Cách mạng tháng Tám và bài học thời cơ

(VOH) - Thời cơ là tình thế xuất hiện trong thời điểm nhất định có lợi nhất cho việc chủ động phát huy mọi sức mạnh để giành thắng lợi. Thời cơ có thể do sai lầm của đối phương, do năng động chủ quan tạo nên, hoặc do khách quan đưa đến. Khi thời cơ đến, phải nhạy bén nắm bắt và phải kịp thời chớp lấy. Cách mạng tháng 8 năm 1945 của Việt Nam là trường hợp điển hình như vậy.
Hào khí Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ảnh tư liệu

Các Mác và Ph.Ăng-ghen nhận định rằng, thời cơ nổi dậy của quần chúng giành lấy quyền lực về tay mình là lúc xảy ra khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị, bọn cầm quyền suy yếu, quần chúng cơ bản và đội tiền phong sẵn sàng hành động, các lực lượng trung gian đã ngã về phía cách mạng. Cách mạng vô sản Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã nổ ra và thắng lợi trong thời cơ đó.

Sau khi nước Pháp bị phát xít Đức đánh bại và chiếm đóng, cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc sắp chuyển thành cuộc chiến tranh chống Liên Xô, tháng 5-1941, Bác Hồ và Trung ương Đảng thấy rằng, thời cơ nghìn năm có một đã đến. Đảng ta thay đổi chiến lược cách mạng, tập hợp lực lượng toàn dân thành Mặt trận cứu quốc, lấy công nông làm lực lượng cơ bản, vũ trang quần chúng, chờ khi các nước phát xit thất bại thì lập tức khởi nghĩa giải phóng đất nước, giành độc lập cho Tổ quốc.

Tháng 10-1944, Bác Hồ từ Trung Quốc về Cao Bằng. Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn vì thời cơ chưa đến, kẻ thù vẫn còn mạnh.

Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 12-3-1945, là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa chỉ đạo hành động, chuẩn bị mọi lực lượng đế đón thời cơ khởi nghĩa một cách chủ động đã được Đảng ta sớm đề ra phù hợp với tình hình lúc đó.

Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tận dụng triệt để những thuận lợi cơ bản: phát xít Nhật hoang mang; Chính phủ Trần Trọng Kim yếu thế; quân Đồng Minh chưa vào nước ta; quân Pháp có tham vọng quay trở lại Việt Nam, nhưng chưa có lực lượng.

Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Bác Hồ đã khẳng định: Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ”.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Và chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.

Thời cơ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn - từ sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh đến trước lúc quân Đồng Minh tiến vào nước ta giải giáp quân Nhật. Nếu khởi nghĩa sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng thì sẽ khó khăn, vì chúng tuy có suy yếu, nhưng vẫn còn lực lượng để chống cách mạng. Ngược lại, nếu tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Anh theo gót quân Anh là Pháp và quân Tưởng, tiếp đến là đế quốc Mỹ đã nhảy vào nước ta, lúc cách mạng chưa giành được chính quyền. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim sẽ tiếp xúc với bọn đế quốc phục vụ cho chúng. Lúc đó, thời cơ giành chính quyền không còn nữa, cách mạng sẽ khó khăn.

Lịch sử diễn ra đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn.

Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt đến độ thiên tài.

Đồng chí Trường Chinh trong tác phẩm Cách mạng Tháng Tám đã phân tích thời cơ khi Tổng khởi nghĩa nổ ra như sau: “Nếu ngày 9-3-1945, Nhật vừa đánh đổ Pháp mà cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhanh thì cách mạng có thể tổn thất nhiều và chính quyền chưa thể thành lập trong toàn quốc, vì lực lương Nhật lúc đó còn khá vững, có thể tiêu diệt quân cách mạng ở những nơi không có thể giữ. Cho nên lúc đó, chỉ khởi nghĩa bộ phận giành chính quyền địa phương. Nếu sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, mà nhân dân ta bị động trông chờ quân Đồng Minh vào “giải phóng” cho, không tức thời nổi dậy giành chính quyền toàn quốc thí sẽ ra sao ? Hai trường hợp có thể xảy ra được: hoặc bọn bù nhìn tay sai của Nhật đứng ra vỗ ngực “thoát ly ảnh hưởng Nhật” và tự xưng là “độc lập, dân chủ” để đầu hàng Anh, Mỹ chứ không phải để giải phóng dân tộc. Hoặc Pháp sẽ ngóc đầu dậy, thu thập sức tàn ở Đông Dương và đem tàn quân chạy ra ngoài hồi tháng 3 trở lại cùng với bọn Việt gian thân Pháp lập chính quyền bù nhìn thân Pháp trong toàn quốc và tuyên bố thi hành bản tuyên ngôn ngày 24-3-1945 cho Đông Dương “tự trị”. Cả hai trường hợp ấy đều vô cùng nguy hiểm”.

Bài học thời cơ của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, đưa Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đến toàn thắng, giành độc lập trọn vẹn cho cả nước, đưa nước ta vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Dân tộc Việt Nam đã nhiều lần thành công lớn về nắm bắt thời cơ lịch sử để giành độc lập dân tộc và khôi phục nền độc lập của nước nhà. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Lạc nước, hai xe đành bỏ phí

Gặp thời, một tốt cũng thành công”