Đẩy mạnh công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật

(VOH) - Theo số liệu thống kê thì số lượng người khuyết tật cả nước khoảng 6,7 triệu người, chiếm 7,8% dân số.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam xung quanh việc chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật.

Ảnh minh họa: NLĐ

* Xin ông cho biết trong thời gian qua Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có những chăm lo như thế nào dành cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trong cả nước và làm cách nào để người khuyết tật có được cuộc sống ổn định lâu dài?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Riêng năm 2014, trong hệ thống Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, qua các chương trình chúng tôi tổ chức và phát động, được các tổ chức cá nhân ủng hộ trên 350 tỷ đồng. Với số tiền đó, chúng tôi tổ chức các chương trình cấp xe lăn, phẫu thuật cho người khuyết tật, phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo, chương trình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT).

Ngoài ra, chương trình sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, trong đó đặc biệt chú ý đến xã nông thôn mới: hỗ trợ kinh tế, bò giống, heo, gà, vườn cây rau sạch cung cấp cho khu đô thị, cung cấp giống, vốn. Có nơi chúng tôi hướng dẫn cho họ những việc bình thường trong gia đình. Ví dụ như một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để họ bán hàng. Dạy nghề cho NKT trên địa bàn, động viên doanh nghiệp thu hút NKT vào làm việc. Chúng tôi cũng trợ giúp được khoảng trên hai triệu NKT.

* Hiện nay những sản phẩm do NKT làm ra rất khó tiêu thụ, vậy hội có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Theo quy định của Luật NKT thì các gia đình có NKT, anh em khuyết tật làm ra sản phẩm thì nhà nước có chính sách hỗ trợ sản phẩm cho họ. Thế nhưng trong thực tế còn khó khăn. Về phía chúng tôi xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm của NKT bằng cách động viên Ủy ban nhân dân huyện phát động tiêu thụ sản phẩm cho NKT, nhưng sản phẩm phải đạt chất lượng tốt. Ví dụ NKT làm chổi đót, mà chổi đót thì ai cũng cần để sử dụng nên NKT làm ra sẽ được tiêu thụ hết. Hoặc những vùng tạo cho anh em nghề mộc, mỹ nghệ …vẫn đảm bảo chất lượng không thay đổi.

* Thưa ông, được biết mục tiêu của đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt đến 2015 hỗ trợ 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp, đến nay đã thực hiện hoàn thành chỉ tiêu của đề án chưa?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Chỉ tiêu 250.000 có thể nói là không cao, nhưng để đạt được mức đó thì có thể nói rất khó bởi do nhiều nguyên nhân. Nếu nói về chỉ tiêu thời gian thì từ năm 2011-2015 mới đúng 5 năm. Nhưng quyết định 1019 của Thủ tướng chính phủ ban hành vào cuối năm 2011, vì vậy từ năm 2012-2015 thì chưa bắt tay vào làm kịp, thứ hai là khi đề án ban hành thì địa phương phải căn cứ đề án của Thủ tướng chính phủ để đề ra đề án của địa phương trong 5 năm. Vậy trong 5 năm đó phải dành bao nhiêu kinh phí, khảo sát bao nhiêu đối tượng, tổ chức cái gì, có khi năm 2012 chưa triển khai được. Bởi vì đến năm 2012 thì ngân sách đã xong năm 2011. Vậy khi năm 2012 mới bắt đầu xây dựng kế hoạch thì tôi cho rằng chưa triển khai được bao nhiêu. Như vậy, chúng ta mới chỉ có ba năm thực hiện. Chúng ta tổ chức dạy nghề để có việc làm, mạng lưới và điều kiện cho NKT cũng chưa được bao nhiêu. Cho đến 2015 cũng chỉ đạt được khoảng 30%. Vì theo thống kê của Bộ, một năm cũng trên dưới 10.000 đến 12.000 người được dạy nghề. Nếu như thế tôi cho rằng là khoảng 60 – 70 ngàn là cố gắng lắm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu chúng ta đạt cũng khó khăn. Riêng hội chúng tôi, mỗi một năm dạy trung bình trên dưới 7.000 lao động NKT trong hệ thống của Hội. Riêng Hội chúng tôi đề ra, nếu đảm bảo dạy nghề thì Hội cố gắng phấn đấu trên dưới một ngàn lao động khuyết tật. Kế hoạch này trong 5 năm tới khả dĩ hơn.

*  Thưa ông, từ trước tới nay chúng ta chỉ chăm lo trực tiếp về mặt sức khỏe, vật chất và tinh thần, tuy nhiên chưa chú trọng đến việc tập huấn làm sao để NKT có thể tự chủ động trong việc phòng ngừa thảm họa, rủi ro khi có thiên tai, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Hiện nay Luật cũng quy định là tập huấn cho gia đình và cho bản thân NKT về cách phòng ngừa và các lĩnh vực khác, nhưng hiện nay chúng ta chưa có điều kiện để có thể tập huấn đào tạo và giáo dục cho những điều kiện như thế.

Bên cạnh việc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng với các chính sách về  lĩnh vực như đề án đã nêu, thì rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị cho gia đình, bản thân người khuyết tật. Bởi có những trường hợp khuyết tật mà chúng ta không cẩn thận thì người ta lại trở thành khuyết tật lần thứ 2, vì thế phải tập huấn cho học cách phòng tránh và cách xử lý khi thảm họa xảy ra.

Ngoài ra, phải trang bị cho NKT có thể giải quyết được vấn đề của họ, vì vậy chúng ta nên mở rộng mạng lưới, mở rộng nhiều trung tâm phục hồi chức năng thông qua các tổ chức chi hội để các tổ chức trên trang bị lại cho NKT. Mỗi dạng khuyết tật đòi hỏi những kỹ năng khác nhau và họ tự giải quyết được vấn đề nếu được đào tạo. Về vấn đề này chúng ta phải đào tạo và bồi dưỡng trong thời gian sớm nhất.

* Thưa ông, để chăm lo hơn nữa cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thì trong thời gian tới Hội có những kế hoạch gì?.

Ông Nguyễn Đình Liêu: Hiện Hội chúng tôi đang có chiến lược phát triển đến năm 2017, ngoài việc thực hiện các chương trình, các đề án đã làm, thì chúng tôi sẽ tạo ra những điều kiện mới cho NKT qua những việc mà họ tham gia được. Cụ thể, chương trình một trái tim một thế giới của chúng tôi, tức là những người khuyết tật có thể tham gia vào cơ quan lập pháp của nhà nước như quốc hội hay NKT khiếm thị trở thành giáo viên dạy nhạc. Những việc kể trên chúng tôi muốn khơi lên để tiếp tục phát huy họ trong cuộc sống và để tiến tới NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội khác.

Xin cám ơn ông.