển khai đồng loạt hệ thống thông tin giám định BHYT vào ngày 29/6.

Xung quanh vấn đề này, VOH có  trao đổi với ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

VOH: Bắt đầu từ cuối tháng 6 này, BHXH Việt Nam sẽ liên thông cổng thông tin BHYT điện tử trực tuyến trên cả nước. Vậy ông có thể cho biết đến thời điểm này các địa phương đã chuẩn bị cho việc này ra sao?

Ông Phạm Lương Sơn: Ngày 29/6 này chúng tôi sẽ khai trương hệ thống giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Đồng thời với cổng tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh nói chung của ngành  y tế. Có thể nói, đến thời điểm này về công tác chuẩn bị về cơ bản đã được hoàn tất. 62/63 địa phương đã hoàn thành công việc lắp đặt đường truyền tiếp nhận máy móc, chạy thử dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh của BHXH Việt Nam.

Đối với bệnh viện Trung ương có hai trung tâm là Trung tâm giám định BHYT và thanh toán khu vực phía Bắc và phía Nam cũng đã làm việc và hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh này để kết nối, chuyển dữ liệu từ những phần mềm quản lý của các bệnh viện lên cổng tiếp nhận đó.

VOH: Trong quá trình triển khai sắp tới, BHXH Việt Nam có dự báo sẽ gặp những khó khăn gì và kế hoạch ứng phó như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Vấn đề này chúng tôi cũng đã có trong kế hoạch để triển khai thực hiện. Chúng tôi đã phối hợp cùng với Tập đoàn viễn thông Quân đội Việt Nam – Viettel và đã chỉ đạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam cũng như của BHXH các tỉnh, thành phố để triển khai, tập huấn cho các nhân viên y tế của các bệnh viện và sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi các cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu.

VOH: Ông có nhìn nhận như thế nào về tính hiệu quả của hệ thống giám định Bảo hiểm Y tế trực tuyến toàn quốc?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng ta phải ứng dụng và đưa thông tin giám định BHYT vào hoạt động. Khi hệ thống thông tin này được đưa vào hoạt động chúng ta sẽ kiểm soát được lịch sử khám bệnh của người bệnh, sẽ ngăn ngừa được tình trạng trong cùng một khoảng thời gian mà đi khám ở nhiều nơi để lấy thuốc mà không vì mục đích điều trị.

Vấn đề thứ hai là sẽ phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, ngăn ngừa trình trạng lạm dụng đó thì không đâu khác là cơ sở khám chữa bệnh phải vào cuộc. Các bác sỹ điều trị phải vào cuộc. Chính các bác sỹ là người khuyên và tư vấn cho người bệnh là việc này nên khám hay không nên khám, nên dùng hay không nên dùng. Vì thực tế là bệnh nhân nào cũng nên nghe bác sỹ và phải cần nghe bác sỹ.

VOH: Việc gia tăng sự bao phủ của BHYT có tác động đến cải thiện chất lượng khám chữa bệnh như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Để nâng cao chất lượng KCB thì chúng ta cần phải quan tâm đến 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng chuyên môn – khi chúng ta điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì chúng ta đã tạo điều kiện để cho cơ sở khám chữa bệnh chủ động hơn và có nhiều nguồn lực về tài chính hơn để có thể ứng dụng công nghệ mới, trang bị các trang thiết bị mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chuyên môn. Đồng thời cũng là đòi hỏi để các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao chất lượng về mặt quản lý. Tự chủ hơn, trách nhiệm hơn để sử dụng nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn lực về quỹ BHYT một cách hiệu quả nhất.

Thứ 3 là phải đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt là tinh thần, thái độ của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh và phục vụ cho người bệnh có thẻ BHYT. Đó chính là những điều kiện, yếu tố rất quan trọng để chúng ta tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT để chúng ta sớm hoàn thành được mục tiêu BHYT toàn dân.

VOH: Theo phản ánh của các địa phương, thủ tục mua BHYT hộ gia đình còn bất cập và gặp nhiều khó khăn. Vậy trong thời gian tới BHXH VN sẽ có hướng tháo gỡ như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn: BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo điều chỉnh thủ tục tham gia BHYT gia đình thuận tiện nhất cho người bệnh. Theo đó, người dân có nhu cầu tham gia BHYT hộ gia đình chỉ việc đại diện hộ gia đình kê khai thôi và không cần phải xuất trình bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh có CMND hay có thẻ BHYT của những người có mặt trong hộ khẩu đó. Còn cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp thẻ BHYT cho người dân, đồng thời thực hiện quá trình hậu kiểm để xác định những quy định theo của luật về vấn đề tham gia theo hộ gia đình. Ở một số địa phương còn phản ánh những trường hợp mà vẫn theo quy định cũ trước đây thì chúng tôi đã có chỉ đạo hết sức kiên quyết là cơ quan BHXH phải vào cuộc để hướng dẫn lại một lần nữa cho các đại lý thu BHYT để chấn chỉnh ngay những việc gây khó khăn cản trở, phiền phức cho người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình.

Một điều nữa là chúng tôi cũng đã xin cơ chế và được Chính phủ đồng ý là với những hộ dân khi tham gia BHYT thì không nhất thiết 100% thành viên hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm trong năm tài chính mà vẫn được giảm trừ mức đóng theo quy định của luật BHYT, chỉ có điều là đến cuối năm tài chính thì người dân cũng nên tham gia BHYT 100% hộ gia đình đó để duy trì quyền lợi được giảm mức đóng, cùng nhau thực hiện đúng cái luật BHYT đã được Quốc hội thông qua.

VOH: Làm thế nào để nhiều người biết, tin tưởng và tham gia BHYT thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng tôi cũng đã được Chính phủ đồng ý cho thành lập một Trung tâm truyền thông, là đơn vị độc lập và đây là cơ sở để đổi mới một cách toàn diện, triệt để công tác truyền thông trong việc tuyên truyền. Lãnh đạo của BHXH Việt Nam đã giao cho trung tâm truyền thông phải có những đề xuất, đề án về công tác tuyên truyền dài hơi từ năm 2015 đến năm 2020 và từng năm một với những hình thức rất cụ thể. Trong đó chú trọng đưa thông tin đến đúng đối tượng cần phải đưa, phân nhóm đối tượng ra như: HSSV, người lao động ở các doanh nghiệp. Thậm chí trong NLĐ phân ra là những người thuộc nhóm lao động trẻ, phối hợp với Đoàn thanh niên, rồi thì những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Kể cả sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Làm sao để những thông tin đó không chỉ hạn chế là một tờ rơi hay một tờ bướm mà nó phải là những giáo trình tuyên truyền cụ thể cho nhóm đối tượng đó. Trước mắt là ngoài việc mở rộng đại lý thu BHYT theo dịch vụ công thì sẽ có đợt tập huấn riêng cho đại lý đó. Tùy theo từng khu vực.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!