Day dứt làng nghề <br><i> Phần 1: Đi tìm “một thời vang bóng”</i>

(VOH) - Suốt nhiều thập niên, hàng ngàn làng nghề lớn nhỏ ra đời không chỉ mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động mà còn góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, cải tạo diện mạo làng quê, vùng ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề truyền thống đang đứng trước những thách thức không hề đơn giản.

Nghe nội dung bài viết:


Mất gần một buổi sáng chúng tôi mới tìm ra làng An Hội- nằm ở Phường 12 - Quận Gò Vấp - nơi tập trung nhiều lò đúc đồng thủ công nhất của Sài Gòn - Gia Định xưa vì trong kí ức của nhiều người, thương hiệu sản phẩm này không tồn tại nữa.

Xóm lư đồng tại  Phường 12 - Quận Gò Vấp (ảnh: PLO)

Nếu như trước đây, An Hội luôn ngập tràn trong không khí nhộn nhịp, ồn ã với tiếng đập, tiếng gõ, với các khuôn đất của hơn 30 lò đúc lư phơi đầy trên lối đi. Vậy mà đến “xóm” lư trong những ngày này nhiều lò đúc đồng đã không còn đỏ lửa hoặc chỉ còn le lói, thảng hoặc cầm chừng…

“Mình yêu nghề, mình thích nghề nên cố gắng để tạo việc làm cho thế hệ mai sau. Mình không yêu nghề thì nó sẽ bị mai một và mất đi nghề truyền thống của mình. Cảm thấy hơi buồn và rất là mệt mỏi, kinh tế, thu nhập không thích đáng, không nhàn nhã như nghề khác, cho nên nó cực quá. Chịu khó chịu khăn người ta không vượt qua được nên nó phải mai một đi”.



Sự tiếc nuối của Bà Phạm Thị Liên - chủ cơ sở Lư đồng Ba Cồ cũng là sự nuối tiếc chung của 5 gia đình còn lại ở làng nghề An Hội đang từng ngày níu kéo, nuôi dưỡng nghề. Bởi họ biết, những sản phẩm được ra đời bởi công nghệ tối tân, dù có hoàn hảo đến mấy vẫn không đủ độ tinh xảo như hàng thủ công, được làm bởi tâm huyết, bằng chính sự khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ.

Từ Gò Vấp, chúng tôi tìm đến làng mai Thủ Đức - nằm cách cầu Bình Triệu khoảng 2km. Thế nhưng, thời vàng son của mai vàng Thủ Đức cũng đang xa dần do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Những vườn mai rực sắc vàng bạt ngàn, nay nhường chỗ cho những con đường nhựa, những ngôi nhà cao tầng san sát. Trong kí ức của nghệ nhân Năm Đông ở khu phố 7, thì trước kia ở khu vực Thủ Đức này người trồng mai đông và vui lắm, nhất là vào dịp cuối năm, khách ra vào tấp nập. Vậy mà giờ đây chỉ còn khoảng 10 hộ trồng mai so với mấy trăm hộ như trước kia. Làng mai Thủ Đức cũng không còn nhiều gốc mai lâu năm, có giá từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng nữa, mà chủ yếu là những chậu hoa nhỏ, giá khoảng 1-2 triệu đồng…Vườn mai 5.000 cây của gia đình ông giờ cũng chỉ còn khoảng hơn 2.000 và sắp tới có thể ông sẽ cho đóng cửa vườn, không trồng nữa vì không kham nổi chi phí:
“Ba bốn năm nay không có điểm bán được, bỏ nghề rất nhiều, mà có thể sau này sẽ bỏ hẳn luôn, là vì đất lấy làm đường, không còn để làm vườn nữa, rồi một số thì làm ăn thua lỗ. Như tôi đây đã làm được hai mươi mấy năm, nhưng tôi chắc có thể bỏ nghề luôn, năm nay có thể phá sản. Tuy rằng còn nhiều, nhưng giờ không có điểm bán, giờ làm ra hàng năm phân thuốc các khoản lên tới 4-5 trăm triệu, trong khi bán chỉ được khoảng 2 trăm triệu, thì có thể phá sản thôi, chứ giờ không thể chịu đựng được nữa”.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình trồng mai khác ở nơi đây. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn trong những năm tới, người trồng mai “lao đao” thì liệu họ có rời bỏ cái duyên đã gắn với nghề...Rồi đây, hình ảnh những vườn mai rực rỡ, bạt ngàn ở các vùng ven TP.HCM mỗi độ tết đến xuân về chỉ còn trong ký ức.

