Blouse trắng và những hành trình xoa dịu nỗi đau

(VOH) - Khi ngồi trên ghế trường Y, tâm nguyện giúp người, giúp đời luôn là động lực thôi thúc các bác sĩ trẻ để khi ra trường, họ có dịp thực hiện hoài bão, ước mơ của mình.

Các bác sĩ từ thành phố lặn lội đến vùng xa chữa bệnh cho đồng bào dân tộc (Ảnh: Lan Hương)

Trời tờ mờ sáng, không ngại đường sá khó khăn, nghe tin có đoàn bác sĩ chuyên khám dinh dưỡng đến, nhiều bà mẹ trẻ, lam lũ vội vã tay bế tay bồng đến điểm tập kết ngồi chờ đoàn bác sĩ từ thiện đến khám bà con nghèo xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Dưới cái nắng chói chang, dòng người đến ngày một nhiều hơn, các bác sĩ cứ thế làm việc liên tục, bỏ cả cơm trưa để kịp thăm khám bà con, bởi có người lặn lội hàng chục cây số.

Không chỉ khám, kê toa, phát thuốc, họ còn trò chuyện, tư vấn thêm cho bệnh nhân nghèo – bởi ở những nơi này kiến thức y khoa thông thường nhất cũng trở nên khó khăn. Những gương mặt phờ phạc vì nắng nóng nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi họ…

Từ ký ức nghèo khó

Có thời gian gặp và ngồi trò chuyện với bác sĩ Trần Đức Vinh - Khoa cấp cứu - bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình về những chuyến đi khám bệnh từ thiện, chúng tôi mới hiểu vì sao phong cách làm việc của vị bác sĩ này gần gũi bệnh nhân đến lạ kì.

Nhiều năm nay trong những chuyến khám bệnh thiện nguyện không bao giờ vắng bóng anh. Với anh, khi đổ bệnh thì giàu hay nghèo cũng như nhau. Hơn thế nữa, ký ức một thời tuổi thơ nghèo khó nơi vùng quê Hưng Hà, Thái Bình khiến anh không bao giờ nguôi ngoai.

Cha mẹ từng nhịn đói, ăn su hào qua bữa để nhường cơm cho con với tâm nguyện con được học hành đến nơi đến chốn. Trưởng thành từ nghèo khó, lòng anh không bao giờ nguôi ước mơ trở thành bác sĩ để giúp bệnh nhân nghèo.

Sau khi tốt nghiệp về công tác tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình từ năm 2000 đến nay, không có hoạt động hoạt động thiện nguyện nào mà bác sỹ Vinh không tham gia.

Ngoài khám chữa bệnh miễn phí, anh còn thực hiện những chuyến trao tặng quà hay xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Hằng tháng, bác sĩ Vinh đều đặn gửi vào tài khoản Hội chữ thập đỏ 2 triệu rưỡi, dành cho mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh.

"Bệnh nhân ở tỉnh còn nghèo, mình đến đó vì người ta không có điều kiện lên thành phố khám. Cảm giác chia sẻ được khó khăn của đồng bào ở xa khiến mình thoải mái hơn, làm việc sẽ cảm thấy thương bệnh nhân hơn nữa”.

Các "cựu" bác sĩ chuẩn bị thuốc cho người dân trong một chương trình khám bệnh từ thiện tại Mang Yang, Gia Lai (Ảnh: Lan Hương)

Bước chân không mỏi

Bác sĩ Minh Hằng công tác tại Khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 được biết đến như một bác sĩ có bước chân không biết mỏi.

Theo chị, đã đi khám từ thiện thì đi càng xa càng tốt vì chỉ như vậy, mình mới thấy bệnh nhân chịu rất nhiều thiệt thòi và càng thương họ hơn.

Có những hôm, đi xe đò mất cả ngày, tới nơi đi xuồng máy vô điểm khám, cả đoàn bị sóng đánh ướt hết cả người, tuy lạnh nhưng trong lòng chị lúc đó bỗng thấy ấm áp lạ kỳ bởi hàng trăm ánh mắt thấp thỏm, lo lắng xen lẫn vui mừng đang chờ đón đoàn.

