Cộng đồng dân tộc thiểu số ở TP.HCM: 40 năm hội nhập và phát triển

(VOH) - Hội thảo khoa học “Cộng đồng dân tộc thiểu số ở TP.HCM, 40 năm hội nhập và phát triển” diễn ra vào ngày 9/9, do Viện nghiên cứu phát triển phối hợp với Ban Dân tộc TP tổ chức.

Ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP chủ trì hội thảo. Cùng tham dự còn có ông Nguyễn Xuân Châu – Hàm Vụ Trưởng, Trưởng văn phòng đại diện Ủy ban Dân tộc tại TPHCM, ông Ngô Văn Triển – Trưởng ban Dân tộc TP.

Ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP (đứng) gợi ý vấn đề thảo luận. Ảnh: Lệ Loan

Hội thảo nhằm góp phần phản ánh thực tiễn về đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số - lực lượng tiềm năng to lớn, đồng thời có những giải pháp phù hợp, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển thành phố.

Các bài tham luận nghiên cứu về chính sách dân tộc của các nhà nghiên cứu đã cho thấy những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Việc thực hiện chính sách cần có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, tùy theo điều kiện ở từng vùng miền, có sự hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với môi trường và điều kiện sống của từng địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến lịch sử hình thành, phát triển tộc người, sự chuyển cư vào các thời điểm, việc bảo lưu văn hóa và giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số.

“Chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số về tuyến biên giới, vùng núi rất nhiều, riêng TP.HCM cũng đã vận dụng các chính sách chăm lo giảm nghèo tăng hộ khá, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cộng đồng dân tộc”, ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đại diện cho các dân tộc tại TP.HCM cũng nêu vấn đề khó khăn trong việc dạy chữ dân tộc. Cần phổ biến rộng rãi các chính sách hỗ trợ của thành phố cho các cấp, các ngành nắm để thực hiện, đồng thời, đồng bào dân tộc cũng biết để đề xuất thụ hưởng chính sách này. Phó Giáo sư Tiến sĩ Thành Phần – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP) nói: “Tôi biết rằng, Ban Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và tạo điều kiện rất nhiều cho dân tộc, nhưng người thụ hưởng, các đối tượng thụ hưởng không biết mình được thụ hưởng và được hỗ trợ như thế nào. Do đó, chính sách chúng ta có, nhưng người thụ hưởng không biết chính sách gì, người ta không nắm được. Vì vậy, chúng ta cần làm sao để tới tay được người thụ hưởng”.

40 năm hội nhập và phát triển, TP.HCM đã vận dụng lồng ghép chính sách dân tộc trong quá trình triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

TP.HCM có sự quan tâm đặc biệt hỗ trợ cộng đồng các dân tộc ít người vượt qua khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2014, hơn 10.700 đồng bảo dân tộc ít người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người già neo đơn, công nhân, sinh viên khó khăn tại 24 quận, huyện đã được chăm lo giúp đỡ với tổng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đồng bào dân tộc ít người còn được hưởng nhiều chính sách trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, miễn, giảm học phí, bảo hiểm y tế… Thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc ít người thông qua một số chủ trương, giải pháp, các dự án khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong chương trình quy hoạch, phát triển thành phố đến năm 2020, để cộng đồng dân tộc ít người hòa nhập vào sự phát triển chung, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ở đô thị.

“Từ nay đến năm 2020, thực hiện 36 đề án, dự án về chính sách trên địa bàn TP.HCM. Đối với TP.HCM là đô thị đặc biệt, một số chính sách của chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số không vận dụng được vì nằm ngoài tiêu chuẩn, một số chính sách có thể vận dụng được trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực xã hội… TP.HCM hiện đang chọn lọc nghiên cứu 36 chính sách thuộc các nhóm vấn đề này”- ông Ngô Văn Triển – Trưởng Ban Dân tộc TP.HCM nhấn mạnh.