Công tác cán bộ của TPHCM phải được đặt ngang tầm với vị trí mới: tinh gọn, hiệu quả

(VOH) - Sáng 27/11, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tại hội nghị, Thành ủy tiếp tục đề ra mục tiêu toàn diện về công tác cán bộ, gắn với thể chế chính trị. Đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo với quyết tâm cao hơn và toàn diện hơn nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực và uy tín tốt, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của Thành phố.

Trong 4 nhóm giải pháp về công tác cán bộ để thực hiện mục tiêu này thì ngoài nhóm giải pháp đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm thì cần nâng cao vai trò của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý sử dụng cán bộ. Phải dành thời gian, công sức, thường xuyên chăm lo cho đội ngũ cán bộ thuộc mình quản lý. Đặc biệt là trong tổ chức, bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc.

Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa 8 về chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP đã làm tốt công tác quy hoạch cán bộ từ diện Thành ủy quản lý cho tới quy hoạch cán bộ các cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ để tạo nguồn đáp ứng yêu cầu phát triển của TP với 3 chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân. Đây cũng là cách làm sáng tạo trong chủ động xây dựng nguồn cán bộ theo tính đặc thù của TP, nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

“Đảng bộ TP rất quan tâm đến vấn đề này, cán bộ nữ và cán bộ trẻ bao giờ cũng làm rất kỹ, cho nên tỷ lệ cán bộ nữ trẻ của TP cao. Đây chính là kết quả đặc thù trong công tác cán bộ. Quan tâm đến vấn đề tạo nguồn. TP có 3 chương trình tạo nguồn. Thứ nhất là tạo nguồn có tri thức cao gắn với hội nhập. Đây là chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó là 500 thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là một nét rất đặc thù. Sau khi TP làm chương trình này thì một số tỉnh, địa phương cũng học tập. Thứ hai là chương trình tạo nguồn cán bộ trẻ. Thứ ba là chương trình tạo nguồn xuất thân từ công nhân. Đây cũng là đặc thù và phát huy điều này rất quan trọng”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Cũng trong công tác đào tạo cán bộ, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, Thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 68.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cao học chuyên ngành. Ngoài ra, còn đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài với hơn 1.500 lượt cán bộ. Công tác này đã góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển Thành phố cho hiện tại và tương lai.

Ở một số quận, huyện, ngành, đơn vị đã có sự chủ động trong giới thiệu nhân sự tham gia chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, tạo nguồn cán bộ phục vụ xây dựng nông thôn mới, nguồn cán bộ giỏi chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu khoa học và nhất là công tác luân chuyển cán bộ.

Các đại biểu chia sẻ tại hội nghị.

Ông Lê Văn Tân - Bí thư quận ủy quận 6 cho biết từ năm 2010 đến nay, quận đã tuyển chọn và tiếp cận hơn 50 cán bộ công chức, sinh viên, qua đó đã bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ, có đầy đủ phẩm chất, trình độ vào các nguồn quy hoạch khác của quận để tiếp tục đào tạo, rèn luyện nâng cao năng lực thực tiễn, bố trí vào các chức danh lãnh đạo quản lý cơ sở. Chủ động nguồn nhân sự cấp ủy của quận và cơ sở để phục vụ tốt nhân sự cho công tác đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ qua.

Trong công tác cán bộ TP dù đạt nhiều hiệu quả, song vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế. Đó là một số cấp ủy nắm không chắc, đánh giá chưa đúng về phẩm chất năng lực cán bộ, nên khi đề bạt, bổ nhiệm không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thậm chí một số trường hợp thiếu tu dưỡng rèn luyện, phẩm chất đạo đức kém, lợi dụng chức vụ, chức quyền, thu vén cá nhân, làm giàu chất chính, có biểu hiện chạy chức chạy quyền ở một bộ phận cán bộ.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, TP cần có chính sách tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ nâng cao trình độ, có kiến thức, năng lực, phẩm chất đạo đức trong sáng, trách nhiệm để tham mưu đúng đắn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương cho rằng, công tác cán bộ của TP phải được đặt ngang tầm với vị trí mới của TP trên cơ sở tinh gọn, hiệu quả.

“Vai trò vị trí của TPHCM đã được Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khẳng định rất rõ là đô thị đặc biệt, có sức thu hút và lan tỏa của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vị trí quan trọng trong cả nước. Thế thì cán bộ của TPHCM cũng phải tương ứng với vị trí này, mới hoàn thành được nhiệm vụ. Tầm quan trọng của TP như thế nào thì công tác cán bộ phải đặt ngang tầm với đó. Nhưng tinh thần là phải tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả. Khuyến khích sáng tạo đổi mới, mạnh dạng thí điểm để tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.