Gìn giữ di tích nhà tù Côn Đảo cho mai sau

(VOH) - Mỗi câu chuyện về các hiện vật, hay những đoạn hồi ức được chính những cựu tù chính trị ghi lại, là những bài học mang tính nhân văn sâu sắc.

Sau 47 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đoàn lãnh đạo TPHCM cùng những cựu tù năm xưa lại đến với Côn Đảo - “địa ngục trần gian” năm nào để tưởng nhớ, tri ân những người chiến sĩ đã ngã xuống.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Bà Tô Thi Bích Châu và Bà Bùi Thị Son viếng Mộ anh Hùng Lê Văn Việt tại nghĩa trang Hàng Dương
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Bà Tô Thi Bích Châu và Bà Bùi Thị Son viếng mộ anh hùng Lê Văn Việt tại nghĩa trang Hàng Dương.

Thật khó có thể tưởng tượng thực tế khắc nghiệt, tàn bạo mà các cựu tù binh cách mạng đã trải qua. Lớp lớp người chiến sĩ đã vượt mọi nhục hình, tra tấn, đọa đày để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Mỗi câu chuyện về các hiện vật, hay những đoạn hồi ức được chính những cựu tù chính trị ghi lại, là những bài học mang tính nhân văn sâu sắc. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị những kỷ vật và hình ảnh quý báu đó?

Đến với Côn Đảo - “Bàn thờ của Tổ quốc”, chúng ta được nhìn tận mắt, sờ tận tay hiện vật quá khứ qua những tư liệu, hình ảnh, hiện vật, để từ đó mãi khắc ghi quá khứ tranh đấu hào hùng trong trái tim mỗi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Việc giáo dục truyền thống qua các hình ảnh, kỷ vật sẽ giúp mỗi người nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy “thiên sử vàng” chói lọi trong thời đại mới - như điều bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù Côn Đảo mong muốn.

Bà Trương Mỹ Hoa bày tỏ tâm nguyện, di tích này cần được gìn giữ, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, là “địa chỉ đỏ” và xứng đáng với sự hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống: “Di tích này phải được gìn giữ. Coi đó là tài sản vô giá của đất nước chúng ta. Cái gì có thể mất đi nhưng cái này không thể mất đi được. Bởi đó là sự kiên định của những con người đã nằm xuống ở đây và độc lập tự do cũng phải trả bằng xương máu của những con người như thế này. Cho nên cần phải bảo tồn, gìn giữ một cách chu đáo và là nơi giáo dục cho các thế hệ truyền thống nối tiếp của dân tộc Việt Nam như một dòng chảy xuyên suốt của lịch sử để người ta tiếp tục đi theo con đường này, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời phát huy tinh thần, ý chí kiên trung bất khuất của những người nằm ở đây”.

Hình ảnh nữ chiến sĩ cách mạng bị giam tại nhà từ Côn Đảo
Hình ảnh nữ chiến sĩ cách mạng bị giam tại nhà từ Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)

Bà Bùi Thị Son – nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - Cựu tù Côn Đảo, nhớ lại, nhiều lần bà bị địch bắt tù đày, từ nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp. Đến khi Bác Hồ mất, bà cùng chị em để tang Bác và bị chúng đày ra Côn Đảo giam vào trong chuồng cọp. Bây giờ trở lại Côn Đảo, thấy sự hy sinh của mình và của đồng chí đồng đội là xứng đáng. Côn Đảo bây giờ rất sạch đẹp và thanh bình, người dân sống an vui. Bà hy vọng những nhà viết sử nghiên cứu kỹ để lưu giữ những tư liệu, phim ảnh cho thế hệ sau biết được các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh như thế nào cho đất nước được độc lập, tự do, hạnh phúc. Nữ cựu tù cũng mong rằng Côn Đảo ngày càng phát triển và phát triển nhanh, để mọi người đến đây không chỉ du lịch tâm linh mà còn để thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh.

Mình phát triển như vậy thì mới xứng đáng với sự hi sinh của anh em mình. Về mặt lịch sử, phải có những di vật, chứng cứ hoặc là những ngôi mộ chưa tìm được tên, mình phải làm sao để tìm được tên. Tại vì anh em mình ai cũng có tên hết, chỉ có giặc là khi hi sinh rồi nó đem nó dập vùi vậy, mình mới mất tên thôi. Chứ anh em mình sinh ra cha mẹ đã đặt tên rồi, mà đi làm cách mạng có khi còn có 2 – 3 tên nữa, mà bây giờ hi sinh rồi lại không tìm được thì cố gắng tìm cho được”, bà Bùi Thị Son nói.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, di tích nhà tù Côn Đảo là nơi có một không hai, ghi lại dấu ấn về cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc. Do đó, những di tích như thế này cần được gìn giữ và phải được tôn tạo thường xuyên. Mặt khác, đối với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đây cũng là nơi họ tìm đến để hiểu được giá trị của con người Việt Nam, hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa và giá trị của hòa bình, độc lập. Và việc gìn giữ, tôn tạo di tích nhà tù Côn Đảo là nhiệm vụ của cả nước chứ không riêng một địa phương, phải có quy hoạch phát triển bài bản.

Không có nghĩa là bây giờ nó có thì nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, mà mình phải gìn giữ nó để phát triển. Và nếu như mình không gìn giữ thì sau này con cháu sẽ mất vĩnh viễn, sẽ không thể khôi phục lại được. Như mình bây giờ, mình đến nhà tù mà các cô, các chú đã từng chịu đựng sự giam cầm và hiểu được tinh thần đấu tranh kiên cường của các cô, các chú đó và nhìn vào di tích đó gây cho mình cảm xúc đặc biệt lắm. Nhưng bây giờ mình không gìn giữ nó, sau này mình xây dựng lại thì cảm xúc đó sẽ không còn, không tạo được cảm xúc cho thế hệ mai sau. Đấy là một mất mát rất lớn cho thế hệ mai sau”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở.

Trại giam Phú Bình Côn Đảo
Trại giam Phú Bình Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)

Trao đổi với bà Phạm Thị Tám – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo về vấn đề này, bà cho biết: “Để giáo dục truyền thống yêu nước cũng như thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và đặc biệt là các liệt sĩ đang yên nghỉ tại mảnh đất Côn Đảo thì chúng tôi phát huy thật tốt các giá trị truyền thống của các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã yên nghỉ nơi đây, không phụ lòng của các anh hùng liệt sĩ đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Từ ngày giải phóng hoàn toàn đất nước cho đến ngày hôm nay, Côn Đảo được xem như là "bàn thờ của Tổ quốc", là nơi để mọi người cùng hướng về, để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ hôm nay”.

Dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tất cả những con người, câu chuyện, nơi chốn ấy vẫn giữ được sự linh thiêng và oai hùng. Đến đây, được nhìn, được nghe, được đặt tay vào và cảm nhận bằng giác quan của mình, thì sự kiên cường, bất khuất của những người tù chính trị nơi "địa ngục trần gian" càng hiện rõ trong tâm trí mỗi người. Phía ngoài những xà lim, buồng biệt giam, chuồng cọp, chuồng bò ... vẫn còn đó những tấm bia ghi khắc tên tuổi của biết bao người con yêu nước đã từng lưu dấu chốn này. Bao nhiêu tên người là bấy nhiêu kiểu hành hạ, đòn roi trút xuống. Sân tù rộng bao nhiêu, đất Côn Đảo dày nhường nào, thì máu đào cũng đã loang và thấm đến tận cùng từng ngóc ngách, để rồi lại nở hoa làm nên những trang vàng rực rỡ cho dân tộc…