Đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ

(VOH) - Chiều ngày 6/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc của mình với các nội dung về Luật bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi), sau đó sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật cảnh vệ để nghe các đại biểu đóng góp ý kiến và có điều chỉnh cho phù hợp.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến có tất cả 12 chương, 97 điều, so với Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới: 29 điều; bỏ: 19 điều.

Trước những thay đổi lớn về nội dung dự thảo Luật, đặc biệt phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lấy tên Luật là “Luật Lâm nghiệp’’ thay cho “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)”.

Trình bày nội dung Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết lí do sửa đổi: “Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khá được nghiên cứu”.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hôi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV & PTR) năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; phù hợp với các thể chế đã được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, về tên gọi thay đổi thành Luật Lâm nghiệp, ông Phan Xuân Dũng cho hay: “Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, mặc dù phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật thể hiện rộng hơn Luật hiện hành. Nhưng, với phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung, kết cấu của Dự thảo Luật thì việc giữ nguyên tên gọi của Dự án Luật là Luật BV&PTR như Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội đã nêu là phù hợp”. 

Ngay sau nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi, các đại biểu đi vào thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật cảnh vệ. Luật này có 6 chương, 33 điều quy định về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Ảnh minh họa. 

Nghe bài viết tại đây 

Góp ý cho dự thảo Luật cảnh vệ sửa đổi, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, đoàn TPHCM cho rằng, dự thảo Luật cảnh vệ nên bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ. Vì đây là người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cũng đồng tình với đề nghị trên và giải thích thêm, việc quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thuộc đối tượng cảnh vệ cũng không đặt ra thêm đối tượng cảnh vệ, vì  đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã là Bí thư Trung ương Đảng, là đối tượng cảnh vệ theo Điều 10. Quy định này chủ yếu góp phần củng cố sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với vị trí, vai trò của tòa án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; quy định nổ súng của lực lượng cảnh vệ; chính sách đối với lực lượng cảnh vệ, điều kiện, tiêu chuẩn chọn người vào lực lượng cảnh vệ.

Theo chương trình dự kiến, ngày 7/6, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về 2 Dự án Luật: Luật  Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật Thủy sản (sửa đổi).