Chống sạt lở đất bờ sông rạch: Vẫn còn vướng

(VOH) - Đã vào mùa mưa, nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, người dân ven sông rạch lại sống trong thấp thỏm lo âu, trong khi tiến độ nhiều công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở bị chậm tiến độ, chủ yếu do vướng khâu đền dù và giải tỏa.
Xây dựng kè chống sạt lở ở kênh Thanh Đa đoạn 1.1

Mặc dù công trường xây dựng công viên và hệ thống thoát nước đường Tầm Vu – thuộc địa bàn phường 26 quận Bình Thạnh còn nhiều ngổn ngang, bề bộn nhưng nhiều người dân sống dọc theo kênh Thanh Đa từ cầu Kinh đến cầu Bình Triệu không còn lo sợ bị sạt lở bờ sông như trước đây vì tại đoạn kênh này đã xây xong bờ kè. Đây là hạng mục cuối cùng của dự án chống sạt lở đất 1.3 Thanh Đa quận Bình Thạnh đang chuẩn bị để thi công. Theo Khu đường sông TP với tiến độ thực hiện như hiện nay đến tháng 10/2012 sẽ hoàn thành 2 hạng mục này tạo cảnh quan đẹp, khang trang và lịch sự văn minh cho khu vực Thanh Đa. Đoạn 1.2 từ hạ lưu cầu kinh đến khu dầu khí và đoạn 1.4 từ hạ lưu cầu kinh đến bờ kè Công Đoàn thành phố, phường 27 quận Bình Thạnh cũng đang được khẩn trương xúc tiến để trong quí 3/2012 khởi công xây dựng các gói thầu xây lắp với quyết tâm cao để có hệ thống bờ kè kiên cố và những công trình khác nhằm tạo thêm bộ mặt mới cho Thanh Đa.

Cũng theo Khu đường sông TPHCM, các công trình chống sạt lở thuộc địa bàn huyện Nhà Bè đã tiến hành đầu tư từ trước, nhưng đến nay chưa thể khởi công được do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Ông Nguyễn Văn Trò, Trưởng Ban bồi thường- giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cho biết:

 

Công trình bờ kè cầu Mương Chuối xã Nhơn Đức, kè Rạch Tôm cầu Bà Sáu, kè Rạch Tôm trường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè dù có vướng một phần nhỏ về giải tỏa nhưng với kinh phí được chủ đầu tư là Khu đường sông Tp cấp, dự kiến tháng 7 sẽ khởi công đoạn kè nằm ở dưới nước bờ kênh rạch. Riêng phần kè trên bờ nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng sớm sẽ cho thi công tiếp sau đó. Sở dĩ trong tháng 7/2012 tới đây chủ đầu tư cho xây dựng đoạn kè dưới bờ kênh trước là do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng, nên Khu đường sông thành phố không còn sự lựa chọn nào khác là phải tách gói thầu xây lắp bờ kè thành 2 gói thầu và cho thi công gói thầu bờ kè dưới nước trước để chống sạt lở đất cho dân, khi có đủ mặt bằng thì sẽ thi công tiếp bờ kè trên bờ và các hạng mục công trình khác. Đây là điểm mới trong công tác quản lý và đầu tư dự án chống sạt lở bờ sông ở thành phố trong mùa mưa năm 2012. Hạng mục nào cái gì cấp bách cần thiết có đủ điều kiện thì cho tiến hành ngay, hạng mục nào còn vướng thì sẽ làm sau, mục đích là làm sao đem lại hiệu quả chống sạt lở để người dân yên tâm, không còn phập phồng lo lắng bị sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng.

Với nhận thức đó, một số công trình chống sạt lở khác như kè ngã ba Rạch Dơi sông Cần Giuộc, kè khu dân cư xã Phước Kiểng, kè bờ sông cầu Phước Lộc, cầu Long Kiểng Nhà Bè hiện cũng đang vướng giải phóng mặt bằng chậm cũng đang được triển khai theo hướng đầu tư trên. Tất nhiên trong 4 dự án trên có dự án đã duyệt từ năm 2006 đến tháng 4/2010 được cấp kinh phí đầu tư nhưng vào thời điểm này có nhiều chính sách thay đổi buộc phải điều chỉnh lại dự toán đầu tư nhưng Nghị định 83/CP của Chính phủ lại quy định không cho phép điều chỉnh dự án đã làm chậm lại thời gian thực hiện dự án cho đến nay. Ông Trần Văn Giàu, Phó giám đốc Khu Đường sông thành phố có ý kiến về vấn đề này:

 

Hai năm trước, công tác chống sạt lở đất bờ sông rạch ở TPHCM gần như bị dậm chân tại chỗ bởi nhiều nguyên nhân, nên vào mùa mưa thường xảy ra nhiều vụ sạt lở đất dù đã có cảnh báo trước. Do vậy, từ 45 điểm sạt lở năm 2011 tăng lên 62 điểm trong năm 2012. Từ đầu năm đến nay mùa mưa năm 2012 tuy đã xảy ra 2 vụ sạt lở không lớn nhưng những tháng tới sẽ có nguy cơ sạt lỏ nhiều hơn. Vì thế để chống sạt lở có hiệu quả và không phát sinh thêm những điểm sạt lở mới, các quận, huyện có dự án đi qua sớm giải phóng mặt bằng và các sở ngành khẩn trương giải quyết nhanh những vướng mắc, tồn tại về mặt pháp lý để các dự án khởi công và đưa vào vận hành ngăn chặn những vụ sạt lở đáng tiếc xảy ra.