Ghi nhận ngày làm việc 3/6 của kỳ họp Quốc hội

(VOH) - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng 3/6, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày về các tờ trình và nghe báo các thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội về 3 dự án Luật gồm: Luật tố tụng hành chính; dự án Luật viên chức và dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ban soạn thảo nghe ý kiến của các đại biểu. Ảnh: SGGP

Về Dự án Luật tố tụng hành chính được trình ra Quốc hội lần này gồm 13 Chương, 163 Điều, trong đó xác định nhiệm vụ quan trọng của dự án Luật là thể chế hóa hóa các chủ trương về cải cách tư pháp; Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; Bảo đảm tính thống nhất và quyền thực thi cũng như nâng cao tính hiệu quả trong xử lý các vụ án hành chính.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, cho rằng: Qua 14 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính  được ban hành năm 1996, đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và bảo vệ pháp chế trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua cho thấy các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã bộc lộ những hạn chế và bất cập; có những quy định mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai,… có những quy định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp, đặc biệt là các quy định về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện,... Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn để thay thế Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.

Nhận xét về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba, khẳng định: Dự án Luật tố tụng hành chính được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực tố tụng hành chính. Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ quan điểm đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như về khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính,... Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến đại biểu đề nghị: Dự án Luật tố tụng hành chính cần làm rõ hơn về “các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính Nhà nước” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là những hành vi nào để tránh cách hiểu không thống nhất và khó vận dụng khi Dự án Luật được Quốc hội ban hành. Nói về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba, cho rằng:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: SGGP

Liên quan đến dự án Luật viên chức được Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày, cho thấy: Đây là một dự án luật quan trọng bởi nó tác động tới hàng triệu viên chức trong bộ máy Nhà nước hiện nay. Theo kết quả điều tra, hiện nay cả nước có tổng cộng trên 52.000 đơn vị sự nghiệp công lập và hiện nay tổng số viên chức cả nước là trên 1,6 triệu người. Mục tiêu của dự án Luật Viên chức nhằm cải cách khu vực dịch vụ công theo hướng hiện đại, năng động, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức có phẩm chất, trình độ, năng lực, khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quản lý viên chức hiện nay để  phù hợp với cơ chế thị trường cạnh tranh, với xu hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi trong thực tế hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức, thể chế quản lý viên chức và đội ngũ viên chức còn một số hạn chế và tồn tại, như vị trí của viên chức chưa được xác định rõ ràng trong mối quan hệ giữa hành chính nhà nước với sự nghiệp dịch vụ công; chưa có sự phân định giữa hoạt động quản lý nhà nước của công chức với hoạt động nghề nghiệp của viên chức; các quy định hiện hành chưa có sức hút mạnh đối với nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi tham gia vào khu vực sự nghiệp công lập... Về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, nói:

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Tờ trình dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bảo vệ người tiêu dùng đang là một trong những vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo thống kê của cá cơ quan chức năng, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 77.000 ca mới mắc bệnh ung thư trong đó 80% là do môi trường sống. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý là, từ năm 2004 đến nay cả nước có gần 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 23.000 người bị mắc và trên 300 người tử vong. Chính vì điều này việc ban hành dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết.   

Trong buổi thảo luận tại các tổ chiều qua, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận và góp ý cho Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

  Quốc Dũng