Cần hành lang pháp lý bảo vệ và quản lý cây xanh đô thị

(VOH) - Tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thêm vào việc quản lý bất cập đang làm cho cây xanh TP bị xâm hại, dễ tổn thương, ngã đổ, mất an toàn... Đó là những bức xúc được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo "An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM" do Sở GTVT và Trường đại học Nông Lâm tổ chức sáng 29/11. 

Cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (Ảnh: Lan Hương)

Theo đại diện Sở GTVT, TP có hơn 122.000 cây xanh đường phố. Trong đó có khoảng 6.000 cây loại 3 có tuổi đời từ trên 15-20 năm. Đây là loại cây dễ bị tổn thương, đổ gãy khi mưa, gió, lốc. Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, qua biểu đồ cho thấy số cây gãy nhánh, ngã đổ từ năm 2013 đến 2016 đều tăng.

“Cây xanh đô thị là cái hồn của đô thị không thể thiếu với bất kỳ đô thị nào, nhất là những siêu đô thị như TPHCM. Việc quản lý cây xanh ở TP thời gian quan còn nhiều bất cập, rủi ro, đặc biệt vào mùa mưa.  TP đặt hàng với các chuyên gia, nhà khoa học, tìm ra giải pháp để giải quyết”, ông Lâm cho biết.

Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển mạnh của đô thị thời gian qua, nhà cao tầng mọc lên chen lấn, che lấp cả không gian sinh tồn của cây xanh, công trình hạ tầng ngầm ngày càng nhiều, kiên cố và hiện đại đã lấy đi đất, mạch nước nuôi dưỡng cây...

Các đại biểu cũng chỉ ra, tình trạng chủ động xâm hại đến đời sống cây xanh của con người do cây vướng mặt tiền nhà, quan niệm phong thủy, rồi sự thiếu ý thức của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình ngầm… đã làm cho cây xanh ngày càng mất an toàn hơn.

Chính vì thế, Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, ĐH Nông Lâm đặc biệt nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của cư dân, cũng như xã hội hóa trồng và bảo vệ cây xanh: "Bao giờ cây xanh đô thị cũng gắn với đời sống cư dân, người dân chấp nhận thì mới được. Làm thế nào để người dân chấp nhận, cũng như tính đến việc xã hội hóa trồng và quản lý cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, cần một hành lang pháp lý để xử phạt”.

Các chuyên gia cho rằng, một trong 7 giải pháp dài hạn cho cây xanh được an toàn là TP cần ban hành quy định về xây dựng hạ tầng không xâm hại, ảnh hưởng đến cây xanh và có chế tài mạnh. Bên cạnh đó, cần xác định giới hạn tuổi của từng loại cây để thay thế phù hợp. Kiểm tra, theo dõi thường xuyên cây xanh đường phố để phát hiện, đốn bỏ kịp thời những cây mục ruỗng từ gốc...

 Ý kiến nhiều nhà khoa học cho rằng trồng cây xanh trong đô thị là một khoa học nên cần tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy phạm, không phải theo ý thích chủ quan của người quản lý. Có vậy, cây xanh mới có thể phát huy tốt vai trò lá phổi xanh đô thị, tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm và góp phần bảo vệ môi trường.