028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Buồn vui nghề báo

(VOH) - Những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết. Nếu ngại khó khăn, vất vả thì chẳng ai chọn nghề này. Hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân”, vượt qua mọi gian khó để có được những “đứa con tinh thần” phục vụ quý thính giả, bạn đọc.
Hầu hết những người bước vào nghề báo đều chấp nhận “dấn thân”,  vượt qua mọi gian khó để có được những “đứa con tinh thần” chất lượng. ảnh minh họa: PLO

Với nhiều nhà báo mà nói, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Nhà báo Mai Vọng- Báo Thanh Niên tâm sự: Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời. Khi anh cưỡi lạc đà trên sa mạc ở đất nước Dubai, thì anh nghĩ đến con voi ở Tây Nguyên, hay con trâu ở làng quê Việt Nam. Nghĩ lại anh còn không dám tin có ngày mình đặt chân đến đó, có cơ hội ngồi trên lưng lạc đà, những bước chân in hằn trên cát nóng. Vui đó rồi cũng trăn trở ngay đó, làm thế nào đất nước mình giàu có như họ: “Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy con lạc đà và được cưỡi nó thì mình nghĩ đến con trâu ở vùng sông nước đồng bằng, vì Việt Nam mình là văn minh lúa nước, con trâu bao giờ cũng gắn với sinh hoạt của người dân, và mình chợt nghĩ sao mình không khai thác du lịch. Có thể dùng con trâu để cho du khách người ta cưỡi chẳng hạn, có khi đó cũng là điều thú vị với du khách nước ngoài. Nhưng đôi lúc mình cũng gặp khó khăn trở ngại trong vấn đề khai thác thông tin để cung cấp cho bạn đọc. Không phải sự kiện nào mình cũng có thể tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, đôi lúc cũng khó khăn nếu mình đi tác nghiệp một mình sẽ không hiệu quả bằng mình có sự phối hợp”.

Trong ký ức của phóng viên Thế Anh - Đài TNND TP.HCM, hơn 1 tháng lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa cùng với ngư dân đảo Lý Sơn không bao giờ phai mờ. Chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nên khi đối mặt với những cơn sóng dữ, có nhiều lúc Thế Anh thật sự hoảng sợ nhưng lòng yêu nghề, quyết tâm đưa niềm tin bám biển của ngư dân đến với mọi người đã giúp anh vượt qua tất cả. Và quả ngọt chính là loạt phóng sự "Kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền" đoạt giải B báo chí Quốc Gia năm 2012 và giải nhất phóng sự Hội nhà báo TP.HCM năm 2012. Thế Anh chia sẻ giải thưởng là niềm vui lớn cho người làm nghề, nhưng vinh quang nhất vẫn là những trải nghiệm sống động cùng ngư dân mà cả cuộc đời chắc gì đã có cơ hội trở lại lần thứ hai. “Lần đầu tiên đi biển là cả một sự ngỡ ngàng, mình chưa từng kinh qua một chuyến đi như vậy cho nên sẽ không biết trước được điều gì sẽ chờ đón mình. Ở trên tàu rồi mình mới thấy nó hết sức nguy hiểm. Đối với phóng viên có điều kiện tiếp cận và đi cùng với ngư dân bằng chiếc tàu gỗ nhỏ thôi sẽ hết sức khó khăn. Để thích nghi được với cách sống ở trên biển là một đòi hỏi rất lớn, mà đôi khi nó còn đòi hỏi cái tố chất, thể chất, cơ địa của mình sẽ rất khó khăn khi chịu đựng ở trên biển với một chiếc tàu nhỏ như vậy. Sóng biển, gió biển, thời tiết ở biển, thiếu hơi đất là cơ thể mình sẽ không thể chịu nổi. Đi trên sóng, dưới gió mà phóng viên không biết bơi sẽ hết sức khó khăn”,
Thế Anh chia sẻ.

