Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM: Đồng thuận về chủ trương nhưng Chính phủ phải có báo cáo khả thi cụ thể!

(VOH) - Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM là một nội dung quan trọng của kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa 12 lần này và trong buổi chiều hôm qua, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra phân tích và góp ý cho công trình này.

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng đây là dự án quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nên cần xem xét một cách tổng thể và cụ thể hơn.

 Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM có tổng mức đầu tư hơn 1.000.000 tỷ đồng, tương đương gần 56 tỷ USD. Việc xây dựng dự án này là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc-Trung-Nam và 20 tỉnh, thành phố mà dự án này đi qua. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng-đoàn TPHCM, cho rằng: Chúng ta nên nắm bắt cơ hội đang lên và tận dụng uy tín của Việt Nam với các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thi công dự án này càng sớm càng tốt. Đồng thuận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, đại biểu Trần Du Lịch-Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, khẳng định: Đây là dự án khẳng định tầm nhìn chiến lược về định hướng phát triển lâu dài của đất nước. Dự án này sẽ phục vụ cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên số tiền đầu tư gần 56 tỷ USD là một con số quá lớn, đòi hỏi Chính phủ phải có những bài toán căn cơ và cụ thể. Về nguồn vốn đầu tư cho dự án này, đại biểu Trần Du Lịch đã góp ý về giải pháp thực hiện:


 

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận về dự án có rất nhiều sự đóng góp, tranh luận sôi nổi của các đại biểu. Nhiều đại biểu băn khoăn về hiệu quả và tính khả thi mà Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM đem lại.
Đại biểu Trần Hữu Nam-tỉnh Bình Dương cho rằng: Chính phủ chưa xây dựng được một báo cáo cụ thể về những vấn đề liên quan của dự án, như: Lộ trình tuyến đường sắt này cao tốc là bao nhiêu? Thời gian đi lại cụ thể bao lâu? Rồi sức cạnh tranh của vận chuyển hành khách bằng đường sắt cao tốc với các phương tiện giao thông khác chênh lệch là bao nhiêu và dự án này có phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông chung của cả nước hay không? Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhìn nhận: Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM có một số điểm chưa thống nhất với các chiến lược và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn, thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến năm 2035, dài hơn thời gian thực hiện Chiến lược và Quy hoạch là năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Chu Sơn Hà-đại biểu đoàn thành phố Hà Nội, băn khoăn việc với một dự án lớn như dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM có đến hơn 16.000 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, và số đất của trên 9.400 hộ gia đình sẽ bị thu hồi là trên 15.000 héc ta, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và đời sống của nhân dân, Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo đầu tư thì phương án di dân còn rất sơ bộ. Đại biểu Chu Sơn Hà, đóng góp ý kiến cho dự án này:
 
Còn đại biểu Đặng Huyền Thái-đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tỏ ra băn khoăn về tính khả thi, và nhu cầu phát sinh thêm tiền khi thực hiện dự án này:
 
Cũng trong trong buổi thảo luận tại các tổ về Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM chiều hôm qua, có rất nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng Chính phủ và chủ đầu tư phải giải trình và phân tích cụ thể hơn tính khả thi của từng thời kỳ thực hiện dự án trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch phát triển vận tải biển, đường sông, đường sắt... Đặc biệt là đối với quy hoạch của Hà Nội và TP HCM sẽ là nơi xây dựng hai ga đầu mối hiện đại bảo đảm kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và các loại phương tiện giao thông khác trong đô thị của 2 thành phố này, cũng như các nhà ga dọc tuyến kết nối với hệ thống giao thông của các tỉnh-thành phố khác.

Sáng nay 22/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ để đóng góp ý kiến cho báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008./. 

Quốc Dũng