Thủ Đức không chỉ nổi tiếng một thời với các làng chuyên trồng mai, mà những hộ dân làm Nem nơi đây đang nuối tiếc bởi sự mai một của một làng nghề, từng là niềm tự hào của họ. Làng nem Thủ Đức ngày càng thưa vắng người làm nghề đã làm buồn lòng biết bao người. Một người dân nơi đây thì bồi hồi nhớ lại:

“Cửa hiệu nem bún, bún nem cứ vậy mà treo nem lủng lẳng rất là đẹp, nhìn mà phát thèm. Nhiều khi mình đi ăn trễ, rồi dân nội thành kéo lên đó ăn, trễ chút là không còn nem để ăn. 'Ở đâu mà không biết ta/ ta ở Thủ Đức vốn nhà làm nem'. Tự hào lắm, Thủ Đức ngày xưa từ đâu từ đâu cũng biết hết”.

Trên đường Dương Văn Cam, Lê Văn Tách phường Linh Tây, các lò nem đã giải thể gần hết, chỉ còn vài ba hộ sản xuất nhỏ lẻ cầm chừng. Một trong số ít lò nem còn “sống được” là hiệu nem “Bà Chín” trên đường Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú. Chủ hiệu là bà Nguyễn Thị Kim Cẩn, có biệt danh là “Chín nem”, gần 40 năm gắn bó với nghề. Giờ đã 90 tuổi, mắt mờ, chân run bà không thể làm nghề được nữa, nhưng bà vẫn yên tâm vì con trai lớn của bà là anh Lê Nguyên Hùng đã nối gót mẹ mình để giữ gìn cái nghề của dòng họ: “Là nghề truyền thống nên các gia đình sản xuất phải giữ được nét đặc trưng riêng của sản phẩm truyền thống của mình, thì mình mới có thể tồn tại. Mình đừng đi theo thị hiếu mà pha chế thế này thế kia để rồi đánh mất hương vị đặc trưng. Nếu nghề truyền thống của mình bị mai một thì mình rất tiếc, cứ hi vọng là người VN mình ủng hộ hàng VN thì các ngành nghề truyền thống của mình không bao giờ bị mai một”.

Chiều mưa lất phất, ngồi thưởng thức những lát nem hồng tươi, chua ngọt đằm thắm của nem “Bà Chín”, cái hương vị xa xưa của một thời nem Thủ Đức chợt tràn về. Tiếc là hương vị ấy sẽ không còn lưu giữ được bao lâu nữa, chưa mất hẳn đi, nhưng khá mong manh. Mong rằng quá khứ vang bóng “Đồng Nai có bưởi Biên Hoà, Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh” sẽ không chỉ còn trong ca dao, cái tên “Làng nem Thủ Đức” sẽ không đi vào quên lãng như những làng hoa, làng đúc đồng, làng chiếu, làng dệt Chăm....



Một làng nghề nằm ngay trong lòng của TP.HCM và in dấu sâu đậm trong kí ức của nhiều người dân Sài Gòn, đó chính là phố đóng giày thủ công Khánh Hội - Q4. Theo thời gian và vòng xoáy của sự hiện đại, tiện lợi và ồ ạt giày nhập ngoại đổ bộ vào VN, khách hàng đã không còn thiết tha với những đôi giày thủ công vốn nổi tiếng về sự bền chắc, đi rất êm chân. Đến nay đã có rất nhiều thợ đóng giày không thể sống tiếp được với nghề. Nhiều hộ bỏ nghề, chuyển nghề khác, hoặc cho thuê lại cửa tiệm. Chị Nguyễn Thị Tuyết - chủ tiệm giày Sài Gòn trên đường Hoàng Diệu cho biết:
“Giờ người ta theo mốt nhiều quá nên giờ các cửa hàng thủ công buôn bán chậm, hồi xưa một đôi giày thù công tại đây làm sử dụng mười mấy năm. Giờ một người đàn ông cũng 7-8 đôi giày, mang theo kiểu mốt thôi chứ không cần chất lượng. Nhiều người nói không cần mang bền quá”.

Phố đóng giày thủ công quận 4 vẫn đang từng ngày chết mòn bởi hàng hóa ế ẩm. Thi thoảng lắm mới có những vị khách già, tuổi trung niên, những người sống ở Sài Gòn nhiều năm và xa Sài Gòn cũng nhiều năm mang tâm trạng "hoài cổ"…quay lại đây như tìm về một kỷ niệm.



TP.HCM hiện có 19 làng nghề với 65 ngành, nghề sản xuất thủ công truyền thống, đa dạng về qui mô và lĩnh vực. Trong đó, có nhiều thương hiệu tồn tại có đến trăm năm. Gìn giữ nghề cha ông để lại và bảo tồn được giá trị văn hóa dân gian là một việc không hề đơn giản trong thời buổi công nghiệp hóa hiện nay. Có lẽ vì thế mà dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng nhiều người vẫn cố gắng nhen nhóm lại ngọn lửa yêu nghề thôi thúc con cháu giữ lại giá trị truyền thống mà ông cha đã dày công gây dựng, cũng là để gìn giữ giá trị văn hóa làng nghề Việt Nam.