Bộ Y tế nâng mức cảnh báo phòng chống vi rút Zika

(VOH) - Trở về từ Việt Nam, du khách người Úc có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika. Trường hợp này được Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế xác định, bệnh nhân này đã ủ bệnh tại Việt Nam. Như vậy khả năng vi rút Zika xâm nhập và lưu hành tại nước ta là hoàn toàn có thể.

Hiện vẫn chưa tìm ra vắc xin và thuốc điều trị Zika (Ảnh: wncn)

Chủ động ứng phó với với vi rút Zika như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng  - Bộ Y tế.

* VOH: Theo ông vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam chưa và cần phải thực hiện các bước phòng chống vi rút này như thế nào?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Như chúng ta biết vi rút Zika đang lưu hành tại 59 quốc gia đặc biệt là khu vực châu Mỹ la tinh. Việc vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam không chỉ do người Việt Nam đi từ vùng dịch về, mà còn người của các nước, khách quốc tế đến Việt Nam nhiễm vi rút Zika, họ sang nước khác bị nhiễm rồi vào Việt Nam.

Việt Nam là nước lưu hành sốt xuất huyết, lưu hành muỗi truyền sốt xuất huyết, cho nên tôi cho rằng ở Việt Nam nguy cơ lưu hành vi rút Zika là hoàn toàn có thể.

Việt Nam cũng đã nâng mức cảnh báo phòng chống dịch. Chúng ta chưa có bằng chứng khẳng định bệnh nhân đó nhiễm vi rút ở Việt Nam nhưng Bộ Y tế cũng đã triển khai các hoạt động coi như Việt Nam đã có dịch bệnh để triển khai biện pháp phòng chống.

* VOH: Cục y tế dự phòng sẽ triển khai các hoạt động phòng chống vi rút Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành vi rút Zika này như thế nào?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Nguy cơ xâm nhập và lan truyền tại TPHCM là rất cao, vì TPHCM là nơi rất nhiều người qua lại, rồi khách quốc tế vào Việt Nam, rồi dân từ vùng này qua vùng khác .

Như chúng ta biết TPHCM là địa phương lưu hành sốt xuất huyết, năm 2015 sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp sang cả những tháng đầu năm 2016 này nên việc lan truyền sốt xuất huyết đồng nghĩa với lan truyền vi rút Zika là rất lớn.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Pasteur thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để xem có vi rút Zika lưu hành tại TPHCM hay chưa.

Bên cạnh đó, cách đây 3 tuần , Bộ Y tế cũng đã phát động chiến dịch “người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Zika và sốt xuất huyết “ tại huyện Bình Chánh, đã có ký kết của Giám đốc Sở Y tế với lãnh đạo các ủy ban nhân dân quận huyện, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế và đặc biệt là đồng chí Phó chủ tịch UBND TP đã có cam kết chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

* VOH: Vậy thông điệp quan trọng nhất hiện nay trong phòng bệnh do vi rút Zika mà ông cần gửi đến cộng đồng là gì?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Thông điệp của chúng tôi hiện nay là không có lăng quăng không có Zika và sốt xuất huyết. Người dân hãy diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Thông điệp thứ hai có thể đưa ra là không bị muỗi đốt sẽ không bị nhiễm Zika và sốt xuất huyết. Cũng có một số rất nhỏ lây qua đường tình dục nhưng chủ yếu vẫn do muỗi đốt nên không bị muỗi đốt sẽ không bị nhiễm vi rút Zika

* VOH: Cảm ơn ông!

Ngày 24/3, PGS.TS Phan Trọng Lân  - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cũng nhận định, khả năng lây nhiễm vi rút Zika rất có thể xảy ra vì trong giai đoạn ủ bệnh bệnh nhân đã từng lưu trú tại đây. Viện cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn với 30 cơ sở y tế trên địa bàn TP, trong đó có cả bệnh viện tư để tập huấn, triển khai giám sát và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

Hằng ngày, các cơ sở y tế sẽ lấy mẫu bệnh phẩm những ca nghi ngờ gửi đến Viện Pasteur sàng lọc, phát hiện vi rút Zika. Ông Lân cũng lưu ý, ngoài những biện pháp phòng chống đại trà thì tại những nơi tập trung đông khách du lịch, Viện Pasteur chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống vi rút Zika.