Buôn có bạn bán có phường - Dấu ấn văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất mở - nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa kim-cổ, Đông-Tây. Từ thế kỷ 17, Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc viễn đông với cảnh buôn bán “trên bến dưới thuyền” tấp nập. Đến nay đã hơn 3 thế kỷ trôi qua với những bước thăng trầm, Tp.HCM là một đô thị hiện đại có thế mạnh về thương mại- dịch vụ . Các cao ốc, các trung tâm mua sắm sầm uất mọc lên ngày càng nhiều. Trên đà phát triển không ngừng, Sài Gòn vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, điển hình là nếp “buôn có bạn, bán có phường”. Sài Gòn có mấy phố phường? Đi tìm nét đẹp văn hóa tiềm ẩn trong nếp sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố hôm nay đối với chúng tôi là một hành trình đầy thú vị.
Câu đối đỏ, phong bao lì xì, mai đào giả và hàng trăm vật phẩm trang trí Tết được bày bán tại con đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, khiến khu phố người Hoa ở Chợ Lớn mang không khí Tết sớm nhất tại TP HCM.

Sài Gòn không có những con phố mang thương hiệu rạch ròi như Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nhưng dạo quanh các con đường Tp.HCM hôm nay, rất dễ nhận ra những khu vực buôn bán chuyên biệt một loại hàng hóa dịch vụ nào đó. Có những khu chuyên biệt về những nghề cổ xưa như: Đường Lương Hữu Khánh (Q.1) chuyên về nghề khắc dấu. Đường Hải Thường Lãn Ông quận 5 chuyên bán thuốc bắc. Một đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì dày đặc các cửa hàng bán tranh. Đường Nguyễn Thông (Q.3) có một đoạn dài hàng mấy chục hộ kinh doanh cá cảnh. Phố kéo trên đường Triệu Quang Phục (Q.5) từ lâu là nơi tập trung mua bán các loại kéo. Đường Ngô Gia Tự (Q.10) mấy chục năm qua là các cửa hàng đồ nội thất. Một đoạn đường Lý Tự Trọng (Q.1) kinh doanh các loại xe máy tay ga đắt tiền, cũng xe máy nhưng đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) thì bình dân hơn với đủ các loại xe mới, cũ.

Những con phố chuyên biệt như vậy ở Tp.HCM hôm nay nhiều vô kể với các mặt hàng phong phú đáp ứng đủ mọi nhu cầu của con người từ ăn, mặc, ở, đi lại, cưới hỏi, chữa bệnh, và đến cả vấn đề hậu sự. Những con phố này hình thành một cách tự nhiên, tuyệt nhiên không có bàn tay sắp xếp của nhà quản lý nào. Theo chị Trúc Ly, người dân quận 8: cách mua bán tập trung như vậy có lợi cho người mua vì khi cần đến một mặt hàng nào, người mua dễ dàng xác định được địa điểm mà tìm đến. Chị Trúc Ly bộc bạch:

 

"Buôn có bạn bán có phường" có lợi cho người mua vì nhiều lẽ, cũng có lợi cho người bán vì dễ hỗ trợ lẫn nhau. Chị Nguyễn Thị Linh, chủ cửa hiệu in danh thiếp - thiệp cưới Ngọc Cát Tường trên đường Lý Thái Tổ, quận 10 chia sẻ:

 

Câu thành ngữ “buôn có bạn bán có phường” gần như là câu cửa miệng của người dân khi nói đến vấn đề mua bán. Tâm lý ấy bắt nguồn từ đâu? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tâm lý mang tính phường hội trong buôn bán ở Sài Gòn được du nhập từ miền Bắc cùng với quá trình di dân. Nhưng nguyên căn gốc rễ của tập quán này lại xuất phát từ các phiên chợ quê truyền thống từ xa xưa. Khi mỗi người dân trong làng có một mớ sản vật ít ỏi cũng đem ra chợ bán để đổi lấy những hàng hóa khác mà họ cần. Và vì tính đơn thương nhỏ lẻ khó được biết đến nên những người có cùng mặt hàng tập trung nhau lại để những người có nhu cầu dễ nhận biết. Như vậy, “buôn có bạn, bán có phường” khởi nguồn từ mong muốn nương tựa vào nhau. Và cái phong vị của văn hóa làng xã vẫn còn hiển hiện trong đời sống hôm nay là như vậy. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết:

 

Không nổi danh như 36 phố phường ở Hà Nội, nhưng các con phố kinh doanh chuyên biệt ở Sài Gòn mang một dáng dấp rất riêng. Tâm lý “buôn có bạn bán có phường” ở Sài Gòn hôm nay còn mang tính tương hỗ lẫn nhau. Dễ thấy là gần đây khu phố tranh xuất hiện thêm các cửa hàng bán các phụ kiện, đèn trang trí tranh. Hay như gần phố thiệp cưới trên đường Lý Thái Tổ là phố áo cưới 3 tháng 2, và bên cạnh đó mới đây lại xuất hiện thêm phố cổng hoa cưới nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu… Theo quan điểm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người có lâu năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn thì nét đẹp của Sài Gòn trong mua bán đó chính là tính đa dạng và tính đan xen.


Sài Gòn chưa xa đã nhớ, đường vui đôi chân sớm trưa…”. Sài Gòn đi vào lời ca tiếng hát của biết bao tình khúc, nhưng nói cho đúng bản chất của Sài Gòn ở góc độ thương mại thì chính là “Sài Gòn cần gì có đó”. Chính vì nét độc đáo ấy mà bất kỳ ai một khi đã gắn bó với Sài Gòn thì sâu nặng khó quên. Mang hơi thở của truyền thống, Sài Gòn khiến ai đi xa cũng quay quắt nhớ về.