Chờ...

Đồng Tháp kỷ niệm 60 năm ngày tập kết

(VOH) - Kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh, phóng viên Đài đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp.

Tập kết chuyển quân là một nội dung quan trọng trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954. Do có vị trí chiến lược thuận lợi, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) được Đảng ta chọn làm một trong 3 khu tập kết quan trọng tại Nam bộ. Việc chuyển quân tập kết ra Bắc bắt đầu từ ngày 6/10/1954 và kết thúc ngày 29/10/1954. Trong 3 đợt chuyển quân tại Bắc Cao Lãnh đã có trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ xuống tàu ra Bắc.

Trong 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh, nhân dân đã có những đóng góp vô cùng lớn lao. Hàng trăm gia đình, hàng triệu lượt người dân đã đồng hành cùng cán bộ, bộ đội trong hành trình tập kết. Những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, chan chứa tình quân dân “cá nước” của người dân Cao Lãnh là động lực mãnh liệt giúp những người tập kết vượt lên trên tất cả để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

* Trước hết xin cảm ơn ông đã dành cho Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, cách đây 60 năm, từ Cao Lãnh – Đồng Tháp, đã có hơn 13.000 quân dân miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Geneve, kỷ niệm sự kiện quan trọng này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp có những hoạt động tuyên truyền ra sao?

Ông Lê Minh Trung: Sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954 là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Để kỷ niệm 60 năm sự kiện trên, Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đã chuẩn bị nhiều nội dung. Công việc này được triển khai từ cách đây 2 năm, tức là từ năm 2012 nhân kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước hết Tỉnh đã hoàn thành bộ hồi ký của các nhân chứng lịch sử, với tựa đề “Đi vinh quang, ở anh dũng” – đây là khẩu hiệu của cán bộ, chiến sĩ ta trong thời điểm đó. Trong 2 ngày 28 và 29/10, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Trong đó có 2 chương trình lớn, đó là buổi họp mặt giao lưu với chủ đề “Giữ trọn niềm tin” và hoạt động thứ 2 là tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài kỷ niệm sự kiện tập kết tại bến sông Cao Lãnh – nơi mà những người tập kết đã xuống tàu để chuyển quân ra miền Bắc.

Quang cảnh tiễn đưa bộ đội tập kết ra miền Bắc sau hiệp định Genève tại Cao Lãnh (tháng 10/1954) - Ảnh tư liệu.

* Phát huy tinh thần kiên cường, anh dũng của thế hệ đi trước, tỉnh Đồng Tháp hôm nay đã gặt hái được những thành tựu nổi bật gì trên các mặt kinh tế - xã hội?

Ông Lê Minh Trung: Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua đã đoàn kết một lòng, không ngừng sáng tạo, tích cực phát huy tiềm năng và thế mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách và cũng có thể nói là đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Kinh tế liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm vừa qua ước đạt 9,47%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 32,9 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Riêng về nông nghiệp, sản lượng lúa bình quân đạt khoảng 3 triệu tấn/năm, trong năm nay thì đạt trên 3 triệu tấn. Thu hút đầu tư vào tỉnh khá tích cực do đạt được những chỉ số cạnh tranh cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện rõ rệt; vùng đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tốt hơn.

* Là một tỉnh được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khá cao ở đồng bằng sông Cửu Long, với cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu ở khu vực nông nghiệp. Vậy để gia tăng giá trị của khu vực này trong tương lai, Đồng Tháp sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lê Minh Trung: Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp và chắc chắn rằng định hướng phát triển trong những năm tới của tỉnh sẽ tập trung vào nông nghiệp là chính, để tăng sự phát triển bền vững cũng như thu nhập của bà con ở nông thôn và nông dân. Tuy nhiên tỉnh hiện cũng đang đứng trước nhiều vấn đề về lĩnh vực nông nghiệp, nên năng suất và chất lượng vẫn còn thấp. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xác định phải nâng cao hiệu quả của sản xuất trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp để phát triển bền vững và cùng có lợi. Do đó, Đề án tái cơ cấu về nông nghiệp được đặt lên là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và cũng như những năm sau đó. Tỉnh cũng xác định lấy tái cơ cấu nông nghiệp làm trọng tâm để tái cơ cấu về kinh tế. Với mục tiêu đó, Đề án không chỉ giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà còn giải quyết nhiều vấn đề trên các lĩnh vực khác, ít nhất là về tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống, cơ cấu lại vốn đầu tư, cơ cấu lại lao động xã hội …

* Bên cạnh phát triển về kinh tế, một vấn đề cũng cần được quan tâm đó là việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, mang tính biểu trưng của vùng đất Tây Nam bộ. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Ông Lê Minh Trung: Trong những năm vừa qua, Đồng Tháp luôn quan tâm định hướng và phát huy các giá trị truyền thống, mang tính biểu trưng của vùng Đồng Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, cũng như vùng đất Tây Nam bộ nói chung. Và chúng tôi cũng coi đây là nền tảng để xây dựng con người Đồng Tháp trong những năm tới. Nằm trong tiểu vùng văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long và có bề dày lịch sử hơn 300 năm, Đồng Tháp là tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng, và quan trọng là có nhiều cảnh quan thiên nhiên còn giữ được nét đặc hữu, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như: vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, khu di tích Xẻo Quýt… Ngoài ra còn có các di sản văn hóa đặc trưng của Đồng Tháp đã và đang được phục hồi. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước như làng hoa Sa Đéc - mà tới đây sẽ phát triển thành thành phố hoa nhiệt đới Sa Đéc; làng gốm Châu Thành, nem Lai Vung, chiếu Định Yên. Hay các di sản phi vật thể như hò Đồng Tháp cũng là một nét văn hóa đặc trưng của Đồng Tháp và Đồng Tháp Mười, đờn ca tài tử…Tất cả đều mang bản sắc văn hóa của vùng sông nước, kết hợp với tính cách hào sảng của người phương Nam, với truyền thống bất khuất kiên cường trong đấu tranh, cần cù trong lao động thì chắc chắn sẽ tạo thành sức mạnh để xây dựng quê hương Đồng Tháp ngày càng phát triển.

* Cám ơn ông!

Phác thảo tượng đài kỷ niệm sự kiện tập kết 1954 - Ảnh: Tuyengiao.