Đẩy mạnh liên kiết vùng

(VOH) - Vấn đề nhức nhối trong phát triển đô thị TP hiện nay đó là kẹt xe, ngập nước.

Theo các chuyên gia, cốt lõi của vấn đề này nằm ở công tác quy hoạch, cụ thể là cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng đô thị và những liên kết vùng đô thị với các tỉnh thành xung quanh.

Liên kết vùng đô thị

Chỉ cần giải quyết việc liên kết vùng và có tầm nhìn phát triển hạ tầng thì những vướng mắc về thực trạng giao thông trong thành phố sẽ được tháo gỡ. Phương cách để khắc phục tình trạng này, cần phát triển các TP vệ tinh trong vùng đô thị, “giải nén” các công trình xây dựng ra ngoại thành, phát triển đa dạng các loại hình giao thông như phát triển hệ thống metro, xe buýt mini tư nhân, khôi phục lại hệ thống giao thông đường thủy, hạn chế xe máy và xe hơi. Các vấn đề quy hoạch vùng đô thị và những liên kết vùng đô thị đã được thực thi song hiệu quả mang lại thì chưa như mong đợi.

Theo bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2010, khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây-Bắc, Tây-Nam. Trong đó hai hướng Đông và Nam là hai hướng phát triển chính, còn lại là những hướng phụ.

Vì là hướng chính nên được TP ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực phía Đông, Nam. Tuy nhiên, dân số lại đang có xu hướng dịch chuyển về các hướng phụ, tức là hướng Tây Bắc, Tây Nam gồm các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… Theo một thống kê cách đây chưa lâu của Viện Nghiên cứu - Phát triển TP, địa bàn có tốc độ tăng dân số cao nhất là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, thuộc hướng phát triển phụ của thành phố, với mức tăng bình quân 11,6%/năm. Trong khi đó, quận 7, huyện Nhà Bè… mức tăng trung bình chưa tới 6%/năm.

Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP, đi về phía Bắc và Tây Bắc, cơ bản chỉ có đường Xuyên Á. Hiện nay, nhiều tuyến đường kết nối với đường Xuyên Á cũng như từ nội thành ra các quận huyện phía Bắc và Tây Bắc như đường Cộng Hòa, Trường Chinh… thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Có một sự tương phản khá rõ nét trong giao thông ở khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc, Tây Bắc, Tây, Tây Nam… Trong khi giao thông ở khu vực phía Nam khá vắng vẻ, các đường trục Bắc - Nam, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đặc biệt đường Rừng Sác - Cần Giờ rất hiếm xe lưu thông, giao thông ở khu vực phía Đông ngày càng được cải thiện bởi hàng loạt dự án lớn như mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Sài Gòn 2, đầu tư xây dựng mới đường Phạm Văn Đồng… thì giao thông khu Bắc, Tây Bắc, Tây, Tây Nam ngày càng có xu hướng xấu đi. Cửa ngõ đi ra hướng Tây Bắc chỉ có đường độc đạo Trường Chinh.

Đường Nguyễn Văn Linh - Quận 7, TPHCM - Ảnh: Nhandan.

Quy hoạch phải kèm giải pháp thực hiện

Không phải ngẫu nhiên, người dân chọn vùng đất phía Bắc và Tây Bắc để sinh sống. Khu vực này có địa chất tốt, chi phí xây dựng vì thế thấp, hơn nữa đây còn là vùng đất cao, ít khi bị ngập. Đây có phải quy hoạch của TP chưa phù hợp? Ông Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch TPHCM, nguyên phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc TP khẳng định, cũng chưa hẳn là như vậy. Vấn đề chính, chính là khi quy hoạch phải kèm theo giải pháp để thực hiện. Nếu quy hoạch không tốt có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ quả không hay về mặt đô thị cũng như về tài chính.

Nếu đã định ở đó là đô thị thì phải quy hoạch cụ thể. Nếu để tự do thì người dân sẽ phát triển tập trung theo cách của họ. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch có một yếu tố quan trọng đó là tác động của thị trường, nguời dân sẽ sinh sống ở nơi nào mà người ta được tạo thuận lợi nhất. Nên quy hoạch phải đồng bộ thì may ra mới hút người dân đến ở”, ông Cương cho biết.

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

Chính vì lẽ đó, TP cần nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ để tránh mất cân đối trong phát triển đô thị, đặc biệt cần có chính sách kết nối quy hoạch bằng hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Một thách thức của TP chính là lợi thế phát triển. TPHCM có vị trí đặc biệt quan trọng là trung tâm kinh tế văn hóa, là đầu mối giao lưu, nghĩa là tập trung quá nhiều chức năng quan trọng. Đây là lợi thế không nơi nào có được nhưng đó cũng là một bất lợi. Nếu TP không có những bước đi thích hợp, không có sự liên kết vùng, không có chính sách đột phá chủ động, không thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển thì các lợi thế sẽ trở thành thách thức vô cùng to lớn”, Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến phân tích.

Muốn như vậy đòi hỏi cơ chế thu hút nguồn lực ngoài nhà nước. Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, cũng cho rằng áp lực lớn cho quy hoạch TP chính là vấn đề dân số. Theo quy hoạch đến năm 2025, TP có 10 triệu dân nhưng đến nay dân số đã hơn 10 triệu. Do đó, cần phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho tương xứng. Số vốn để thực hiện quy hoạch hạ tầng cho TP đến năm 2025 là khoảng 1.300.000 tỉ đồng.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP cho biết: đầu tư cho hạ tầng, giải quyết ùn tắc giao thông vẫn sẽ là công tác trọng tâm. Vấn đề này cần rất nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề tài chính. “Việc giảm ùn tắc giao thông đang là một trong những ưu tiên hiện nay. Để thực hiện được thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Chúng ta hay nói đường thông thì tài chính cũng thông và ngược lại. Chúng tôi xác định không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách TP mà việc phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực còn phải gắn với tài chính đô thị và phương án khả thi trong việc tăng giá trị  các quỹ đất dọc tuyến hoặc có giải pháp để giảm nguồn vốn ngân sách. Hoặc nếu nguồn vốn ngân sách đầu tư thì đó là nguồn vốn mồi để kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông TP”, ông Cường nói.

Theo thời gian cùng với những bước đi trong quản lý, đầu tư, diện mạo của một thành phố kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, phát huy các bản sắc tốt đẹp của dân tộc đang dần định hình, xứng đáng là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước. Nhưng song hành với đó là nhiều vấn đề đặt ra cho TP trong tương lai, nhằm xây dựng TP thành một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.