Vinh quang và trải nghiệm là thế nhưng thật sự nghề báo có phải là nghề dễ dàng? Chắc chắn chẳng ai dám khẳng định con đường trải toàn hoa hồng và với nhiều phóng viên trẻ mới theo nghề thì có người đã từng rơi những giọt nước mắt đắng cay. Nhà báo Phan Sơn, báo Sài Gòn tiếp thị chia sẻ khó khăn nhất vẫn là với những phóng viên trẻ trong việc tìm kiếm thông tin vì họ chưa xây dựng được niềm tin với các cơ quan chức năng. Để làm được điều đó phóng viên phải xây dựng tên tuổi của mình thông qua những tác phẩm báo chí, từ đó sẽ dễ dàng tạo được niềm tin cho họ: “Mới vào nghề, thứ nhất là cái khó khăn trong kiến thức trong cái ngành nghề của mình, cái thứ hai là cạnh tranh với các đồng nghiệp hoặc bạn bè cùng trang lứa đang làm việc ở những tờ báo khác và cái khó khăn nữa là về các lịch làm việc, các tin bài và áp lực về nghiệp vụ hiện nay đặt lên vai người phóng viên rất nhiều. Trong thời buổi cạnh tranh thông tin như hiện nay phóng viên đều phải tìm ra những sản phẩm, những thông tin tốt nhất mang về cho tòa soạn của mình để có từ nguồn tin đó mới cạnh tranh và tìm kiếm được độc giả”.

Còn phóng viên Hồng Dung - Báo Khoa học Phổ thông thì đối với những đề tài mang tính thời sự, những tin tức nhạy cảm đòi hỏi phóng viên phải nhanh nhạy cho kịp ngày báo phát hành. Áp lực đó khiến phóng viên rất bị động về thời gian. Thêm vào đó là khi tiếp xúc các nguồn tin như vậy nếu không được sự hỗ trợ của các ban ngành phụ trách thì phóng viên thường bị từ chối trả lời hoặc ngần ngại khi tiếp xúc vì họ sợ bài viết không đúng với ý định của người phát ngôn: “Lần đầu tiên tới thì người ta lại đòi hỏi giấy giới thiệu rồi công văn hay gởi câu hỏi xem đặt câu hỏi gì, sau đó đợi BGĐ duyệt rồi mới trả lời, mất rất nhiều thời gian. Còn mình muốn họ trả lời nhanh thì mình phải tạo mối quan hệ phải là quen hoặc là quen thân và người ta biết mình rồi thì người ta sẽ trả lời. Còn với phóng viên mới thì sẽ rất khó khăn và người ta sẽ không trả lời qua điện thoại mà yêu cầu lên gặp Ban giám đốc và khi có chỉ đạo nói thì mới nói”.

Phóng viên Quang Khải báo Tuổi Trẻ thừa nhận, cũng có những đơn vị rất khắt khe trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những thông tin ảnh hưởng đến uy tín của họ. Lúc đó họ đòi phải có công văn, giấy giới thiệu…Những đòi hỏi đó nhiều khi gây bực bội, nhất là gây khó khăn cho các phóng viên mới vào nghề. Tuy nhiên, nếu ngẩm ra thì yêu cầu của họ là đúng. Anh nói vui rằng kinh nghiệm bản thân là mỗi khi gặp các lãnh đạo thì nên khéo tranh thủ PR cho mình để họ nhớ và để thuận lợi hơn sau này mỗi khi cần thông tin: “Quá trình tiếp cận thông tin bây giờ nó rất khó chứ không đơn giản và bằng mọi cách, mình liên lạc với người này không được, người này bận họp thì người kia, người kia không được nữa thì thậm chí mình chạy tới cuộc họp, nếu mình không được vô cuộc họp thì mình canh ở ngoài cuộc họp đợi họ ra rồi chạy tới mình trao đổi và cố gắng tiếp cận và thuyết phục. Đợi chờ thì rất là lâu, bằng cách đó mình có thể tiếp cận nguồn tin của mình. Quan trọng là làm sao gặp được nhân vật đó hoặc ít nhất nhân vật đó phải nghe điện thoại rồi từ từ mình thuyết phục sau”.

Những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết. Khi đã sống hết mình bằng cái tâm của nghề thì hạnh phúc nhân lên. Không vui sao được khi nhìn thấy rất nhiều những cảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ và chứng kiến những mảng tối của xã hội được phơi bày. Mặc dù vinh quang và nước mắt luôn song hành nhưng tựu chung lại khi đã chọn nghề thì đa số các nhà báo đều luôn hướng về kim chỉ nam: bút sắc, lòng trong, tâm sáng./.

Phương Dung
;