Bộ Công thương đề ra loạt giải pháp cho thiếu hụt xăng dầu

(VOH) - Ngày 15/11, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa có báo cáo về tình hình thị trường xăng dầu trong nước và đưa ra một số giải pháp của bộ trong thời gian tới.

Về việc một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán hàng cầm chừng... Bộ Công thương chỉ ra các nguyên nhân như cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp; Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô; nhu cầu xăng dầu trong nước tăng; Nguồn sản xuất trong nước chưa đảm bảo...

Bộ Công thương cho rằng do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 37 - 85% so với cùng kỳ năm 2021, khiến cho doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí nên cắt giảm mạnh ở khâu bán hàng, gián đoạn việc bán hàng.

Bộ Công thương đề ra loạt giải pháp cho thiếu hụt xăng dầu 1
Người dân chờ đổ xăng tại quận 1 TPHCM.

Nhiều chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế tăng liên quan, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng... nên chỉ duy trì nhập hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.

Cơ quan này cho rằng, thời gian tới tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp: tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu; Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 nhằm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Xem thêm: Sửa Luật Đấu thầu: Phải gỡ vướng để người bệnh không thiếu thuốc

Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11. Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.