Có hay không “vùng cấm” trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm?

(VOH) - Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định: “Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm”.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 114,5 triệu đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hotel Students, yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm dùng để sản xuất thực phẩm chức năng không đảm bảo.

Tiếp đó, ngày 21/8, Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện số 2 đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống Kiều Giang - Xa Lộ Hà Nội, Quận 9. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện lô hàng khối lượng 1.029 kg gồm đường và phụ gia không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ.

Một ngày sau đó, Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 8 cũng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt muối tại phân xưởng Doanh nghiệp tư nhân Sơ chế nông sản Xuất khẩu Chí Cường đóng tại địa chỉ ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh lại phát hiện cơ sở này vi phạm những điều kiện về  an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Trước các vụ việc bị phanh phui liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm vừa qua, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) - đã phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố về công tác thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này.

 Phạm Khánh Phong Lan, an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn

Bà Phạm Khánh phong Lan khẳng định: “Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm”

* VOH: Bà đánh giá như thế nào về các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện liên tục trong thời gian qua.

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Mặc dù chúng ta đã hết sức cố gắng tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân, nâng cao ý thức doanh nghiệp cũng như tập trung nhiều vào mảng xây dựng thực phẩm sạch nhưng vi phạm vẫn còn đó. Qua kiểm tra phát hiện từ những vụ nhỏ, vừa phải cho đến vụ việc hết sức nghiêm trọng.

Do vậy chúng tôi xác định thời gian tới cần làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa một mặt làm sao tăng cường sử dụng thực phẩm sạch, có những biện pháp khuyến khích cho doanh nghiệp làm sạch, làm đúng nhưng đồng thời mặt khác làm sao số lượng và hiệu quả công tác thanh kiểm tra hiệu quả hơn nữa.

Với việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm chúng tôi có thuận lợi khi bố trí đội ngũ thanh tra xuống tận quận, huyện, phường, xã sống cùng thực tế tại địa bàn. Chúng tôi đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành hay thực hiện tự kiểm tra cho thấy cách làm này rất hiệu quả.

Trong báo cáo giám sát của Quốc hội về công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hai năm 2014 và 2016 vừa rồi cũng cho thấy mức xử phạt trung bình cả nước chỉ ở khoảng 200.000 đồng một vụ - con số đó rất ít nhưng chúng tôi tổng kết từ khi thành lập Ban cho đến nay, số vi phạm trên tổng số đi kiểm tra là từ 20 đến 30%, và tiền phạt trung bình một vụ việc là khoảng 10 triệu do Ban đi kiểm tra, khoảng 5 triệu với thanh tra liên ngành.

Qua số liệu này cho thấy những vi phạm ở Thành phố được xử lí một cách rốt ráo với mức xử phạm nghiêm hơn nhiều.

* VOH: Quan điểm của bà như thế nào về “vùng cấm” trong xử lí vi phạm An toàn thực phẩm?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi khẳng định, chủ trương của Ban không có vùng cấm, chúng tôi có nhiệm vụ vạch ra kế hoạch thanh kiểm tra, ở đây không chỉ tập trung vào đơn vị doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà là sự hài hòa bảo đảm tất cả doanh nghiệp đều cảm thấy con mắt giám sát của nhà nước nếu anh làm bậy sẽ bị trả giá.

Và ở đây có vấn đề thêm như thế này, tầm cỡ doanh nghiệp vi phạm lớn từng nào thì trách nhiệm lớn từng đó, khi có vi phạm thì giá phải trả sẽ lớn hơn nhiều so với đơn vị nhỏ không có tên tuổi.

Đây là quy luật và ai cũng phải chịu trách nhiệm về những việc của mình nhưng tất cả đều xử lí theo pháp luật theo đúng thang đánh giá và quy trình đúng pháp luật

 Phạm Khánh Phong Lan, an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn

Cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt muối không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm sau khi đội Quản lý An toàn thực phẩm số 8 đi kiểm tra cơ sở tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh

* VOH: Chúng ta có nên hình sự hóa những vụ việc vi phạm nghiêm trọng hay không và hiện nay khung pháp lý xử lý hành vi này như thế nào?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đây là vấn đề bàn cãi rất nhiều, do vậy khi Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có những điều khoản sửa đổi để đơn giản hóa hơn việc hình sự hóa hay chuyển sang khởi tố với những trường hợp làm thuốc giả, làm thực phẩm giả.

Tuy vậy trong thực tế rất khó rất ít vụ việc chuyển qua được.

Khó là ở khâu chứng minh thiệt hại bao nhiêu phần trăm sức khỏe, gây chết bao nhiêu người - chuyện đó mông lung lắm.

Trong khi điều đầu tiên khi có ý định đi làm thuốc giả, thực phẩm giả thì phải ý thức hoàn toàn là người dân, đồng bào mình sẽ sử dụng cái đó, chứ làm sao lượng giá được.

Do vậy nên học tập cách xử lí của các nước tiên tiến - khi thấy hay phát hiện những sản phẩm giả có thể truy tố hình sự lập tức, không cần phải định lượng thiệt hại.

Tuy nhiên, để sửa đổi lần nữa xem ra cũng rất khó, do vậy trước mắt thì phải xử lí thật nặng về mặt hành chính và kèm hình thức bổ sung cấm vĩnh viễn những con người này không tham gia vào sản xuất thực phẩm và thuốc.

Ít ra phải có thêm những điều khoản như vậy trước khi có chuyển được hình sự hay không.

* VOH: Cảm ơn bà!