Động đất liên tiếp tại Kon Tum

(VOH) - Chỉ từ năm 2021 đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra trên 300 trận động đất.

Vào lúc 11 giờ 21 phút ngày 13/10/2022, một trận động đất có độ lớn 3.5, độ sâu chấn tiêu 8.1km xảy ra tại tọa độ 14.886N-108.245E thuộc địa phận Kon Plông, tỉnh Kon Tum, theo bản tin cảnh báo động đất của Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu.

Hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo Sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Các ngày 10, 11, 12/10, tại đây cũng liên tiếp xảy ra động đất. Cụ thể vào hồi 14 giờ 00 phút 50 giây (giờ Hà Nội) ngày 12 tháng 10 năm 2022, một trận động đất có độ lớn 2.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.973 độ vĩ Bắc, 108.205 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất ngày 11/10 có độ lớn 3.7 và ngày 10/10 có độ lớn 2.5.

Vị trí tâm chấn động đất trưa 13/10 ở Kon Tum
Vị trí tâm chấn động đất trưa 13/10 ở Kon Tum

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 1903 – 2020 tại khu vực tỉnh Kon Tum ghi nhận 33 trận động đất với cường độ M=2,5 – 3,9. Từ tháng 2/2021, động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Từ năm 2021 đến nay nơi đây đã xảy ra trên 300 trận động đất mới.

Trong số đó, trận động đất có cường độ 4,7 độ richter xảy ra vào hồi 14 giờ 08 phút 04 giây ngày 23/8 là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum. Trận động đất này gây tiếng động và rung lắc lớn, ảnh hưởng tới các khu vực lân cận. Nhận định bước đầu, các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu cho rằng động đất liên tiếp thời gian qua ở Kon Tum là động đất kích thích, gây ra do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện. Nhưng để khẳng định nguyên nhân phát sinh và có cơ sở để dự báo, đơn vị cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất tại khu vực này.

Xem thêm: Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, hướng về miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 13,3 độ vĩ bắc và 115,1 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 200 km về phía bắc đông bắc. Do ảnh hưởng kết hợp của tổ hợp không khí lạnh, hoàn lưu ATNĐ và gió đông hoạt động mạnh, các tỉnh Trung bộ từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to.

Các cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần đề phòng các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, chuẩn bị các phương án phòng chống an toàn.