“Khi đến vùng xa, mình thấy có những bệnh trong tầm tay mình nhưng không được tiếp xúc, tiếp cận y tế, rất là tiếc. Có lúc mình nghĩ nếu về vùng sâu vùng xa làm thì có ích cho bệnh nhân nhiều lắm bởi có những bệnh người ta không hề biết có khả năng chữa được”.

 Với gần 30 năm sống trọn vẹn với nghề, bác sỹ Minh Hằng không thể nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chuyến khám từ thiện như thế. Đến nỗi nhiều đồng nghiệp ái ngại hỏi: "Sao lớn tuổi rồi, không dành thời gian nghỉ ngơi đi nhiều cho cho cực vậy ?".

Nhưng bác sĩ Minh Hằng chỉ cười xòa và thú thật rằng, chính những chuyến đi như vậy đã tiếp thêm cho chị một nguồn năng lượng để tái tạo sức lực, hăng say hơn, nhiệt huyết hơn với công việc hiện tại.

Bác sĩ Minh Hằng khám răng cho em nhỏ trong một chuyến khám bệnh từ thiện (Ảnh: Nhất Hương)

Chị cho rằng, nên coi bệnh nhân như người thân, người ruột thịt để khám chữa hết long, chứ không phải coi người bệnh như món đồ mình thực tập. “Người bệnh đến đây thực tình mà nói mình phải mang ơn họ. Không có người bệnh mình đâu được tôi luyện như ngày hôm nay. Người bệnh mang cho mình một tay nghề, một vị trí như hôm nay thì phải mang ơn người bệnh không được cứ nghĩ là ban ơn cho họ” - bác sỹ Minh Hằng khẳng định.

Là thế hệ bác sĩ trẻ, Đức Vinh, bác sĩ Chuyên khoa 1 Lương Chấn Lập - Bí thư đoàn thanh niên – Bệnh viện Ung bướu TP có cách làm mới của người trẻ. Đó là anh luôn lôi kéo các bạn trẻ tại bệnh viện đến với hoạt động từ thiện.

Hết chuyến đi này, chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Lập lại bắt đầu cuộc hành trình mới đến khám cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa, sẵn đó tầm soát luôn giúp họ kịp phát hiện sớm bệnh ung thư.

Có những bệnh nhân vì điều kiện quá xa xôi và hoàn cảnh gia đình nghèo, có bệnh nhưng không có tiền đi khám, chấp nhận sống trong đau đớn. Trước những số phận bi thương đó, bác sĩ Chấn Lập luôn trăn trở không nguôi và luôn mong mỏi số lần mình đi khám sẽ ngày càng nhiều hơn nữa:

Anh mong muốn: “Thực sự khám từ thiện ngoài nhiệm vụ chính trị của đoàn viên ngành y tế thì đó còn là một niềm vui cũng là trách nhiệm mà bất kỳ nhân viên y tế nào đều phải có và mong muốn được làm. Được gặp gỡ tiếp xúc bà con, được nhìn thấy nụ cười của họ khi mình mang đến viên thuốc hay món quà cho họ ở những vùng sâu vùng xa đó là niềm hạnh phúc rất lớn” .

Trong nhiều năm liền, với vai trò thủ lĩnh đoàn, bác sĩ Lập đã dẫn dắt Đoàn cơ sở Bệnh viện Ung Bướu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và liên tục đạt danh hiệu xuất sắc, tiên phong trong các hoạt động tình nguyện.

Dù hầu hết thời gian ban ngày phải đứng mổ cho bệnh nhân, nhưng đêm đến, vị bác sĩ trẻ đó vẫn dành thời gian để nghiên cứu, tìm ra hướng điều trị tốt hơn, cải thiện đời sống cho bệnh nhân ung thư tại khoa của mình.

Ước mơ từ khi còn là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, cho đến nay, sau 6 năm trực tiếp phục vụ cho bệnh nhân, bác sĩ Lương Chấn Lập thấy rằng con đường mình lựa chọn là không sai vì tấm lòng và tình yêu thương người bệnh với anh không bao giờ tắt.

Với những thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân thì niềm tin về Y đức với họ không bao giờ tắt. Tình yêu nghề, sự tận Tâm với bệnh nhân  luôn là hành trang  để đội ngũ y bác sĩ tiếp bước. Và dù ở nơi đâu, bất cứ khi nào họ cũng sẵn sàng có mặt mang tình yêu thương của mình đến với  những bệnh nhân nghèo.