Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động Y tế dự phòng

(VOH) – Chiều 17/2, sau chuyến thị sát buổi sáng tại viện Pasteur, Viện vệ sinh y tế công cộng, Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng và Trung tâm Y tế dự phòng TP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc trực tiếp với các đơn vị này .

Đây là những cơ sở vừa đảm nhận phòng chống dịch, giám sát, thực hiện tiêm chủng, bên cạnh đó còn là nghiên cứu khoa học do vậy mô hình hoạt động, tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để phát triển rất được lãnh đạo Bộ y tế quan tâm. Làm sao để các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn thu hút được đội ngũ cán bộ y tế vì tâm lí các bác sĩ vẫn thích chọn hệ điều trị hơn về các cơ sở y tế dự phòng.

Do vậy đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế dự phòng là hướng đi phải mang tính đột phá trong tương lai. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Ngay cả khối khám chữa bệnh không đủ ngân sách, do vậy bảo hiểm y tế chi trả, người dân đóng vào. Về sau, hoạt động y tế dự phòng cũng đi theo hướng đó, được xem là một hoạt động dịch vụ. Tiếp sau cuộc họp này, các Vụ, Cục, lãnh đạo Bộ sẽ họp tiếp, mời các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng trong và ngoài nước dạy về cơ chế tài chính để xây dựng đề án đột phá cho y tế dự phòng".

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại viện Pasteur

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị này cần phải đổi mới hội nhập nhưng phù hợp thực tiễn. Với các viện, trung tâm đảm nhận chính chức năng dự phòng, thì vấn đề tài chính như thế nào để tăng nguồn thu, thu hút bác sĩ cũng như trang thiết bị phải đầu tư hiện đại hơn nữa. Tương lai, trong gói dịch vụ y tế cơ bản có tiêm chủng sẽ hướng đến bảo hiểm y tế sẽ chi trả.