Cần duy trì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(VOH) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Các đại biểu đề nghị  dự thảo luật cần quy định cụ thể tránh tình trạng thao túng, lũng loạn thị trường chứng khoán.

Thảo luận về dự án Luật chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu đề nghị quy định rõ: chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, làm rõ việc cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ thì mặt được và rủi ro là gì.

Quốc hội thảo luận Luật chứng khoán (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu cũng cho rằng: Luật chứng khoán (sửa đổi) nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Do đó, cần tập trung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tính thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán, đảm bảo tính độc lập về mặt nghiệp vụ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng: "Chứng khoán là hàng hóa rất dễ rơi vào tình tạng thông tin bất đối xứng, chỉ người phát hành ra chứng khoán đó biết thực chất của doanh nghiệp như thế nào, chứ còn người mua chứng khoán hay người có cố phiếu cũng không biết được. mà nếu để xảy ra tình trạng bất đối xứng nguy cơ thị trường sụp đổ. Do đó, tính minh bạch của Thị trường là rất quan trọng…".

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng, các đại biểu cho rằng cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Các đại biểu nhận định điều này là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô thị trường chứng khoán hiện tại.

Một số đại biểu cho rằng việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính vẫn phù hợp để thống nhất đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong quản lý tài chính, tránh sự xáo trộn trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm tinh gọn bộ máy. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang nêu ý kiến: "Dự thảo luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và quy định vốn sở hữu Nhà nước ở mức nhất định và các điều kiện hàng hóa cụ thể chứng khoán thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trực thuộc Chính phủ. Đề nghị dự thảo cần quy định rõ nguyên tắc vai trò cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển…".

Trước đó, vào buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự án Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Hôm nay, 14/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc.