Buôn lậu ở biên giới An Giang (Phần 2) - "Cuộc chiến" không có hồi kết

(VOH) - Dù có lực lượng chức năng chốt chặn nhưng thế lực buôn lậu vẫn hoạt động, thậm chí công khai chống trả.

Hăm dọa người dân, chống trả lực lượng chức năng

"Tụi nó thành lập giống như xã hội đen, ban đêm dân không dám ra đường vì sẽ bị đánh, xe thì tụ tập rất nhiều. Nếu người dân nào trong khóm Xuân Biên mà đến khu vực lên xuống thuốc lá là bị hỏi, nếu trả lời không đúng là bị đánh". Đó là phản ánh của một người dân nơi đây.

Theo thượng tá Trần Văn Kiêu, Phó trưởng Công an huyện Tịnh Biên, trước đây trên địa bàn này tình hình buôn lậu khá phức tạp, chủ yếu là mặt hàng đường cát và thuốc lá. Tuy nhiên, từ khi công an huyện đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành (Bộ đội biên phòng, Chi cục Hải quan, Quản lý thị trường và Công an kinh tế) tuần tra thường xuyên thì các đối tượng này dạt sang các địa bàn khác, tập trung nhiều là Khóm 7, ấp Xuân Biên…

Dù cơn mưa chưa tạnh hẳn nhưng không cản chân được các cửu vạn đai hàng về các tỉnh.

"Thời gian trước, có lúc các đối tượng buôn lậu nhiều về đường cát và thuốc lá. Sau khi chúng tôi tổ chức tấn công bên địa bàn này thì phần lớn đối tượng chuyển hướng trôi dạt về địa bàn Châu Đốc. Đường cát thì tùy theo sức người mà cõng 1 bao hay chia làm hai, còn thuốc lá thì giấu khoảng 40 - 50 cây trong cốp xe máy".

Theo ghi nhận từ cán bộ quản lý thị trường cửa khẩu quốc tế huyện Tịnh Biên, việc phòng chống buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa nước nổi như hiện nay. Kênh rạch, sông ngòi chằng chịt là yếu tố khiến các con buôn dễ dàng trốn thoát, trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng và ít phương tiện để truy quét.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên-Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: "Vào mùa nước năm rồi, chúng tôi có một vụ bắt xong rồi thì họ chống đối. Họ giật hàng không được vì đi bằng canô thì họ đứng trên cầu ném đá để cản đường".

Trên đường bộ, tại các chốt chặn của lực lượng chức năng đều có người cảnh giới của bọn buôn lậu, nhất cử nhất động của quản lý thị trường, hải quan, công an kinh kế… đều bị các con buôn nắm được. Vì thế để bắt được một vụ buôn lậu là cả một kỳ công.

Một cán bộ hải quan cho biết, nhiều khi do mâu thuẫn tranh giành địa bàn, các đối tượng buôn lậu “tố” cho lực lượng chức năng thì mới bắt được, còn không thì phải xác định rõ thời gian và địa điểm vừa tập kết hàng lậu lên đất liền là ập vào bắt mới thành công. Nếu không có phương án chuẩn bị trước là rất khó khăn vì vấp phải sự chống đối của các đối tượng buôn lậu.

"Cuộc chiến" lâu dài

Khi bàn về giải pháp để trấn áp tình hình buôn lậu, các lực lượng chức năng đều nhận định không thể giải quyết dứt điểm và xem đây là công tác thường xuyên lâu dài, chỉ hạn chế ở mức thấp nhất, tránh thiệt hại cho nền kinh tế trong nước.

Chỉ riêng mặt hàng thuốc ngoại nhập lậu, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết đã lấy đi hơn 20% thị phần trong nước. Nếu như năm 2012 con số thất thu thuế từ thuốc lá nhập lậu khoảng 6.500 tỉ đồng, năm 2013 con số này là 6.700 tỷ đồng và trong hai năm gần đây số tiền thuế thất thu lên đến gần 10.000 tỷ mỗi năm. Đó là chưa kể các mặt hàng điện tử gia dụng, đường cát và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

Chống buôn lậu quả là một bài toán khó mà Ban chỉ đạo 389 đặt ra cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Dù phối hợp khá chặt chẽ giữa các lực lượng nhưng hiệu quả chưa cao và trên thực tế, còn nhiều bất cập trong việc xử lý đối tượng buôn lậu.

Chẳng hạn cho bán đấu giá phương tiện vận chuyển hàng lậu số tiền quy định thường từ 1-2 triệu đồng không đủ trả cho chi phí giám định tài sản. Các văn bản xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe.

Đối với các vụ xử lí hình sự về buôn lậu thuốc lá còn vướng mắc giữa các lực lượng chức năng mà chưa có quy định cụ thể, chẳng hạn nếu lực lượng hải quan bắt buôn lậu thuốc lá đủ yếu tố để xử lý hình sự thì chuyển sang cơ quan công an khởi tố, xong phải tiêu hủy thì rất tốn kinh phí, thậm chí tiền thưởng cho cơ quan nào hưởng cũng không quy định cụ thể rõ ràng; kinh phí chống buôn lậu, quản lý bán đấu giá tang vật hồ sơ còn nhiêu khê…

Sông nước mênh mông là nơi để các cửu vạn đưa hàng lậu qua biên giới bằng vỏ lãi.

Giải pháp từ gốc vấn đề

Là người luôn quan tâm, theo dõi cuộc chiến chống buôn lậu ở các cửa khẩu biên giới, thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân cho biết: "Những văn bản hướng dẫn từ Chỉ thị 30 đến Thông tư liên ngành 36 vẫn đang mâu thuẫn với nhau, một bên thì nói 500 gói thuốc lá bị xử lý hình sự nhưng thông tư liên ngành vẫn là 1.500 bao mới xử lý, tuy nhiên thông tư này chưa được sửa. Do đó, các địa phương gặp lúng túng trong thực hiện".

Theo ông Nguyễn Trung Bính, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xuyên biên giới, ngoài giải pháp chế tài mạnh kết hợp tuyên tuyền, cam kết không vi phạm, tái phạm đối với hộ buôn bán, đặc biệt là các hộ dân khu vực ở giáp biên giới thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, có như vậy hàng lậu mới không còn cơ hội hoành hành, chiếm lĩnh thị phần nội địa.

Ông Bính đề nghị: "Cần giáo dục tuyên truyền, tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới. Văn bản phải sửa đổi như thế nào để khi các đối tượng bị bắt thì phải xử lý, chứ không phải đợi như bây giờ bắt được lần 1 chỉ xử lý hành chính, còn bắt được lần 2 thì mới xử lý hình sự".

Biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ đã đổ, tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy gam màu sáng trong bức tranh phòng, chống buôn lậu ở vùng biên giới, cửa khẩu. Như vậy, cuộc chiến phòng chống buôn lậu vẫn đầy cam go, phức tạp và chưa có hồi kết thúc…